Dòng sự kiện:

Cảnh giác 10 thực phẩm làm giả độc hại của Trung Quốc

Không chỉ được làm giả với mục đích trục lợi, nhiều loại đồ ăn còn chứa các hóa chất gây nguy hại cho sức khỏe, bạn cần cảnh giác khi mua.

Trứng gà

Trứng gà là một trong những loại đồ ăn được làm giả gây xôn xao nhất của Trung Quốc. Vỏ trứng được tạo ra từ canxi cacbonat, lòng trắng được làm bằng các thành phần bao gồm: tinh bột, nhựa và chất làm đông. Còn lòng đỏ thì được chế tác sử dụng các phụ gia sắc tố. Nếu không tinh ý, khi ăn bạn khó mà phát hiện ra.

Gạo

Gạo là lương thực chủ yếu của Trung Quốc và các nước châu Á. Tuy nhiên, đây lại là loại thực phẩm thường bị trà trộn thật giả lẫn lộn. Một số loại gạo được sản xuất hoàn toàn từ khoai tây trộn với một loại nhựa công nghiệp có thể gây chết người. Gạo giả là rất khó tiêu hóa. Theo các nhà khoa học, ăn ba bát gạo này được ví như ăn một túi nhựa. Bạn có thể nhận biết gạo giả bằng cách đốt một hạt gạo rồi ngửi mùi của nó, ngoài ra, gạo giả cũng bị tan trong dầu nóng.

Thịt bò

Truyền thông từng cảnh báo chiêu biến thịt lợn thành thịt bò bằng hóa chất. Theo đó, do thịt bò có giá thành cao nên một số người đã sử dụng thịt lợn, sau đó nhúng vào một dung dịch màu nâu, để trong một giờ, miếng thịt lợn dần dần biến màu và chuyển thớ thịt y như thịt bò một cách kinh hoàng. Theo các bác sĩ, thịt bò giả theo cách này có thể gây dị dạng thai nhi, ngộ độc hoặc ung thư.

Đậu phụ

 

Những miếng đậu phụ trắng phau có thể bị nhái bằng cách trộn protein chiết xuất từ đậu tương với bột mì, nước đá, và một số loại hóa chất công nghiệp để làm ra đậu phụ giả. Miếng đậu giả khá đàn hồi, không dễ vỡ như đậu thường và tất nhiên là có hại cho sức khỏe.

Đậu xanh, đậu Hà Lan

Những loại đậu có màu xanh được làm "sao y bản chính" bằng thuốc nhuộm, một số hóa chất gây biến đổi, sau đó sấy khô, chúng sẽ có hình dáng và màu sắc không khác nhau nhiều, gây nhầm lẫn cho người nội trợ. May mắn là với loại thực phẩm này, bạn có thể phát hiện bằng cách ngâm chúng vào nước xem có bị phai màu hay không hay luộc bằng nước nóng, đậu giả sẽ không mềm như đậu thật. 

Muối

Dù không phổ biến nhưng muối cũng là một trong những loại nguyên liệu bị làm theo cách công nghiệp ở Trung Quốc. Ăn nhiều loại muối nhân tạo này bạn sẽ có nguy cơ cao các bệnh về tim mạch, đột quỵ.

Thịt cừu

Thịt cừu là loại thực phẩm có giá thành cao, do đó những người bán hàng luôn tìm đủ mọi cách để làm giả. Một trong những cách "vô lương tâm" chính là làm ra loại thịt giả từ thịt chuột, sóc hoặc cáo sau đó xử lý qua bằng hóa chất. Trong đó, loại thịt cừu làm từ thịt chuột có mức độ nhiễm khuẩn E.coli cao bất thường, gây nguy hại cho sức khỏe.

Mật ong

Mật ong được làm giả nhiều nhất ở Tế Nam, Sơn Đông khi 70% mật ong ở đây qua kiểm tra là mật ong giả. Có 2 loại giả, một là loại pha trộn mật ong thật với đường, củ cải đường và xiro. Loại khác trông giống mật ong nhưng thực chất làm từ đường, nước, phèn và nước lọc, bán với giá thành cao gấp 10 lần.

Nhân sâm

Nhân sâm là một cây thuốc phổ biến ở Trung Quốc được bán theo trọng lượng. Để làm cho nhân sâm nặng hơn, một số người đã đun sôi sâm trong nước đường. Nhân sâm tự nhiên thường chỉ chứa 20% đường, trong khi nhân sâm giả có thể chứa tới 70%. Loại giả tuy không gây hại cho sức khỏe nhưng không có tác dụng như loại thật, gây lãng phí tiền bạc.

Mì, bún

Thêm một loại thực phẩm phổ biến trong bữa ăn hàng ngày bị các nhà sản xuất Trung Quốc hám lợi làm giả. Loại mì này được sản xuất từ gạo mốc, mục, thứ vốn chỉ được dung làm thức ăn cho vật nuôi. Hay thay vì sử dụng gạo mục, một số nhà máy sử dụng bột mì, bột ngô. Các loại mì này có hàm lượng protein rất thấp, chỉ đạt 1%, so với mức 7% của mì gạo thật, 4,5% của mì gạo trộn. Qua thử nghiệm, một số chú lợn khi được cho ăn bằng loại mì này cũng đã có dấu hiệu bất thường về sức khỏe.

Nguồn: Gia đình Việt Nam