Dòng sự kiện:

Chuyện cảm động về anh chàng mắc hội chứng Down đi bán phở

18:52 19/08/2015
"Hải bị hạn chế về nhận thức, nên tôi và các nhân viên đều không bắt cậu làm việc nhiều", bà chủ quán chia sẻ.

 

 

 

Câu chuyện về một anh chàng mắc hội chứng Down cũng có một "văn phòng" để mỗi ngày được đến làm việc như một nhân viên mẫn cán khiến nhiều người cảm động và chia sẻ nhiều trên mạng.

Mỗi ngày, Hải đến văn phòng của mình để làm công việc mà mình yêu thích. "Văn phòng" của Hải (sinh năm 1968), một anh chàng mắc hội chứng Down ngập mùi quế, mùi thịt bò, rau ngò, húng lủi... Một "văn phòng không giống ai", bởi tại đây, anh được đối xử bình đẳng như tất cả mọi nhân viên bình thường khác. Điều đặc biệt còn là anh vốn xuất thân từ một gia đình khá giả. Ba mẹ của anh đã lớn tuổi nhưng không thiếu tiền bạc của cải để cho anh cuộc sống ấm no.

Cách đây hai năm, tiệm phở nhỏ bé trong một con hẻm yên tĩnh ở quận Gò Vấp, TP.HCM dường như sôi động hơn mọi khi. Người ta kháo nhau chuyện ông bà chủ tiệm phở phát 100 phiếu cơm chay miễn phí cho người nghèo, lang thang, cơ nhỡ. Họ đến đó, được ăn uống no nê, ra về trong hân hoan, và niềm tin tuyệt đối vào lòng tốt. Trong bao nhiêu người đến rồi đi ấy, có Hải. Anh là người duy nhất đến nhưng không đi, mà quyết định ở lại tiệm phở để "làm việc".

Trên báo Trí thức trẻ, bà chủ quán phở kể lại ngày đầu tiên anh Hải đến quán: "Lúc đó dù rất bận nhưng tôi cũng ấn tượng với cậu Hải, trước đây tôi thấy cậu thường đi lại trong xóm, cũng có cái ăn, cái mặc nhưng không hiểu sao hôm đó cậu vẫn xếp hàng để lấy phần ăn miễn phí. Khi tôi phát suất ăn cho Hải, cậu khoanh tay lễ phép như một đứa trẻ, nói: "Hải cảm ơn!" rồi ngồi vừa ăn, vừa quan sát mọi người..."

Sau ngày đầu tiên đến quán, anh đã trở lại vào 3h sáng ngày hôm sau, và chỉ đứng trước cửa chờ ông bà chủ dọn hàng. Anh đứng yên đó với ánh mắt tự tin vào bản thân và nói: "Cho Hải làm việc!", rồi lại: "Hải muốn làm việc!".

 

Lúc đó, ông bà chủ nào có hiểu chuyện gì, chỉ thấy người đàn ông thấp lè tè, tay chân ngắn củn cỡn, rồi ông bà nhận ra đó là anh Hải, người mà cả xóm thường gọi là "thằng khùng". Nhưng hôm đó, "thằng khùng" ăn mặc lịch sự với áo sơ mi trắng và quần kaki kéo ngang cả bụng cùng đôi dép tổ ong đã cũ, dõng dạc đến xin một công việc lương thiện, không ai nỡ chối từ.

Sau ngày hôm ấy, anh Hải trở thành nhân viên đặc biệt của quán phở. Bà chủ quán là một người phụ nữ xinh đẹp, nhã nhặn, đã ngoài tứ tuần, rất ngại khi nghe ai đó bảo rằng mình "thuê" một người đàn ông không bình thường đến làm việc. Nhưng bà không giấu được sự quý mến của mình dành cho chàng nhân viên này.

"Hải bị hạn chế về nhận thức, nên tôi và các nhân viên đều không bắt cậu làm việc nhiều. Hải đến quán, hứng thì làm, không thì cứ ngồi nghỉ, chẳng ai nói gì cả. Nhưng Hải sạch sẽ và ngăn nắp lắm. Hũ tăm, hũ ớt trên bàn, ai lấy ra phải đặt đúng vào vị trí ban đầu, để sai là cậu khóc. Bàn dơ là cậu lau đi lau lại cho thật sạch mới thôi. Khách đến rồi về, cậu chạy ra chào khách nhưng nhiều lúc không nói gì, lại cầm... remote điều hòa huơ tay như hướng dẫn khách lùi xe. Ai cũng biết Hải không bình thường, nhưng ai cũng quý vì sự nhiệt tình đến ngô nghê của cậu", bà chủ quán nói.

Anh Hải sinh năm 1968, nhưng trong mắt ông bà chủ, anh vẫn là cậu bé 5 tuổi, đáng yêu, hăng say và trong sáng. Vì thương chàng nhân viên cần cù, ông bà chủ mua tặng cậu bộ đồng phục của nhân viên bảo vệ để anh Hải tự tin hơn khi làm việc. 

Do bị hạn chế vì nhận thức, đôi lúc Hải làm những việc rất khó hiểu. Anh bày biện mọi thứ ra bàn, rồi lại sắp vào ngăn nắp. Hoặc khi quán đông khách và ồn ào, anh trở nên lúng túng và lo lắng, cứ chạy tới chạy lui trong quán, chụp cái này, nắm cái kia một cách vô thức. Những nhân viên trong quán đa phần là sinh viên làm thêm, dù sự có mặt của anh Hải trong những lúc cao điểm ở quán có thể gây vướng víu, nhưng không ai tỏ thái độ khó chịu với anh.

Họ đi ngang qua anh và vỗ vai bảo anh làm tốt lắm, họ đùa giỡn với anh như những đồng nghiệp đang pha trò cùng nhau để giờ làm bớt đi những căng thẳng mệt mỏi.

Cũng theo bà chủ quán, sáng Hải đến, quán pha sẵn li cà phê, anh nhất quyết không uống. Đợi khi có khách rồi cậu mới hỏi xin li cà phê khi nãy. Ai cũng hiểu khi anh chưa làm việc thì anh chưa dám đòi quyền lợi cho mình, dù chỉ là li nước hay bát phở lót dạ.

Quán thường trả lương cho nhân viên vào cuối tuần, anh cũng mặc nhiên xem mình là nhân viên và chỉ nhận tiền từ cô bé kế toán, chỉ nhận tờ tiền có mảnh giấy kẹp lại bên ngoài giống như mọi nhân viên khác trong quán. Tiền không có mảnh giấy kẹp bên ngoài, anh bảo cái này là của bà chủ cho chứ không phải "lương".

Dù nhận lương nhưng anh còn không biết giá trị và cách sử dụng nó. Tuy nhiên, điều chắc chắn mà ai cũng hiểu đó là anh có được niềm hạnh phúc khi được cầm trên tay thành quả của một tuần làm việc, như bao nhiêu người bình thường khác.

Khánh Vy (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Video đang được quan tâm:

[mecloud]LP3MXgBSWZ[/mecloud]