Dòng sự kiện:

Chuyên gia trả lời về thông tin cá hồi là thực phẩm gây ung thư

20:48 22/09/2016
Trước thông tin nhiều người hoang mang cá hồi là thực phẩm độc hại nhất thế giới, các chuyên gia đã có ý kiến về việc này.

Hoang mang khi nghe tin “cá hồi cực độc hại”

Trong những ngày vừa qua, trên một số tờ báo điện tử, đặc biệt là các trang mạng xã hội đồng loạt chia sẻ thông tin về việc ăn cá hồi có nguy cơ mắc bệnh ung thư và cá hồi nhiễm ký sinh trùng từ nguồn nước nuôi không đảm bảo.

Theo đó, thông tin trên xuất phát từ cảnh báo của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) khi cho rằng, người dân không nên ăn quá 1 bữa cá hồi/1 tháng vì đây là loại thực phẩm độc hại. Theo cơ quan này, ao nuôi có thể là một thảm họa đối với những người ăn cá theo nhiều cách khác nhau.

Một nghiên cứu của cơ quan này chỉ ra rằng, nguồn gốc chính khiến cá hồi được cho là thực phẩm độc chính là nguồn thức ăn của cá có chứa chất độc hại.

Cá hồi thường được ăn viên phân gà, bột bắp, đậu nành, dầu hạt cải biến đổi gene và các loại cá nhỏ khác có chứa độc tố; cá hồi nuôi chứa hàm lượng PCB, một chất gây ung thư; hàm lượng Omega-3 trong cá hồi nuôi rất thấp....

Rất nhiều người đã chia sẻ bài báo này trên trang facebook cá nhân và nhiều bà mẹ đã vào bình luận với tâm lý khá sợ hãi, quyết định "tẩy chay". Thậm chí, có người còn nghĩ đến chuyện vứt miếng cá hồi vừa mua ở siêu thị.

Ngoài ra, thông tin khi ăn cá hồi (sống) như giỏi cá hồi, cá hồi phi-lê còn có khả năng nhiễm giun sán và ký sinh trùng. Vì nguồn nước nuôi cá hồi không đảm bảo, nên trong thịt cá hồi có nhiễm ký sinh trùng.

Thông tin hoàn toàn có cơ sở

Khoảng năm 2014, một báo cáo tại Pháp chỉ ra rằng, cá hồi được nuôi tại Na Uy chứa nhiều hóa chất gây ung thư.

Theo Marine Harvest, công ty sản xuất cá hồi lớn nhất Na Uy với 114 trại nuôi cá, việc nuôi nhiều cá trong một diện tích hẹp khiến xảy ra nhiều dịch bệnh và ký sinh trùng. Do đó, công ty phải sử dụng hóa chất để phòng ngừa và điều trị.

Loại thức ăn viên dành cho cá hồi được cho là bị nhiễm hóa chất công nghiệp có độc tính rất cao PCB và chất ethoxyquin để bảo quản cho bột cá không bị mùi hôi dầu.

Bà Patricia Chairopoulos thuộc Tạp chí 60 triệu người tiêu dùng của Pháp cho biết ethoxyquin đã bị liệt vào danh sách nguy hiểm cho người với một liều lượng nhất định, bởi loại hóa chất này từng được sử dụng làm thuốc trừ sâu.

Còn mới đây nhất, vào tháng 3 vừa qua, một nghiên cứu ở Mỹ phát hiện cá hồi được đánh bắt ở Seattle bị nhiễm khuẩn từ nguồn nước chứa 81 loại thuốc, trong đó có cocaine, thuốc kháng sinh, chất nicotine và thuốc chống trầm cảm.

Chuyên gia Việt Nam nói gì?

Cho biết trên báo Khám Phá, TS Đỗ Trung Dũng – Trưởng khoa Ký sinh trùng,  Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương thì được biết, tại Việt Nam không thấy thông tin về ăn cá hồi gây ung thư và cá hồi nhiễm ký sinh trùng.

TS Đỗ Trung Dũng – Trưởng khoa Ký sinh trùng,  Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương.

Trước hết về thông tin cá hồi nuôi nhiễm ký sinh trùng, TS Đỗ Trung Dũng cho biết, qua thực tế nghiên cứu mới nhất vào năm 2015 tại Khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho thấy, những mẫu cá hồi và cá ngừ nuôi được mua tại một số siêu thị và chợ ở Hà Nội đều không tìm thấy  loài ký sinh trùng nào ký sinh.

“Một số nghiên cứu tại Nhật Bản, trong cá hồi đã phát hiện nhiễm một số loài giun như Anisakis simplex ở Nhật Bản, nhưng các mẫu xét nghiệm của chúng tôi hoàn toàn không tìm thấy loài ký sinh trùng nào trong các mẫu cá hồi”, TS. Dũng thông tin.

Trước thông tin ăn cá hồi nuôi có nguy cơ mắc ung thư, TS Dũng khẳng định chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng mình điều đó.

 “Theo tôi được biết, muốn nuôi cá hồi phải có nguồn nước phải sạch thì cá mới sống được, vì cá hồi không phải chỗ nào cũng có thể nuôi, ở nước ta cá hồi chỉ có thể nuôi ở một số vùng như Sapa, Mộc Châu, Đà Lạt ở những nơi có khí hậu lạnh và nguồn nước sạch”, TS. Dũng cho biết.

Cuối cùng, tư vấn về vấn đề nhiều người hiện nay có sở thích ăn cá hồi, cá ngừ sống, TS. Dũng cho rằng: “Với việc nhiều người thích ăn cá hồi, cá ngừ sống như hiện nay, nếu có nguồn cá hồi, cá ngừ sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm thì có thể ăn sống được”.

 “Tuy nhiên, ngay tại một nước tiên tiến như Nhật Bản các mẫu cá hồi, cá ngừ nhiễm ký sinh trùng cũng được phát hiện khá nhiều, vì thế chúng ta cần phải cân nhắc trước khi sử dụng cá sống.

Riêng đối với tôi, tôi khuyên mọi người nên chế biến cá hồi, cá ngừ chín trước khi ăn sẽ tốt và đảm bảo an toàn hơn”, TS. Dũng khuyến cáo

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyên mỗi người nên ăn cá khoảng 2 lần/tuần, đặc biệt là các loại cá béo như cá hồi.

Khi trả lời trên CNN, Eric Rimm - giáo sư dịch tễ học và dinh dưỡng tại Trường Y khoa Harvard cho rằng những lợi ích của việc ăn cá hồi vẫn lớn hơn những rủi ro. Cá hồi cũng là một trong những nguồn rất giàu omega-3 tốt cho tim.

Song, bà khuyến cáo nên cắt phần da và mỡ của cá hồi và nên chế biến bằng cách nướng để giảm bớt chất béo, vì đây chính là những phần có chứa nhiều chất độc hại nhất.

Chi Chi

Nguồn: Gia đình Việt Nam