Cha mẹ dành thời gian cho con bao nhiêu là đủ?
Ảnh: Internet
Thời nay, không ít cha mẹ lo lắng đến nhiều hiểm nguy khi con ở nhà chơi nên tìm phương án thay thế bằng cách gửi con vào siêu thị điện máy, ngồi một chỗ lướt game, mát mẻ, có nhân viên siêu thị để mắt trông chừng.
Những đứa trẻ smart phone giờ nhan nhản, không chỉ ở các thành phố lớn bố mẹ bận rộn đi làm mà ngay ở nông thôn, nếu cha mẹ không nghiêm khắc nhắc nhở thì con sẽ dễ dàng nghiện điện thoại. Cha mẹ muốn rảnh rỗi yên thân làm thêm, làm việc nhà hay đơn giản là tán gẫu trên mạng, lướt facebook không muốn con ỉ ôi, mè nheo, khóc mếu là đưa ngay cho con điện thoại.
Điều này thật tai hại, trẻ con khi nghiện game, nghiện điện thoại sẽ lười vận động, mệt mỏi, lờ đờ, luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu khi bố mẹ đòi lại điện thoại. Những tác hại rõ rệt khi trẻ con nghiện điện thoại, ti vi là thị lực suy giảm rõ rệt, tính khí các con hung hăng, sẵn sàng khẩu chiến ngay với người thân trong gia đình để đòi quyền lợi chơi điện thoại. Con trai chơi game bạo lực bắn giết, con gái tải clip trang điểm làm đẹp, nhạc chế sống sượng dung tục rồi học thuộc, hát theo như một cách giải trí thời thượng.
Tôi từng biết có những phụ huynh mê mải kiếm tiền, nhận việc về nhà làm thêm mà rối bời vì hai con nhỏ. Vậy là bố mẹ để con xem ti vi suốt cả ngày, con chán ti vi thì chơi điện thoại. Thậm chí bố mẹ cày công việc trên máy tính tới 11-12 giờ đêm thì con cũng ung dung xem ti vi, chơi điện thoại đến khi bố mẹ xong việc mới chịu đi ngủ.
Sau mấy năm như thế, con anh chị thị lực bị suy giảm rõ rệt, mắt cận thị mắt loạn thị phải đeo kính mấy năm nay. Anh chị thấy mình đã sai lầm khi chưa dành thời gian hợp lý cho con. Họ bớt việc làm thêm, chủ động cùng vui chơi với con, dạy con làm việc nhà, hạn chế hết mức cho con dùng điện thoại và xem ti vi, tìm cách kéo con ra ngoài vui chơi, chạy nhảy, chơi thể thao với các bạn.
Nhưng vẫn có nhiều cha mẹ chiều con, mủi lòng khi con năn nỉ đòi chơi điện thoại, dù nhận ra tác hại của việc con dán mắt vào điện thoại mỗi ngày vài tiếng. Chị hàng xóm kể chuyện về con với vẻ mặt rầu rĩ: "Ngày bé, con xinh lắm, mắt tròn xoe, mình để con chơi điện thoại nhiều giờ thấy con lác một bên mắt". Chị vẫn không kiên quyết khi con xin xỏ, đòi chơi điện thoại vì lý do chị còn mải theo dõi phim dài tập, mải làm việc nhà nên con cứ nheo nhéo bên tai là không chịu được, thôi quẳng cho chúng nó cái điện thoại để mẹ còn thoải mái xem phim, làm việc, bếp núc. Lũ trẻ chỉ đợi mẹ ừ một tiếng là hò reo sung sướng, là dí mắt vào điện thoại cười rúc rích.
Cha mẹ thở than thời buổi công nghệ, điện thoại làm hư trẻ con. Tôi cho rằng, chẳng có điện thoại thông minh nào làm hư con bạn nếu như bạn không chiều con mọi lúc, mọi nơi. Tôi áp dụng phương pháp đơn giản nhất là chỉ cho con chơi điện thoại chừng 1 tiếng/ngày vào 2 ngày cuối tuần, khi mẹ thực sự rảnh rỗi để kiểm soát thời gian con sử dụng. Tôi khuyến khích con ra ngoài vận động thể thao cùng các bạn, đá bóng, đá cầu, chơi cờ vua, thỉnh thoảng đi bơi. Con có bộ sưu tập truyện tranh Đô rê mon cùng một số truyện cổ tích, truyện thiếu nhi khác nên các bạn hay tới chơi, mượn truyện hoặc đọc truyện ngay tại nhà tôi.
Có rất nhiều phụ huynh không thích trẻ con tụ tập tại nhà mình vì chúng nghịch ngợm, bày bừa, ồn ào nên chỉ cần trẻ nhà khác lấp ló ngoài cửa là đã xua tay. Trẻ con không thể ngồi yên trong nhà, chúng ghét cảnh một mình. Trẻ con thích có bạn chơi, thích có không gian để cả lũ tập hợp chơi chung trò chơi gì đó. Bố mẹ đều phải đi làm, trẻ con xóm tôi tự xoay sở chơi với nhau, từ nhà nọ tới nhà kia, đứa lớn trông đứa bé, anh chị bày trò cho các em chơi.
Còn những hôm nghỉ làm, tôi dạy các con làm việc nhà theo kiểu vừa học vừa chơi với con gái bé, giao khoán việc cho con trai lớn. Thỉnh thoảng tôi rủ lũ trẻ đạp xe đi chơi cánh đồng, khám phá phiên chợ quê sống động với dãy hàng hoa cây cảnh, dãy bán vật nuôi, hàng bán nông cụ mà các bé chưa bao giờ biết tới. Tôi dạy con cách đọc sách, cảm nhận vẻ đẹp ngôn ngữ, những lời nhắn nhủ mà tác giả gửi gắm trong mỗi câu chuyện nhỏ.
Thực ra tôi không phải là phụ huynh sáng tạo mà tôi chỉ lặp lại đúng theo cách bố mẹ tôi từng làm với các con khi chúng tôi còn nhỏ. Ngày trước, bố mẹ cứ đến hè là giao cho anh em tôi nuôi bầy gà vịt để có tiền mua quần áo, sách vở cho năm học mới. Tôi ở khu tập thể chật chội, vẫn áp dụng được cách làm này bằng việc khuyến khích, giao việc nhà cho con làm và có phần thưởng tặng các con. Dạy con làm việc nhà mất thời gian, nhưng phải vẽ việc ra cho lũ trẻ mới nhanh hết ngày, lũ trẻ sẽ háo hức khi được mẹ dạy cách nhặt rau muống, tuốt rau ngót, thái cà tím, bổ cà chua, nặn bánh trôi, bánh rán, rửa ốc, luộc ốc, cách pha nước chấm hợp với từng món ăn khác nhau.
Nhiều cha mẹ than thở không có tiền cho trẻ tham gia trại hè, học kì quân đội để trẻ mở mang, hiểu biết, bạo dạn... Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất là cha mẹ hãy dành thời gian cho các con, cùng vui chơi với con trong dịp nghỉ hè. Bạn có thể dạy con biết bao điều lý thú từ những thứ gần gũi xung quanh các con, chỉ có điều bạn có dành thời gian xứng đáng cho lũ trẻ hay không?
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- 5 sai lầm phổ biến khi cho con uống kháng sinh mẹ cần tránh
- Mẹ Việt ở Úc tổ chức sinh nhật cho con theo cách đặc biệt
- Hai thứ nên mua cho con càng nhiều càng tốt
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua