Dòng sự kiện:

Con bước vào năm học mới, cha mẹ cần chuẩn bị trước những việc sau

15:52 22/07/2016
Cha mẹ cần chuẩn bị hành trang đầy đủ để con có một khởi đầu thuận lợi cho năm học mới.

Chuẩn bị tâm lý cho con

Những ngày trước khi bắt đầu năm học mới, hãy nói chuyện với con, giúp con hiểu rằng thời gian để vui chơi nhiều đã qua, bây giờ con cần đến trường. Ở trường học con cũng có thể chơi đùa, thú vị hơn nữa là còn có nhiều bạn bè cùng chơi.

Đừng quên nói với con những lợi ích có được khi đến trường. Nhớ rằng lý lẽ bạn đưa ra cần phù hợp lứa tuổi. Với những bé còn nhỏ, không nên đưa ra điều gì quá to tát, khó hình dung. Với bé lớn hơn, bạn có thể đưa ra mục tiêu cho bé theo đuổi và trường học sẽ là nơi bé được trang bị mọi kiến thức để trở thành một người đàn ông/phụ nữ trưởng thành và thành đạt.

Kiểm tra sức khỏe cho trẻ trước năm học mới

Kiểm tra sức khỏe cho trẻ trước năm học mới là việc làm vô cùng cần thiết, giúp phát hiện những căn bệnh có thể ảnh hưởng đến hiệu quả học tập của trẻ và kịp thời chữa trị. Kiểm tra thị lực, thính giác, răng miệng, xem các tiêm chủng cần thiết đã hoàn tất chưa. Khi thị giác và thính giác yếu kém, trẻ không thể theo dõi đúng mức các bài giảng ở lớn. Có trẻ vì vậy mà học kém, chứ không phải vì trẻ kém thông minh.

Cha mẹ cần chuẩn bị hành trang đầy đủ để con có một khởi đầu thuận lợi cho năm học mới. Ảnh minh họa

Tập cho trẻ quen với thời gian biểu mới

Các con đang quen tỉnh giấc mỗi sáng vào lúc 9 – 10h, buổi tối được xem vô tuyến đến 23h, nhưng khi năm học mới bắt đầu, những thói quen sinh hoạt này chấm dứt, thay vào đó là một thời gian biểu mới.

Một vài ngày trước khi bắt đầu năm học bạn cần cho con lên giường sớm hơn (21h) và đọc truyện khoảng 30 phút. Buổi sáng, bạn để chuông đồng hồ giúp bé dậy sớm hơn thường lệ (7 giờ).

Sắp xếp cho con đầy đủ vật dụng cần mang theo

Cho bé cùng sắp xếp với mẹ các vật dụng mà bé sẽ được mang theo đến lớp. Giải thích cho con hiểu mỗi vật dụng sẽ được sử dụng làm gì.

Bạn có thể hỏi con xem con muốn mang một món đồ chơi nào bé thích nhất cùng “đi học” không. Lưu ý chỉ nên chọn món đồ chơi tương đối nhỏ nhắn, dễ mang theo như một chú gấu bông, một con búp bê chẳng hạn.

Hướng dẫn con cách điểm danh, chào hỏi

Nhắc cho con biết “tên thật” của con thay vì các tên thường gọi ở nhà. Hướng dẫn con những việc đơn giản nhưng quan trọng như đứng dậy chào cô thế nào, xin phép cô khi muốn đi vệ sinh như thế nào, trả lời cô khi cô điểm danh thế nào… Những việc này có thể được bé tiếp nhận dễ dàng thông qua các trò chơi, bạn đóng vai cô giáo và bé đóng vai học sinh.

Tạo điều kiện cho trẻ giao tiếp bên ngoài gia đình nhiều hơn như chơi với bạn bè trong xóm, với các nhóm bạn hát, múa, vẽ, tô tượng, đá bóng…

Không nên gọi bé dậy quá sớm

Những ngày đầu đi học, nhiều cha mẹ sợ con không thể dậy đúng giờ nên đã gọi con từ rất sớm. Điều này không cần thiết. Các con chỉ cần thời gian để vệ sinh cá nhân và ăn sáng trước khi tới trường. Gọi dậy quá sớm sẽ làm các con phải chờ đợi lâu và sinh ra mệt mỏi, lo âu. Hơn nữa các con đang quen ngủ dậy muộn, sự thay đổi thời gian biểu đột ngột có thể làm các con bị “sốc”.

Đưa trẻ đến trường

Đừng để con đến trường một mình vào ngày khai giảng, nếu không thể đích thân đưa trẻ đi cha mẹ có thể nhờ một người quen nào đó đưa bé đến trường. Nếu có thể, cha mẹ hãy vào đến cửa lớp học của trẻ. Nếu không thể được, hãy khoan thai bình tĩnh dặn dò con.

Khi tan học hãy đến đón con sớm. Trên đường về nhà, có thể bảo con kể lại ngày học đầu năm cho cha mẹ nghe. Hãy lắng nghe con nói. Cha mẹ và con vui vẻ trò chuyện với nhau, đồng thời chia sẻ những lo lắng, suy nghĩ của trẻ và trấn an trẻ.

Ngày tựu trường nào bao giờ cũng là một mốc thời gian quan trọng đối với mỗi đứa trẻ và đối với mỗi cha mẹ vì thế cần quan tâm đặc biệt đến con hơn trong ngày này.

Đối với học sinh lớn hơn, cha mẹ hãy cùng trẻ đi mua sắm những vật dụng cần thiết cho năm học mới. Hướng dẫn cách học hiệu quả, không nhồi nhét, có kế hoạch và mục tiêu cụ thể, biết cân bằng giữa học tập với thư giãn, vui chơi.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần chuẩn bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết ngoài những kiến thức có được từ sách vở, trường lớp: Kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng giao tiếp, làm việc theo nhóm, sự tự tin, tính kiên trì…

Thái An (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam