Dòng sự kiện:

Cẩm nang làm cha mẹ: Thưởng phạt trẻ phải công minh

The GDTĐ
07:14 24/03/2019
Trong cuộc sống không ai là không có những sai phạm, mắc lỗi. Các con, các cháu cũng vậy, có những lúc trẻ thực hiện mọi việc đều thông suốt, tốt đẹp nhưng cũng không thể không có những sai phạm.

Việc thưởng phạt công minh là điều mọi bậc cha mẹ nên lưu tâm bởi việc thưởng phạt công minh không chỉ khuyến khích trẻ, khen ngợi trẻ để trẻ cảm thấy phấn kích, có động lực phấn đấu vươn lên khi trẻ làm được việc tốt, mà còn giúp trẻ nhận thức được những điều sai trái để không mắc lỗi nữa, sửa sai để tiến bộ.

Khi trẻ hoàn thành tốt các công việc được giao dù ít dù nhiều chúng ta cũng nên khen ngợi, động viên và có những hình thức thưởng hợp lý như mua tặng cuốn sách, cho đi công viên, thăm thú nơi nào đó... đặc biệt khi cha mẹ đã hứa thưởng rồi thì phải thực hiện không vì bất cứ lý do nào mà không thực hiện.

Mọi hình thức thưởng, phạt đều phải dựa trên sự phát huy khả năng của trẻ

Nếu việc người lớn không thực hiện những lời hứa vô hình trung gieo vào tâm hồn trẻ những tình cảm không hay như mất niềm tin và rất có thể trẻ có những thái độ và hành động tiêu cực, bất mãn.

Trong cuộc sống chúng ta nên tạo ra những lý do khen ngợi, thưởng cho trẻ hơn là trách phạt, tạo mọi cơ hội để trẻ có thể được khen ngợi, tạo cho trẻ có niềm tin, động lực sống.

Bất cứ một điều dù nhỏ nhặt nhất mà trẻ thực hiện được các bậc phụ huynh cũng nên ngợi khen, động viên... chẳng hạn như đạt điểm cao, dọn dẹp nhà cửa, giúp mẹ đi chợ nấu ăn, trông em... Khi con cháu làm được việc tốt dù trong nhà, ngoài xã hội chúng ta cũng nên khen ngợi, thưởng xứng đáng.

Song song với việc khen thưởng, việc phạt cũng cần được thực hiện khi trẻ mắc lỗi tất nhiên là chúng ta nên cân nhắc mức phạt phù hợp cho trẻ không gây ức chế, làm tổn thương trẻ.

Các bậc cha mẹ chỉ nên phạt con cháu khi cần thiết với các cách phù hợp như không cho đi chơi, không được xem tivi, không được tham gia một hoạt động nào đó… Nhất thiết là khi phạt trẻ chúng ta luôn tạo cơ hội cho trẻ sửa sai và phải làm cho trẻ nhận thức được lỗi của mình để tránh và tiến bộ.

Tóm lại, việc thưởng phạt cho trẻ cần công minh, rõ ràng không nên lúc nào cũng chăm chăm bắt lỗi trẻ mà nên nhìn nhận mọi việc thật khách quan, chỉ thật cần thiết mới sử dụng các hình thức phạt trẻ và phải phạt trẻ đúng cách, không la mắng nhiều, không đánh đập trẻ, không được dùng bất cứ hình thức hành hạ, tổn thương đến thể xác, tâm hồn trẻ.

Nguồn: Gia đình Việt Nam