Dòng sự kiện:

Cha mẹ vô tình bạo hành con mà không biết

02:18 23/11/2015
Đôi khi chính bạn đang bạo hành đứa trẻ của mình mà không hay biết.

Bạo hành trẻ có thể biểu hiện qua các tình huống như:

Khi có quá nhiều bức xúc áp lực bên ngoài, bố mẹ dễ nổi giận và trút lên đầu con cái, đó chính là bạo hành gia đình.

Vì cuộc sống quá bận rộn hoặc vì quan điểm trách nhiệm sống, bố mẹ yêu cầu con phải quán xuyến việc nhà, thậm chí là đi kiếm tiền, khiến cho trẻ bị cô lập với thế giới bên ngoài, không còn thời gian học hành, vui chơi phù hợp với lứa tuổi.

Khi con có lỗi, thay vì nhẹ nhàng phân tích đúng sai cho con hiểu thì bố mẹ đánh con và nghĩ rằng “yêu cho roi cho vọt”.

Khi con đến trường, bố mẹ yêu cầu con phải đạt điểm cao. Nếu chúng không đạt như mong muốn của cha mẹ thì chửi mắng, thóa mạ, trừng phạt con.

Hay khi con muốn có sự lựa chọn (trong học hành, vui chơi, bạn bè, công việc) nhưng lại trái với tâm nguyện của cha mẹ, ngăn cản không được, bố mẹ dùng đến cái chết dọa nạt bắt con thay đổi quyết định.

Tất cả đều là bạo hành con cái.

Đáng nói, ngay cả khi bản thân không trực tiếp bị hành hạ nhưng phải chứng kiến thường xuyên cảnh bạo lực thì trẻ em cũng chịu tác động xấu tương tự. Theo Trung tâm Bạo hành Gia đình Mỹ, khi nhìn thấy bố mẹ đánh chửi nhau, trẻ sẽ cho rằng mình là nguyên nhân gây bất hòa trong gia đình. Nhưng vì không thể làm gì được nên trẻ xấu hổ, mất tự tin trong giao tiếp. Vì không tìm được chỗ dựa từ cha mẹ nên trẻ hoang mang về tương lai. Bạn thử hỏi con mình xem có thường xuyên bị đau đầu, đau bụng, mỏi mệt ban ngày, thường xuyên đái dầm hay ác mông ban đêm không? Con từ chối đến trường, ít giao tiếp bên ngoài nhưng luôn tìm sự quan tâm của bố mẹ? Hay con trở nên khó bảo, luôn nói dối và thường lang thang bên ngoài với đứa bạn nghịch ngợm?

Theo Trung tâm Tư vấn chăm sóc trẻ em Mỹ thì những đứa trẻ thường xuyên sống trong gia đinh bạo lực sẽ rơi vào 3 tình huống sau:

1. Ảnh hưởng vè cách cư xử, giao tiếp và trạng thái cảm xúc: Trở nên hung hãn, dễ tức giận, không nghe lời, hay sợ hãi, nản chí, buồn chán, không tự tin, ít giao tiếp với bạn bè và xã hội.

2. Ảnh hưởng về khả năng tiếp thu kiến thức và hành vi ứng xử: Thiếu kỹ năng tiếp nhận kiến thức, học kém, không biết cách tự giải quyết các xung đột mâu thuẫn và tin ở sự rập khuôn cứng nhắc của phái mạnh.

3. Ảnh hưởng lâu dài trong đời: sẽ trở thành một người trầm cảm, chấn thương về cảm xúc và trở nên nhẫn nhục chịu đựng sự chà đạp, lăng mạ trong các mối quan hệ.

Để chữa chạy vết thương cho trẻ cần rất nhiều sự kiên trì mà trước hết, bố mẹ phải tôn trọng sự riêng tư và quyền được bộc lộ cảm xúc của con. Điều quan trọng hơn cả là phải dành thời gian, sự quan tâm cho trẻ. Thay vì mải miết kiếm tiền tích lũy tài sản cho con, chúng ta hãy mang đến điều trẻ cần hơn là tình thương và sự gần gũi. Hãy để con cái thấy được tầm quan trọng của bố mẹ trong cuộc đời mình.

Đông Trà (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam