Cha mẹ bỏ rơi, hai đứa trẻ ngày ngày đi nhặt phế liệu kiếm sống, gặp ai cũng cho bế và gọi mẹ
Tuổi thơ đầy nước mắt
Chiều đông giá rét, dạo quanh con đường liên thôn của xã Thanh Lâm (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), chúng tôi chạnh lòng khi bắt gặp cảnh một cậu bé với dáng người nhỏ thó, da đen sạm, trên người mặc bộ quần áo mong manh, oằn mình cõng chiếc bao tải phía sau lưng chất đầy vỏ lon, chai nhựa, bìa cứng. Đi được một quãng, đứa trẻ lại được người dân hai bên đường gọi vào, người cho vài ba vỏ lon, người lại cho bộ quần áo cũ, bắp ngô vừa mới luộc.
Cầm bắp ngô còn nóng hổi trên tay, đứa trẻ không ăn mà bỏ vào một túi ni lông. Khi được thắc mắc, đứa trẻ nhoẽn miệng cười bảo "Cháu để dành cho em. Từ chiều đến giờ chưa được ăn gì, có ngô luộc, chắc em sẽ rất vui".
Hỏi về hoàn cảnh của đứa trẻ, người dân thở dài cho biết. Cậu bé tên là Quang Gia Huy (5 tuổi). Sau Huy còn một đứa em chưa đầy 3 tuổi. Bố mẹ bỏ đi biệt tích đã nhiều năm nay. Anh em Huy được ông bà ngoại cưu mang, chăm sóc. Vì hoàn cảnh nghèo khó nên hơn một năm nay, dù còn nhỏ tuổi nhưng Huy hàng ngày nhặt phế liệu mang về cho bà ngoại bán kiếm tiền trang trải cuộc sống.
"Biết hoàn cảnh anh em chúng nên trong làng ai nấy đều thương, có phế liệu là đều để dành cho cháu. Thằng bé rất thương em. Ai cho miếng gì cũng để dành, mang về cho em", một người dân chia sẻ.
Theo chân Huy, chúng tôi tìm về căn nhà cấp 4, đơn sơ, cũ nát của vợ chồng bà Phan Thị Xoan (60 tuổi, ngụ thôn Triều Long 2, xã Thanh Lâm, bà ngoại của Huy). Hình ảnh đầu tiên khiến tôi không khỏi xót xa khi nhìn thấy bé Quang Thùy Linh (3 tuổi) với manh áo mỏng dính, ngồi bệt trước sân nhà, chăm chú xúc cơm ăn. Bát cơm chan nước mắm mà đứa trẻ vẫn ngồi ăn một cách ngon lành.
Gặp chúng tôi, Linh nhoẻn miệng cười, nhanh nhảu chào bằng "mẹ". Biết khách bất ngờ, bà Xoan ngồi bên cạnh thở dài phân trần: "Gặp ai là phụ nữ, bất kể già hay trẻ con bé cũng đều gọi là mẹ. Khổ thân, chắc thiếu vắng tình cảm của mẹ từ nhỏ nên nó mới vậy".
Thấy trên tay anh trai cầm bắp ngô, Linh liền thả bát cơm chạy đến giành lấy rồi ăn ngấu nghiến, như thể, chưa bao giờ đứa trẻ được ăn thứ ngon như thế.
Bà Xoan kể, con gái bà là chị Nguyễn Thị Thơ (26 tuổi, mẹ của anh em Huy) lấy chồng ở huyện miền núi Quế Phong (tỉnh Nghệ An) khi cả hai cùng đi làm thuê ở trong Sài Gòn. Anh em Huy chào đời đều ở nhà ngoại, được vợ chồng bà Xoan cưu mang, chăm sóc.
"Khi cháu Huy 2 tuổi, cháu Linh mới chào đời thì bố nó bỏ đi biệt tích, chẳng ai biết ở đâu, sống chết thế nào. 3 năm nay chưa một lần quay về gặp con, cũng chẳng có lấy một cuộc điện thoại xem chúng sống chết thế nào.
Khi Linh vừa được 1 tuổi thì mẹ nó lại bỏ hai đứa con lại cho vợ chồng tôi rồi cũng biệt tích luôn từ đó. Nó cũng nhẫn tâm như chồng, chưa bao giờ về thăm con, cũng chẳng điện thoại thì nói gì đến việc chu cấp cho con cái", bà Xoan thở dài chia sẻ.
Ngày vợ chồng chị Thơ bỏ đi, bà Xoan cũng đã lặn lội tìm về gia đình bên nội để hi vọng sự giúp đỡ. "Ông bà nội của chúng đi tù vì ma túy cả. Tôi chẳng thể trông chờ vào ai. Thương cháu đứt ruột, ngày đêm đói khóc vì khát sữa, nhớ cha mẹ mà đành bất lực...", bà Xoan khóc nghẹn.
Chỉ mong có bố có mẹ
Thiếu vắng tình cảm cha mẹ từ nhỏ, gia cảnh nghèo khó nhưng anh em Huy luôn là những đứa trẻ an phận, hay ăn, hay ngủ lại chẳng bao giờ đòi hỏi gì. Ông bà ăn gì thì chúng ăn nấy, cứ thế lớn lên như củ sắn, củ khoai. Cũng vì thiếu thốn đủ thứ nên anh em Huy thấp, bé hơn so với những đứa trẻ cùng lứa.
Ông ngoại hai bé là Nguyễn Văn Hường (60 tuổi) vốn bị bệnh hen suyễn hàng chục năm nay, mất sức lao động, nằm viện nhiều hơn ở nhà nên gánh nặng đè lên đôi vai gầy của bà Xoan.
Thu nhập chính phụ thuộc vào hai sào ruộng, để có tiền trang trải cuộc sống, rau cháo qua ngày, bà Xoan làm thêm nghề thu nhặt phế liệu. Hàng ngày, Huy cùng bà ngoại rong đuổi khắp các con đường làng, tìm vào nhà dân thu nhặt phế liệu. Bé Linh được gửi cho hàng xóm chăm sóc.
"Con bé cứ chơi lủi thủi một mình, bạ đâu ngủ đấy. Khi đói, bé Linh lại vào nhà xung quanh xin cơm ăn. Gặp ai bé cũng cho bồng, gọi bằng mẹ.
Bé Huy còn nhỏ tuổi mà đi nhặt phế liệu suốt ngày. Hỏi thì nó hồn nhiên bảo nhặt về đổi cá, đong gạo. Vừa rồi, chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ nên bé Huy mới được đến trường", ông Nguyễn Ngọc Anh (trưởng thôn Triều Long 2) chia sẻ.
Hỏi về tâm nguyện của mình, bà Xoan gạt nước mắt, thở dài "Tôi chỉ cầu mong bố mẹ chúng ở đâu thì nghĩ tình máu mủ mà về cưu mang lấy hai đứa con. Nhìn chúng tương lai mù mịt, sống lay lắt thế này xót xa lắm. Vợ chồng tôi già yếu cả rồi, như ngọn đèn trước gió, tắt lúc nào không hay...".
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Bé trai 9 tuổi một mình sống giữa mộ bia ở Quảng Trị hơn 700 đêm và niềm vui ngày mẹ trở về
- Khó tin bé trai 9 tuổi một mình sống hơn 700 đêm cô quạnh giữa mộ bia
- Vụ bé trai bị bố, mẹ kế hành hạ: Mẹ ruột lên tiếng vì sao 2 năm không gặp con
- Bật xi nhan nhưng không rẽ, xi nhan nhầm hướng có bị phạt không?
- 12 trường hợp dù đi đúng tuyến vẫn không được hưởng BHYT, 5 trường hợp trái tuyến lại được chi trả 100%
- Ngành học "khó nhằn" nhưng không sợ thất nghiệp: Lương có thể tới 40 triệu đồng/tháng
- Năm học 2022-2023: Học phí tại Hà Nội có thể tăng gấp đôi
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua