Dòng sự kiện:

Chưa bộ phim nào vượt qua được cảnh Chí Phèo-Thị Nở trong vườn chuối?

15:30 11/10/2015
Làng Vũ Đại ngày ấy được chuyển thể dựa theo 3 tác phẩm văn học Sống mòn, Chí Phèo và Lão Hạc của nhà văn Nam Cao. Trong phim, đạo diễn Phạm Văn Khoa đã giữ nguyên chi tiết Chí Phèo cưỡng bức Thị Nở tại vườn chuối. Cảnh nóng này đã trở thành một trong những cảnh nóng kinh điển của lịch sử điện ảnh Việt Nam.

[mecloud]JPB6RexJau[/mecloud]

“Chí Phèo không từ tốn thế đâu”?

Sản xuất năm 1982, bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” (chuyển thể từ truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao) là một trong những tác phẩm điện ảnh kinh điển của màn ảnh Việt.

Tuy nhiên, nhân vật khiến khán giả nhớ đến nhiều nhất có lẽ không phải là ông giáo Thứ (Hữu Mười thủ vai), dù ông đóng vai trò là nhân chứng lịch sử, là người kể chuyện. Mà hai vai phụ - Chí Phèo (diễn viên Bùi Cường) và Thị Nở (diễn viên Đức Lưu) lại được khán giả nhắc đến nhiều hơn cả.

Cuộc đời Chí Phèo là tấn bi kịch của người nông dân nghèo bị tha hóa trong xã hội. Trên phim, Chí Phèo là một tên lưu manh bê tha, nát rượu, chuyên bị Bá Kiến sai đi đâm thuê chém mướn. Gặp Thị Nở trong một cơn say và cũng là cơn tỉnh của cuộc đời, từ đó, Chí muốn làm lại là một người lương thiện!

Theo phân tích của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, chi tiết ở vườn chuối là sự cài cắm công phu và rất tài tình của nhà văn Nam Cao. Nhà văn đã dùng bản năng của con người để giúp cho Chí Phèo và Thị Nở được làm người. Vì vậy ông cho rằng, đây là giải pháp nghệ thuật không thể cắt bỏ trong phim lẫn trong truyện.

Một người mẫu thường làm mẫu vẽ cho sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu (Hà Nội) được mời đóng thế cho nghệ sỹ Đức Lưu, người vào vai Thị Nở khi đó đã hơn 40 tuổi. Diễn xuất trong cảnh quay táo bạo khiến người mẫu có phần dè dặt.

 

Đạo diễn Phạm Văn Khoa đã phải trò chuyện nhiều lần để người mẫu có thể hiểu phần nào tâm lý nhân vật, nhập tâm vào vai diễn. Nghệ sỹ Bùi Cường, người vào vai Chí Phèo, và người mẫu phải tập tới cả tuần cho cảnh quay tại vườn chuối.

Đến khi quay, đoàn làm phim cũng phải làm đi làm lại nhiều lần mới được đúp quay ưng ý cuối cùng. “Ở đúp quay đầu tiên, tôi lật tung yếm của Thị Nở. Anh Khoa đã mắng tôi ngay: Chí Phèo không biết ngắm cái đẹp một cách từ tốn như thế đâu! Đến đúp thứ 2, đạo diễn hô: Máy chưa quay được Thị Nở mà Chí Phèo đã chộp rồi. Lúc đó, mọi người cười ồ”, nghệ sỹ Bùi Cường nhớ lại.

[mecloud]RdzegHA4zj[/mecloud]

Cắt cảnh vườn chuối “sẽ không còn là Chí Phèo”

Những cảnh quay mạnh bạo trong “Làng Vũ Đại ngày ấy” được trình chiếu trước công chúng lần đầu tiên vào năm 1982, trong bối cảnh đất nước vừa mới mở cửa, vẫn tồn tại nhiều cái nhìn hạn chế về sự sáng tạo trong nghệ thuật và điện ảnh. Bởi vậy, những nhà làm phim, nghệ sỹ đã phải chịu không ít những “điều tiếng” không hay.

Nghệ sỹ Đức Lưu còn nhớ, mặc dù đã có diễn viên đóng thế, nhưng bà ngại không dám nói với chồng về những cảnh quay táo bạo trong phim. Đến khi bộ phim ra mắt, có người không hiểu đã nói những lời không hay, vô tình xúc phạm tới gia đình bà.

“Tôi đã nhiều lần rơi nước mắt vì tủi thân”, nghệ sỹ Đức Lưu chia sẻ. Nghệ sỹ Bùi Cường còn nhớ lần đưa vợ tới rạp chiếu phim, đến cảnh quay Chí Phèo và Thị Nở ở vườn chuối, tất cả khán giả đều vỗ tay, còn vợ ông lạnh lùng đứng lên ra khỏi rạp.

Vào thời điểm đó, những hình ảnh có phần táo bạo này xuất hiện đã tạo nên cơn chấn động với điện ảnh trong nước. Và trước đó, bộ phim khi hoàn thành đã phải cắt đi nhiều cảnh nhưng mãi vẫn không được duyệt.

 

“Có người cho rằng bộ phim có nhiều cảnh gây ảnh hưởng không tốt cho thanh thiếu niên”, nghệ sỹ Đức Lưu nhớ lại. Sau đó, đích thân Tổng Bí thư Trường Chinh đã tới duyệt phim. Xem xong ông yêu cầu không được cắt cảnh quay tại vườn chuối, vì nếu cắt đi thì Chí Phèo của “Làng Vũ Đại ngày ấy” “sẽ không còn là Chí Phèo nữa”. Sau lần duyệt cuối đó, “Làng Vũ Đại ngày ấy” được trình chiếu khắp các rạp tại Hà Nội, khán giả nô nức đến xem.

“Những bộ phim dựa theo các tác phẩm văn học hiện thực phê phán trước khi ra mắt đã gặp nhiều khó khăn ở khâu kiểm duyệt. Ngày đó, theo hệ thống lý luận phê bình đương thời, các tác phẩm hiện thực phê phán xuất sắc thường bị phê bình là có những chi tiết tự nhiên chủ nghĩa, chẳng hạn như bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” dựa theo các tác phẩm của Nam Cao.

Vậy nên những chi tiết bị hội đồng duyệt có ý kiến là vốn có từ nguyên tác, chứ chẳng phải do đạo diễn bịa ra. Không phải chỉ bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” mà nhiều phim khác cũng vậy”, nhà văn - nhà phê bình Ngô Thảo nhận định.

“Chí Phèo” Bùi Cường: Từ công nhân thành diễn viên

Tốt nghiệp Trung cấp Kỹ thuật Điện rồi về làm việc ở xí nghiệp Điện Tam Quang, năm 25 tuổi, Bùi Cường mới nộp hồ sơ thi tuyển vào trường Sân khấu- Điện ảnh. Vào một ngày đẹp trời, đạo diễn Phạm Văn Khoa đã gọi Bùi Cường đến bảo rằng muốn mời ông vào vai Chí Phèo trong “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Bùi Cường lúc đó mừng tới rơi nước mắt nhưng cũng lo lắng vô cùng.

 

Đọc kịch bản, cái khó nhất đối với Bùi Cường khi vào vai Chí Phèo lúc đó là diễn làm sao ra được điệu say của anh Chí và cười như thế nào để lột tả hết tâm trạng của một kẻ bị đẩy tới tận cùng của xã hội. Không biết bao nhiêu lần ông uống rượu tới say mềm rồi đứng trước gương để cười, nhiều người không biết còn tưởng ông bị điên. Nhưng cuối cùng, Bùi Cường cũng tìm được dáng đi say rượu "không giống ai" cùng một tiếng cười "chó hóc xương" không trộn lẫn. Đây cũng là điều làm nên thành công của vai diễn Chí Phèo.

Chí Phèo ngoài đời - diễn viên Bùi Cường là một người có vóc dáng chất phác, gương mặt hiền lành. Nhìn ông, ít người có thể tưởng tượng đến một gã nghiện rượu, mặt chằng chịt sẹo và bê tha như trong phim. Sau vai diễn để đời trong "Làng Vũ Đại ngày ấy", NSƯT Bùi Cường còn tham gia nhiều vai diễn khác như vai K9 (Năm Hòa) trong "Biệt động Sài Gòn" hay Trần Quân trong "Kẻ giết người", Mộc trong "Không có đường chân trời"...

Ông cũng lấn sân sang lĩnh vực đạo diễn và chính là người đưa tên tuổi Minh Vượng lên hàng diễn viên hài ăn khách qua bộ phim "Người hùng râu quặp". Không những thành công trong con đường sự nghiệp, Bùi Cường còn có một gia đình hạnh phúc với vợ và hai cô con gái.

[mecloud]yVxjntSBoy[/mecloud]

Theo Ngọc An/ báo Đời sống & Pháp luật cuối tháng