Dòng sự kiện:

Chất cấm ở xà phòng diệt khuẩn có trong sản phẩm tắm gội toàn thân cho trẻ

17:57 15/09/2016
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược Hoa Kỳ (FDA) đã liệt kê 19 hoá chất bị cấm trong thành phần rửa tay diệt khuẩn, phổ biến nhất là triclosan, triclocarban.
Điều đáng nói, theo khảo sát tại thị trường Việt Nam, các loại xà phòng rửa tay chứa triclocarban và triclosan vẫn được bày bán từ siêu thị cho tới các cửa hàng tiêu dùng. Phổ biến nhất là các thương hiệu: Clinsoap, Good look, Dr Clean, Kleen, Gervenne... được trưng bày khá bắt mắt với đủ các mùi hương, được quảng cáo vừa diệt khuẩn lại bảo vệ da tay.

Xà phòng diệt khuẩn chứa chất cấm sẽ bị cấm lưu hành. Ảnh minh họa

Tất cả những sản phẩm này trên nhãn đều ghi rõ thành phần chứa triclosan hoặc triclocarban, tuy nhiên, lại không rõ tỷ lệ sử dụng là bao nhiêu? Đặc biệt, phần sát khuẩn triclocarban còn được tìm thấy tại sản phẩm tắm gội toàn thân cho trẻ em của nhãn hàng D-nee, được nhập khẩu từ Thái Lan.

Được biết, sản phẩm nằm trong phạm vi báo cáo là các dạng xà phòng kháng khuẩn sử dụng để rửa tay với nước và phải xả sạch bằng nước sau khi sử dụng (xà phòng lỏng và xà phòng bánh). Riêng các sản phẩm diệt khuẩn dùng trong y tế và các chế phẩm sát khuẩn tay không dùng nước hiện vẫn chưa có “phán quyết” do FDA đang yêu cầu các nhà sản xuất nộp dữ liệu báo cáo chứng minh tính an toàn.

Theo thông tin từ bào Tuổi Trẻ Thủ Đô, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng xà phòng diệt khuẩn không hề có tác dụng “siêu phàm” như lời quảng cáo mà các nhãn hàng đưa ra, chúng chỉ càng thúc đẩy nguy cơ kháng lại kháng sinh, tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển mạnh lên, từ đó phá hủy hệ vi sinh vật tồn tại cộng sinh trên cơ thể con người, trong đó bao gồm cả vi khuẩn có lợi.

Thậm chí có thể nói trắng ra là xà phòng diệt khuẩn chẳng tốt bằng xà phòng thường và nước.

Lệnh cấm này đã được công bố ở Mỹ, còn ở Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì từ phía Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.

Hóa chất bị cấm có trong sản phẩm tắm gội toàn thân của trẻ. Ảnh minh họa

Trả lời trên báo Giao thông, sáng 14/9, ông Nguyễn Nam Hải, Phó giám đốc phụ trách sản xuất OPODIS cho biết chưa nhận được bất cứ văn bản nào liên quan tới thông tin Cục Quản lý Dược yêu cầu rà soát việc sử dụng các chất trên.

Ông Hải cho biết thêm: “Chúng tôi vẫn chưa biết nên thay thế bằng hoạt chất nào bởi cái này hoàn toàn tùy thuộc vào đối tác cung cấp nguyên liệu. Cần có thêm thời gian để liên hệ tìm hiểu bởi những đối tác đều ở nước ngoài, DN trong nước chưa thể sản xuất được những hóa chất này”.

Chi Chi

Nguồn: Gia đình Việt Nam