Dòng sự kiện:

Cận cảnh "Nhà hạnh phúc" ở... trại giam

15:00 11/08/2015
“Nhà hạnh phúc” hay “Nhà 24 giờ”, “Buồng vợ chồng”, “Thiên đường tình yêu” là phần thưởng của những phạm nhân cải tạo tốt tại trại giam.

Trao đổi trên báo Pháp luật TP.HCM, cụ Võ Đình Nhân, nguyên là phó cục trưởng Cục Cảnh sát trại giam - Bộ Công an, nay đã 88 tuổi cho biết, người có công sáng lập ra buồng hạnh phúc trong trại giam là cụ Hoàng Mai, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát trại giam thời kỳ 1960. 

Khi đó cụ Nhân đang là cục phó, người hỗ trợ đắc lực, cùng cục trưởng đặt viên gạch đầu tiên xây dựng những căn phòng này.

Nhà hạnh phúc tại trại giam Ngọc Lý, Bắc Giang. (Ảnh: Báo Pháp luật TP.HCM).

Những năm 1960, cả nước có hai loại trại giam: Một là nơi chuyên giam giữ những đối tượng phạm tội hình sự, bị kết án; hai là nơi tập trung cải tạo những thành phần chống phá cách mạng. Đối với nơi tập trung cải tạo, lãnh đạo cục chủ trương không quá khắt khe trong công tác giam giữ, nếu ai cải tạo tốt, tiến bộ sẽ cho phép họ được gặp riêng người thân trong vòng 24 giờ.

Cận cảnh một buồng Hạnh phúc. (Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam).

Lúc đầu ý tưởng này của cụ Hoàng Mai đã gặp nhiều ý kiến phản đối quyết liệt. Có người cho rằng đó là nơi giam giữ những người phạm tội, không thể tạo một không gian không thích hợp như vậy. Nhưng Cục trưởng cho rằng đó sẽ là sự động viên lớn đối với những người đang cải tạo. Được gặp gia đình, vợ con, họ sẽ yên tâm cải tạo, lao động tích cực hơn nữa để ngày về ngắn lại.

Nhiều người còn đưa cả con vào để thăm bố, tiếng con trẻ, tiếng cười của người lớn làm cho không gian này trở nên vui vẻ hơn. (Ảnh: Báo Pháp luật TP.HCM).

Mô hình nhà hạnh phúc bây giờ đã được nhiều nơi áp dụng, đằng sau đó là những câu chuyện nghĩa tình không dễ nói ra.

Cũng như trại giam Ngọc lý, câu chuyện về buồng Hạnh phúc ở trại giam Hoàng Tiến (Bộ Công an) đóng tại địa bàn thị xã Chí Linh (tỉnh Hải Dương) cũng khiến các phạm nhân bất kể nữ hay nam, già hay trẻ đều vô cùng phấn khởi.

Một dãy nhà Hạnh phúc. (Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam).

Theo báo Pháp luật Việt Nam, ai cũng có khát vọng được gặp gỡ, gần gũi người thân yêu của mình, tùy hoàn cảnh mà người được gặp trong Buồng Hạnh phúc có thể là bạn đời hay mẹ già, con nhỏ của mình. Bao năm cách xa, dẫu có được gặp người nhà qua những lần thăm nuôi nhưng những lần đó chỉ được gặp và nói chuyện qua vách kính nên mới chỉ nghĩ đến cảm giác được cầm tay, ôm con vào lòng thôi đã cảm động lắm rồi.
Các phạm nhân động viên nhau hãy cố gắng hết sức để trong thời gian thụ án được vào căn phòng này cho thỏa nỗi khát khao.

Giám thị Nguyễn Hữu Ấm chia sẻ: “Phạm nhân là những người bị mất quyền công dân, nhưng họ vẫn còn những quyền cơ bản của một con người. Không có biện pháp giáo dục nào đối với các phạm nhân tốt hơn là khơi gợi sự hướng thiện của họ bằng mối dây liên hệ tình cảm khăng khít với người thân trong gia đình, đặc biệt là tình cảm vợ chồng. Chính vì vậy, câu chuyện về buồng Hạnh phúc hết sức cần thiết, cảm động và nhân văn!”.

Khánh Vy (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Video đang được quan tâm:

 [mecloud]xvhA5hi2FV[/mecloud]