Dòng sự kiện:

Chân dung người phụ nữ Việt có tên được đặt cho một hành tinh

21:38 24/07/2015
“Phụ nữ làm khoa học hay bất cứ ngành nghề nào cũng gặp những khó khăn nhất định", GS. Lưu Lệ Hằng chia sẻ.

[mecloud]nxFVVoyWFG[/mecloud]

Theo tin tức từ báo Tuổi trẻ, GS. Lưu Lệ Hằng (52 tuổi), người Mỹ gốc Việt, hiện đang làm việc tại khoa thiên văn học - Viện đại học Harvard và phòng thí nghiệm Lincoln - Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Hoa Kỳ. 

Nữ bác học gốc Việt - người được lấy tên đặt cho một tiểu hành tinh trong Hệ Mặt trời, là người đồng khám phá ra vành đai Kuiper - đã có một hành trình đến với vinh quang không thể ngờ tới và đầy thú vị.

GS. Lưu Lệ Hằng trong vòng tay đón tiếp của vợ chồng GS Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc tại Quy Nhơn. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ).

Lưu Lệ Hằng quê gốc ở Hải Phòng - quê hương của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một đỉnh cao của trí tuệ Việt Nam. Nhưng Hằng sinh ra tại Sài Gòn năm 1963. Năm 1975, Hằng theo cha mẹ sang định cư ở Mỹ.

Không hề được số phận cưng chiều, người con gái ấy chỉ có thể tạo dựng tương lai bằng cố gắng của chính mình. Cô giành được học bổng của Đại học Stanford danh giá, và năm 21 tuổi đỗ cử nhân vật lý.

Ttrong một lần đến thăm Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực, được tận mắt nhìn thấy những hình ảnh do con tàu không gian Voyager truyền về từ Hỏa tinh, Thổ tinh, Hằng thích thú quyết định theo đuổi ngành thiên văn học.

GS. Lưu Lệ Hằng giao lưu với giới trẻ đam mê khoa học tỉnh Bình Định. (Ảnh: Báo Dân trí).

23 tuổi, sau chuyến đi du lịch dài ngày đến Nepal và Tây Tạng, ngồi trong thảo am đàm đạo triết lý sống với các vị thiền sư dòng Mật tông, cô gái trẻ ưa phiêu lưu mạo hiểm ấy quyết định vào học tiếp tại khoa Trái đất, khí quyển và khoa học hành tinh của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT).

Chính tại đây chị làm việc bên cạnh David Jewitt, người mà về sau gắn bó với chị suốt hai thập niên nghiên cứu về Vành đai Kuiper.

Những năm nghiên cứu sinh là quãng thời gian kỳ diệu nhất đối với chị. Chị hoàn toàn tự do nghiên cứu theo ý thích của mình, không bị ai gò ép. David cũng như chị đều thích thú khám phá những thiên thể nhỏ, nguyên thủy ở vùng ngoại vi Hệ Mặt trời, như các ngôi sao chổi, các tiểu hành tinh, thiên thạch, các vệ tinh.

Năm 1988, David Jewitt rời MIT đến nhậm chức giáo sư tại Đại học Hawaii. Chị cùng đi với David đến Hawaii để tiếp tục quan sát các thiên thể nhỏ. 27 tuổi, chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về sự liên quan giữa sao chổi và thiên thạch.

GS đã từng được nhận nhiều giải thưởng danh giá trong lĩnh vực Thiên văn học thế giới. Năm 1991, Hội Thiên văn Mỹ trao tặng GS. Lưu Lệ Hằng Giải thưởng Annie J. Cannon. Để ghi nhận công lao của GS. trong việc khám phá ra hơn 30 tiểu hành tinh, người ta lấy tên bà đặt cho tiểu hành tinh 5430 Luu. Năm 2012, nữ khoa học gia được trao hai giải khoa học cao quý nhất trong lĩnh vực Thiên văn học là Giải thưởng Shaw và Giải thưởng Kavli.

Theo GS Lưu Lệ Hằng, trên bất cứ lĩnh vực nghiên cứu khoa học nào thì đòi hỏi các bạn phải có sự kiên nhẫn, đam mê, cố gắng hết sức mình và thêm một chút may mắn. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ).

Chiều ngày 21/7, tại TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), GS Lưu Lệ Hằng đã có buổi giao lưu, trò chuyện về chuyên đề: “Cách nhìn mới về Hệ Mặt trời và những khám phá của thiên văn học liên quan”. Buổi giao lưu thu hút hàng ngàn học sinh, sinh viên và công chúng yêu khoa học.

Với chuyên đề “Cách nhìn mới về hệ Mặt trời và những khám phá mới của thiên văn học liên quan”, nữ GS. Lưu Lệ Hằng chia sẻ cho các bạn học sinh, sinh viên và công chúng yêu khoa học nhiều điều thú vị, những khám phá mới trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học vũ trụ, thiên văn học.

Trong buổi nói chuyện này, các bạn trẻ đặt nhiều câu hỏi thú vị đến GS. Lưu Lệ Hằng về những vấn đề liên quan đến Hệ Mặt trời, tác động của vành đai Kuiper đến Hệ Mặt trời, cách để các nhà khoa học tính ra tuổi của Trái đất, những khó khăn của phụ nữ khi nghiên cứu khoa học và làm thế nào để cho giới trẻ Việt Nam đam mê khoa học, thành công trên lĩnh vực khoa học…

GS. Lưu Lệ Hằng cũng chia sẻ những khó khăn, cũng như cảm giác hạnh phúc khi thành công ở lĩnh vực nghiên cứu thiên văn học mà bà theo đuổi.

“Trên bất cứ lĩnh vực nghiên cứu khoa học nào thì đòi hỏi các bạn phải có sự kiên nhẫn, đam mê, cố gắng hết sức mình và thêm một chút may mắn. Nếu các bạn đam mê khoa học thì hãy làm những điều mình thích, đừng bao giờ nghĩ là muộn. Ngay bây giờ, bạn hãy bắt đầu nếu đó là sở thích của bạn", GS. Lưu Lệ Hằng nhắn nhủ.

Trước thắc mắc của nhiều bạn trẻ về những khó khăn khi phụ nữ làm khoa học và thành công, GS. trải lòng: “Phụ nữ làm khoa học hay bất cứ ngành nghề nào cũng gặp những khó khăn nhất định. Khi phụ nữ làm khoa học thì gặp rất nhiều khó khăn vì trong khoa học cũng có sự khác biệt giữa phụ nữ và nam giới. Tuy nhiên, giải quyết khó khăn ấy thì tùy vào hoàn cảnh của từng cá nhân, hoàn cảnh gia đình…”.

Khánh Vy (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Video đang được quan tâm:

[mecloud]xmjsLA4zdv[/mecloud]