Dòng sự kiện:

Câu chuyện không tưởng của bà mẹ chết lâm sàng khi sinh mổ

14:19 02/07/2015
Bạn nghĩ việc sinh nở của mình là một kỳ tích? Vậy thì hãy đọc câu chuyện dưới đây về 23 phút chết lâm sàng của một bà mẹ khi chuẩn bị sinh mổ con trai đầu lòng.

Đó là câu chuyện của người phụ nữ Úc có tên Marina Louise Collins. Cô đã trải qua một cơn đau tim trong khi đang sinh con và chết lâm sàng khoảng 23 phút, trước khi được “hồi sinh” một cách kỳ diệu.

23 phút chết lâm sàng trên bàn mổ

Tôi đã bị hôn mê ở tuần thứ 35 của thai kỳ bởi một chứng bệnh nguy hiểm có tên là tiền sản giật. Lúc đó, tôi đã được đưa vào bệnh viện địa phương để cấp cứu.

Sau một vài ngày, tôi chỉ giãn mở được 1cm và phải thực hiện một ca cấp cứu mổ sinh khẩn cấp. Khi các y tá cho tôi uống một loại thuốc để chuẩn bị cho ca mổ (ranitidine- một loại thuốc phổ thông thông dụng), tôi đã có một phản ứng phản vệ cực hiếm dẫn tới tim ngừng đập.

Các bác sĩ đã buộc phải thực hiện mổ lấy thai nhi ngay lập tức trong điều kiện không phải vô trùng bởi họ không có thời gian để đưa tôi vào phòng mổ. Họ cần phải lấy đứa trẻ ra thật nhanh để có thể cứu sống tôi.

Con trai tôi đã được đưa ra trong khoảng 4 phút. Còn tôi rơi vào trạng thái chết lâm sàng trong 23 phút. Tôi được hô hấp nhân tạo tới 2 lần và thời điểm đó các bác sĩ đã nghĩ rằng tôi hết hi vọng sống sót.

Kris - người chồng tội nghiệp của tôi luôn túc trực trong phòng. Anh nghĩ là tôi sẽ chết nên gọi điệ cho anh trai tôi và gia đình nhà chồng. Họ vội vã tới bệnh viện, nhanh tới mức khi tất cả đến nơi, tôi vẫn chưa lấy lại được mạch đập của mình.

Anh trai tức tốc gọi cho mẹ tôi nói rằng tôi đã chết, sau đó cúp máy. Người mẹ tội nghiệp như điên dại gọi điện cho bố tôi…

Thật kỳ diệu, 23 phút, tôi đã có mạch đập, dù rằng yếu ớt. Nhưng bác sĩ nói tôi chỉ có một cơ hội sống rất mong manh và không nên hi vọng nhiều. Tôi bắt đầu xuất huyết trong và được tới bệnh viện Royal Brisbane (Úc). 5 ngày liên tiếp, tôi nằm hôn mê trong phòng hồi sức cấp cứu. Tôi còn phản ứng tự vệ với việc truyền máu.

Ánh sáng soi rọi tâm trí

Đó là những ngày u ám, mờ nhạt. Tôi không nhớ gì cả, ngoại trừ hình ảnh về con trai như ánh sáng soi rọi trong tâm trí. Mặc dù không biết chuyện gì đang diễn ra, nhưng tôi biết con đã được sinh ra mà vẫn ổn. Đó là niềm an ủi duy nhất trong tình huống nguy kịch đó.

Tôi không thể nói được. Ai đó đã đưa tôi một tờ giấy để viết. Tôi viết một từ: “Chồng”.

Khi tỉnh dậy, tôi có rất nhiều câu hỏi trong đầu. Tôi bị mất toàn bộ ký ức từ khoảng thời gian 2 ngày trước khi bị ngưng tim. Tôi thậm chí không nhớ đến lúc vào phòng sinh.

Tôi đã rất bối rối và cơ thể còn yếu. Trong những ngày tiếp theo, từng chút một, người ta giúp tôi lắp các mảnh ghép sự việc lại với nhau, điều đó khiến tôi nhận ra mình đã may mắn như thế nào.

Sau khi được chuyển khỏi phòng hồi sức, tôi vẫn không được gặp mặt Lincoln- con trai tôi, bởi lúc đó cậu nhóc vẫn đang ở trong phòng chăm sóc đặc biệt. Đó thực sự là nỗi đau đớn đối với người lần đầu làm mẹ mà không được ở cạnh đứa con của mình.

Thêm vào đó, các xương sườn của tôi bị gãy khi hô hấp nhân tạo, bởi vậy tôi chỉ có thể bế con trong vài phút ngắn ngủi và không thể cho con bú. Trên người tôi cũng được gắn chằng chịt các thiết bị và tôi không thể ăn trong 10 ngày.

Đó thực sự là thời điểm khó khăn, nhưng tôi đã tự động viên bản thân rằng mọi việc sẽ tốt đẹp hơn, tôi sẽ sớm khỏe lại để về nhà và thực hiện vai trò làm mẹ với đứa con xinh đẹp của mình.

Mọi người thường hỏi tôi có nhìn thấy “ánh sáng” hay không, nhưng tôi không nhớ bất cứ điều gì. Tất cả hoàn toàn là một khoảng trống trong kí ức mà bác sĩ gọi là mất trí nhớ ngược dòng. Thật đáng sợ khi biết rằng bạn có thể đã chết trong khi bạn còn không biết là nó xảy ra.

Tôi đã vô cùng may mắn khi vượt qua tất cả, không chỉ sống sót mà còn không có bất cứ tổn thương nào về não hay tim. Tôi cũng may mắn khi Lincoln là một đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh và đáng yêu.

Bác sĩ - người đã cứu tôi nói rằng, chỉ có 3 trường hợp duy nhất trên thế giới phản ứng phản vệ với ranitidine. Một trong số đó đã chết và tôi là 1 trong 2 người sống sót. Cô ấy nói rằng tôi đã rất không may mắn khi mắc phải hiệu ứng phản vệ đó. Nhưng tôi lại cảm thấy mình là người may mắn nhất thế giới khi đã vượt qua thử thách của bản thân.

10 tuần sau đó, tôi gần như đã bình phục và ngưng dùng thuốc, ngoại trừ một số thuốc huyết áp và giảm đau. Lincoln cũng đã bắt kịp được với cân nặng và kích thước. Sau 9 tuần, con trai tôi đã tăng gấp đôi cân nặng khi sinh và đạt đến mức cân trung bình ở độ tuổi của mình.

Kris đặt tên con là Lincoln trong khi tôi đang nằm hồi sức, vì anh nghĩ rằng nếu tôi chết đi, tên gọi tắt của con sẽ là Linc, biểu tượng cho sự liên kết của vợ chồng tôi.

Khi tỉnh dậy, tôi đã đặt thêm tên đệm cho con là Kael, trong tiếng Ai Len có nghĩa là chiến binh hùng mạnh. Tôi nghĩ nó phù hợp với nguồn gốc Ai Len của chồng mình.

Lincoln là một cậu bé đáng yêu, là ánh sáng của cuộc đời tôi và hoàn toàn xứng đáng để tôi có thể hi sinh vì con.

MINH TRANG (Theo Motherandbaby)


TAG