Dòng sự kiện:

Cảm phục người nuôi 35 thai phụ, gom hàng nghìn hài nhi trên núi

18:46 20/08/2015
“Tôi nghĩ đến khi chết tôi cũng chỉ làm 2 việc, một là chôn cất các hài nhi, hai là cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi mà thôi", ông Phúc nói.

Hầu như ở Khánh Hòa không ai là không biết đến ông Tống Phước Phúc (SN 1976, ở tổ dân phố số 8, phường Phương Sài, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) - hơn 10 năm nay, không chỉ lặng lẽ đi nhặt xác hài nhi về chôn cất mà ông còn cưu mang nhiều số phận cơ nhỡ.

Trao đổi trên báo An ninh Thủ đô, ông Phúc nói: “Một sinh linh dù chưa kịp thành hình nhưng cũng đã là một con người. Với suy nghĩ đó, tôi lập nghĩa trang Đồng Nhi làm nơi yên nghỉ của những hài nhi bị bỏ rơi, đồng thời thức tỉnh lương tri của những người cha, người mẹ đang tâm vứt bỏ những đứa con bé bỏng của mình”.


Nghĩa trang Đồng Nhi - nơi an nghỉ của những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi. (Ảnh: Báo Tri thức trực tuyến).

"Tôi nghĩ đến khi chết tôi cũng chỉ làm 2 việc, một là chôn cất các hài nhi, hai là cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi mà thôi!”, ông Phúc tâm sự.

Để đến được nghĩa trang Đồng Nhi (ở núi Hòn Thơm thuộc thôn Xuân Ngọc, xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang) - nơi an nghỉ của những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, phải đi qua những con dốc ngoằn ngoèo, dân cư thưa thớt, lên những bậc đá dọc sườn đồi. Ở đó có những ngôi mộ xếp thành từng dãy dài nằm sát nhau, trên mỗi mộ đều cắm một bông hoa hồng bằng nhựa nhiều màu sắc.

Cũng theo ông Phúc, ông mua khu đất rộng này từ năm 2004 để làm nghĩa trang cho các cháu. Ông là thợ xây đã nhiều năm nên cứ theo kinh nghiệm mà xây nghĩa trang chứ không có bất cứ bản vẽ thiết kế nào. Do các cháu còn quá nhỏ,  nên ông đặt vào hũ sành rồi chôn, sau đó dùng xi măng xây kín lại.

Đến nay nghĩa trang Đồng Nhi này đã chôn gần 11.000 hài nhi và không còn chỗ để chôn nữa. Sau những đêm trăn trở, ông không muốn những hài nhi tiếp theo lại bị vứt bỏ nên lặn lội về huyện Diên Khánh tìm đất mua để chôn cất hài nhi. Với số vốn ít ỏi ông tích cóp được từ công việc xây dựng của mình, ông cũng mua được khoảng đất trống nằm trên sườn đồi xã Diên Lâm (cách nhà ông gần 30km) rồi thuê người khai hoang để làm nghĩa trang. 


Những đứa trẻ bị bỏ rơi được ông Phúc cưu mang. (Ảnh: Báo An ninh Thủ đô).

“Hồi ấy trong lúc chăm vợ trở dạ trong bệnh viện, cùng phòng đẻ với vợ tôi có cô sinh viên năm 2 đẻ non, đứa bé bị chết nên cô ta lẻn bỏ đi mất hút. Lúc đó, tự nhiên tôi có ý nguyện được chôn cất và hương khói cho cháu bé xấu số đó và ý nguyện đã được bệnh viện chấp nhận. Tôi mang xác đứa trẻ về nhà liệm xong, sau đó đi khắp vùng ven thành phố tìm đất trống, cuối cùng tôi tìm được một bãi đất trên triền núi Hòn Thơm chôn cất. Vài ngày sau tôi tìm đến chủ nhân đám đất rồi mua lại để làm nghĩa trang”, ông Phúc kể lại.

Từ đó, hài nhi bất hạnh có nơi an nghỉ, rồi đến bé thứ hai, thứ ba, thứ tư... Những ngày sau đó, ông còn đến các bệnh viện trong thành phố xin họ cho mang các hài nhi xấu số từ các ca hút thai về để chôn cất. Lúc đầu, nhiều bác sĩ nghi ngờ nên không cho ông nhận, sau đó ông phân tích cũng như đưa giấy tờ liên quan của mình ra, đồng thời dẫn họ đến nghĩa trang để xem thì họ mới tin.

Trên báo Tri thức trực tuyến, ông Phúc cho biết thêm, thời điểm những năm 2006, 2007, có ngày ông thu lượm về 30 hài nhi.

"Nếu cứ gom liên tục thế này thì sẽ không hay, chẳng khác gì tạo điều kiện cho các cháu cứ thoải mái quan hệ đi rồi có thai bỏ, chú Phúc sẽ gom. Bằng mọi giá tôi phải đi tìm các cô gái có ý định phá thai và tư vấn, khuyên răn không nên làm việc thất đức. Trong số đó cũng có nhiều người nghe", ông Phúc nói.

Ông Phúc cho biết, thời điểm những năm 2006, 2007, có ngày ông thu lượm về 30 hài nhi. (Ảnh: Báo Tri thức trực tuyến).

Từ suy nghĩ đó, một ngôi nhà nhỏ trên mảnh đất 800 m2 tại thôn Hòn Nghê (xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang) được dựng lên làm chỗ ở cho các cô gái mang bầu ngoài ý muốn. Ông Phúc tình nguyện tài trợ trọn gói ăn ở, đi lại cho các thai phụ mà ông khuyên răn giữ lại con.

Thời điểm hiện tại, ông đang chăm sóc cho 5 cô gái với nhiều tình cảnh khác nhau đến từ Lai Châu, Hưng Yên, Quảng Trị, Ban Mê Thuột và Cam Ranh. Trước đó đã có 30 cô bầu khác từng được ông lo cho nơi ăn, chốn ở...

Ông Phúc nói với những người mẹ trẻ: "Nếu vì hoàn cảnh khó khăn tài chính hoặc lý do nào đó, các cháu vẫn nên giữ lại em bé, chú sẽ lo cho các cháu cho đến khi sinh xong và tròn 6 tháng tuổi. Kể cả sau đó, nếu vẫn khó khăn, các cháu cứ ở lại đây, không sao hết".

Mỗi thai phụ được ông nuôi dưỡng trong căn nhà trên núi có một hoàn cảnh khác nhau. Người thì trót dại rồi bị bạn trai bỏ rơi, người do tuổi còn quá trẻ không dám nói với bố mẹ đành vào đây, cũng có cô gái chấp nhận làm mẹ đơn thân...

Ngoài ra, ông Phúc còn lập cơ sở bảo trợ xã hội tại nhà của mình trong một ngõ nhỏ thuộc đường Phương Sài, thành phố Nha Trang. Nơi đây hiện có 18 em bị mẹ bỏ rơi từ khi lọt lòng. Kinh phí để chăm lo cho các em nhỏ cùng 5 cô gái mang bầu chừng 100 triệu đồng mỗi tháng.

Được biết, ngoài việc làm thợ xây, gia đình ông Phúc còn mở trang trại nuôi gà, lợn để tạo nguồn tài chính.

Ngoài ra, những khoản tiền tài trợ từ các cá nhân, doanh nghiệp cũng giúp ông trang trải. Riêng tiền điện mỗi tháng tại cơ sở nuôi 18 em nhỏ đã hết tới 1,7 triệu đồng.

Các em nhỏ sống trong mái ấm tràn ngập tiếng cười. Đây không chỉ là nơi ở mà còn là trường mầm non nhỏ với đầy đủ giáo viên. Các bé tới tuổi vào tiểu học đều được đến trường.

 

 

 

Nói về việc làm của ông Phúc, bác sỹ Nguyễn Nam, Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Nhiều người thấy việc làm của anh Phúc là bình thường nhưng tôi nghĩ đây là việc làm rất hiếm, có những hôm nửa đêm nghe có người báo thấy hài nhi bị vứt bỏ mãi dưới huyện Vạn Ninh (cách TP. Nha Trang 70km), anh Phúc vẫn chạy xe đi nhận về để an táng. Ở đây, tôi chứng kiến nhiều cô gái đến nạo phá thai nhưng qua lời khuyên của anh Phúc, các cô đã từ bỏ ý định phá thai. Khi sinh con, không có điều kiện nên nhiều cô để lại con cho ông Phúc nuôi, rồi lặng lẽ đi lấy chồng và có khi sau đó vài năm lại quay về nhận con”.

Việc làm cao đẹp của vợ chồng ông Phúc đã được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cảm động viết thư khen và khẳng định: “Chúng ta lên án những kẻ hèn nhát, rũ bỏ trách nhiệm làm cha, làm mẹ. Anh, chị đang làm những việc nhân nghĩa, quên mình vì người khác, không những là nơi nương tựa cho những mảnh đời bất hạnh, mà hơn thế, còn là tấm gương cao đẹp của danh dự và nhân phẩm. Việc làm của anh, chị cùng với rất nhiều việc làm tình nghĩa khác trong cộng đồng vẫn đang nảy nở, sẽ như hoa thơm diệt trừ cỏ dại để hướng đến chân, thiện, mỹ, có ảnh hưởng sâu sắc đến niềm tin của con người được xây dựng trên cơ sở của đạo đức và phẩm hạnh”.

Khánh Vy (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Video đang được quan tâm:

[mecloud]LRb9apXbWV[/mecloud]