Dòng sự kiện:

Chấm dứt tật “cướp lời” của con

04:53 11/07/2015
Có thể bạn sẽ thấy rất bực mình nếu bé hay ngắt lời mình và không chịu nghe lời mình nói. Thậm chí bạn có thể sẽ cảm thấy vô cùng xấu hổ khi bé cướp lời những người lớn đến chơi nhà. Làm thế nào để sửa được tật xấu này của bé?

 

 

 

Bước qua giai đoạn học nói (5-7 tuổi), bé đã am hiểu khá nhiều chuyện xung quanh cuộc sống. Vốn từ vựng và cách diễn đạt ngôn ngữ của bé cũng thành thạo hơn. Vì vậy, thói quen “cướp lời” là khi bé muốn chứng tỏ bản thân mình.

Lúc còn nhỏ, bé thường có thái độ khóc lóc giận dỗi khi bạn yêu cầu bé làm những điều không thích. Khi bé trưởng thành hơn, thói quen khóc hay ăn vạ cũng bớt dần. Thay vào đó, bé muốn dùng sức mạnh của lời nói như hét to lên, chen ngang với bạn để bày tỏ sự phản đối.


Khi bạn nhắc nhở hoặc trách mắng bé, bé càng tỏ rõ thái độ bằng cách chen ngang vì không muốn nghe nữa.

Các bé ở lứa tuổi này thích noi gương người lớn. Nếu vợ chồng bạn thường xuyên ngắt lời nhau, thì bé cũng sẽ bắt chước. Bạn không được cắt ngang lời bé khi bé đang nói chuyện với bạn. Nếu bạn quên mất điều này và ngắt lời bé (hoặc ngắt lời bất kỳ ai khác), bạn hãy dừng ngay lại và nói: “Ồ, mẹ xin lỗi vì đã ngắt lời con. Con nói tiếp đi.” Con bạn không chỉ bắt chước cách cư xử đẹp của bạn mà bé còn biết cách thừa nhận sai lầm. Bạn cũng sẽ cảm thấy mọi việc trở nên tốt đẹp hơn nếu như bé thường xuyên nghe thấy bạn “cảm ơn” và “xin lỗi”…

Chấm dứt tật cướp lời của bé

Mẹ nên giải thích cho bé, ngắt lời người lớn, hay nói leo là một thói xấu cần phải loại trừ không chỉ khi con còn nhỏ, mà ngay cả con đã lớn bằng mẹ. Để làm gương cho con, mẹ cũng không bao giờ ngắt lời khi con đang nói. Áp dụng tuyệt đối phương châm: “Mẹ nói con nghe. Con nói, mẹ nghe

Bạn không nên vội vã quát mắng hoặc cố lớn tiếng để át giọng của bé. Có thể ngừng một chút để lắng nghe xem bé muốn diễn đạt điều gì. Đợi cho bé nói hết câu, bạn nên nghiêm túc nói với trẻ “Con xem, mẹ chưa nói xong con đã chen ngang rồi. Như thế là không ngoan và không lịch sự con ạ!”.


Sự tập trung với các bé còn chưa hoàn thiện, vì vậy, bé rất “sốt ruột” nếu phải chăm chú lắng nghe bạn trong một khoảng thời gian dài. Tốt nhất, bạn nên chia nhỏ các ý và trao đổi với bé. Hết một ý, bạn tạm thời dừng lại, hỏi chuyện bé trước khi chuyển sang ý tiếp theo.

Khi mẹ chưa thể đáp ứng ngay yêu cầu của bé, hãy thông báo hay ra hiệu với bé một cách lịch sự để bé học hỏi.

Ví dụ, khi mẹ đang nói chuyện với bác hàng xóm, nếu con cần hỏi mẹ điều gì đó, con hãy vẫy tay ra hiệu để mẹ biết. Nếu mẹ nhìn thấy con vẫy tay, mẹ có thể nháy mắt hoặc vẫy tay ra hiệu lại để thông báo: Đợi mẹ một tí và nhanh chóng ra xem bé có yêu cầu gì.

Lần sau, lúc nào mẹ chuẩn bị gọi điện thoại hoặc nói chuyện với người lớn, hãy giao hẹn trước với con rằng bé cần phải yên lặng, không được xen vào câu chuyện của mẹ. Nếu bé không nghe và cứ ngắt lời mẹ, bé sẽ bị phạt và không được làm những điều mà bé thích. Tốt hơn cả, mẹ hãy dạy bé biết việc xử lý các tình huống, khi nào bé có thể tự giải quyết một mình, khi nào bé nên gọi hay hỏi người lớn.

Mẹ cũng không nhất thiết phải trả lời tất cả các câu hỏi của bé. Nhiều cha mẹ luôn trả lời tất cả các câu hỏi của bé. Nhiều cha mẹ lại mắng mỏ khi bé liên tục đặt câu hỏi. Chính những hành động đó hình thành trong bé tính nói leo.

Hãy dạy bé nói chuyện một cách từ tốn nhẹ nhàng, đợi người lớn nói hết câu, bé mới được phép nói tiếp hoặc bày tỏ ý kiến của mình. Khi bé đã thực hiện được điều đó, mẹ hãy khen ngợi để động viên bé tiếp tục duy trì thói quen tốt này.

Có thể bạn sẽ phải mất vài năm mới dạy con bạn được cách ngắt lời người lớn lịch sự "Mẹ ơi, con có thể hỏi mẹ một câu được không?". Bé sẽ hiểu được rằng ngắt lời người khác sẽ gây khó chịu cho người đó - và khi nào thì nên ngắt lời, và ngắt lời như thế nào thì lịch sự. Còn trong thời gian này, bạn hãy cố gắng nhớ rằng bạn đang hướng dẫn cho bé biết nên ngắt lời như thế nào chứ đừng cố gắng giúp con phải làm được những gì bạn thay thế. Dù bạn tin hay không, nhưng với sự kiên trì, bạn sẽ giúp bé trở thành người lịch sự hơn.

Đức An (Tổng hợp)/ĐSPL