Dòng sự kiện:

Chị cả mếu máo, thất vọng ra mặt khi biết sắp có em trai thứ 3

16:05 30/11/2015
Bé gái đã có đến hai cậu em trai nên rất muốn có một cô em gái. Thế nhưng khi được mẹ thông báo cả gia đình sắp chào đón một cậu nhóc nữa, cô chị cả thất vọng ra mặt.

[mecloud]S9hVhhHqMu[/mecloud]

Trong đoạn video, để giúp con gái cưng chấp nhận sự thật, bà mẹ cầm hộp sơn màu xanh dương trên tay và gợi ý màu xanh thì gắn liền với bé trai, bảo cô nhóc liên hệ xem trong bụng mẹ đang có gì. Bé gái vẫn vô cùng ngây thơ, bảo rằng đó là một cậu bé hoặc cô bé.

Chỉ đến khi nghe mẹ chính thức thông báo sự thật rằng “Con lại sắp có thêm một em trai nữa rồi”, cô chị cả mới òa khóc, bảo rằng: "Con không muốn em trai". Biểu cảm của bé vô cùng đáng yêu khiến ai xem đoạn video cũng phải bật cười. Dương như cả ba thành viên nhí trong gia đình đều đang chờ đợi một cô em gái nên 2 cậu em trai kia cũng chẳng mấy mặn mà với tin này.

Chuẩn bị tâm lý cho bé khi có em

Không phải là tất cả trẻ nhỏ đều bị "sốc" khi cha mẹ có thêm em bé mới. Thái độ của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào cách cư xử, quan tâm của cha mẹ.

Khi đã mang thai, người mẹ nên thường xuyên trò chuyện với trẻ về em bé trong bụng. Bạn có thể hỏi bé xem bé thích em trai hay em gái, thích đặt tên em là gì, sau này thích chơi gì cùng em? Dù bận rộn và mệt mỏi, các bà mẹ không nên từ bỏ thói quen chăm sóc con thường ngày, trừ những việc quá sức hoặc cần phải kiêng cữ. Người chồng cũng nên nên giúp vợ chăm sóc và trò chuyện cùng con về mẹ và em bé sắp ra đời.

Nếu bạn biết tạo nên tầm quan trọng và trách nhiệm làm anh, làm chị đối với trẻ, trẻ sẽ cảm thấy mình lớn dần lên và thấy yêu cha mẹ, yêu em bé hơn.

Rất nhiều trẻ băn khoăn hỏi mẹ: Có em bé, mẹ có yêu con nữa không? Vì sao nhà mình lại có thêm em bé? Bố mẹ có con còn chưa đủ ạ? Trước những câu hỏi hóc búa này, bạn nên giải thích một cách nhẹ nhàng như: "Có em bé, mẹ vẫn yêu em chứ. Mẹ yêu cả hai con vì hai con là những thiên thần của cha mẹ mà". Hoặc: "Mẹ yêu con lắm nên mới sinh em bé để cùng chơi với con cho đỡ buồn khi mẹ vắng nhà...."

Hãy cho bé được chọn đồ chơi cho em, và đừng quên mua một vài món đồ chơi để con cảm thấy được đối xử công bằng.

Cha mẹ cũng nên tập dần cho trẻ thói quen ngủ riêng (nên huấn luyện cho trẻ ngủ riêng trước khi bắt đầu mang thai thì càng tốt). Khi trẻ chưa quen, thỉnh thoảng bạn có thể để trẻ ngủ với bố hay với ông bà để dần dần quen với việc xa mẹ.

Ngoài việc phải thường xuyên quan tâm, chăm sóc trẻ, các bậc làm cha, làm mẹ cũng cần chú ý những hành động của trẻ đối với em bé. Vì ghen tị, trẻ có thể gây hại cho em bé. Đó là những hành động bộc phát vì trẻ còn nhỏ nên chưa thể nhận thức để phân biệt sai trái và các hậu quả của hành động do mình gây ra.

Trước những tình huống này, cha mẹ cần giữ bình tĩnh và khéo léo giải thích để con hiểu vì sao không nên làm như thế. Đừng la mắng hay đánh đòn con, vì điều đó càng khiến cho trẻ thấy tủi thân và cô đơn, trẻ sẽ thấy là cha mẹ yêu bé và bênh bé, chẳng còn yêu mình nữa.

Linh An (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam