Dòng sự kiện:

Con “cuồng” thần tượng quá mức, cha mẹ phải làm sao?

22:34 12/07/2015
Mấy hôm nay con tôi cứ đứng ngồi không yên vì thần tượng bị tai nạn giao thông đang phải đấu tranh với sự sống từng ngày. Thậm chí cháu còn không ăn, học thì nhấp nhổm. Chị Minh (GIa Lâm-Hà Nội) chia sẻ.

Trào lưu hâm mộ thần tượng đang trở thành thứ "mốt" nguy hiểm trong giới trẻ. Các em có thể làm mọi điều vì hâm mộ thần tượng nhưng cũng dễ tổn thương, hoang mang, chán chường và có những hành động dại dột khi thần tượng sụp đổ.

Bỏ ăn vì thần tượng ốm

Mỗi lần có ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc đến Việt Nam biểu diễn thì gia đình chị Nguyễn Thị Ngát ở (TP Bắc Giang) lại thêm lo lắng. Cả hai con của chị rất thần tượng nhóm nhạc Hàn Quốc với những vũ đạo bốc lửa. Yêu thích giọng hát, ngoại hình đẹp của nam ca sĩ Hàn Quốc là một lẽ, đằng này suốt ngày các cháu vào mạng để thu thập thông tin, trong phòng dán kín các loại tranh ảnh, trưng bày quần áo, giầy dép của nhóm nhạc này.

Cháu còn để kiểu tóc, mặc quần áo, đeo vòng cổ, khuyên tai giống ngôi sao. Có hôm thấy cả hai con bỏ bữa, hỏi ra mới biết thần tượng bị ốm nên các cháu lo lắng không ăn, không ngủ, thậm chí nghỉ cả học thêm.

Lại có trường hợp con nhà chị Minh (Hà Nội). Mới học lớp 7 nhưng nhiều lần nghỉ học để đi đón thần tượng của mình. Rồi một ngày khi nghe thần tượng bị tai nạn giao thông đang nằm chờ chết, cháu không chịu ăn uống gì, ngồi học thì nhấp nhổm. Chị Minh đã tìm nhiều cách, thậm chí đánh con nhưng cũng không ăn thua gì.

Có phải “không bình thường” khi thần tượng ai đó

Việc thần tượng một ngôi sao, người nổi tiếng nào đó không phải bây giờ mới xuất hiện. Từ những năm đầu thập niên 80, những nữ sinh cũng đã dán trên tường tấm hình ban nhạc ABBA hay những diễn viên nổi tiếng.

Trẻ reo hò điên cuồng khi được gặp thần tượng.

Xét dưới góc độ tâm lý thì ở bất kỳ con người nào trong độ tuổi 13- 22 (tập trung chủ yếu giai đoạn 16- 17 tuổi) đều xây dựng cho mình một thần tượng. Thần tượng đó có thể là một vĩ nhân, có thể là ngôi sao ca nhạc, minh tinh màn bạc hoặc đơn giản chỉ là một người hàng xóm…

Việc thần tượng quá mức những ngôi sao Hàn Quốc cũng chỉ ra rằng, giới trẻ Việt đang thiếu những hình ảnh đời thường mà họ có thể tin tưởng làm theo và giành tình cảm đặc biệt.

Trẻ khóc ròng khi gặp thần tượng Hàn Quốc đúng là không bình thường nhưng cũng không không hẳn là bất thường. Bởi nó thể hiện tình yêu tưởng như quá xa vời, tưởng như không thể chạm được vào bỗng một ngày được nhìn thấy bằng xương, bằng thịt. Ấy là khi cảm xúc được bộc lộ sau một thời gian dài dồn nén rất lâu mới được bùng nổ.

Cha mẹ cần có cái nhìn đúng để hướng con thoát khỏi suy nghĩ viển vông về thần tượng

Với xã hội thì cũng cần có cái nhìn cảm thông hơn, cần nhìn thấy nhu cầu thực của giới trẻ để đưa ra những chiến lược cụ thể. Đặc biệt đối với gia đình, thì cần hướng trẻ đến những hoạt động bổ ích, phân tích cho trẻ thấy những tác hại khi quá thần tượng một ngôi sao nào đó.

Trẻ bị ngất khi xem thần tượng diễn.

Phải giải thích cho con hiểu, thực sự của những người nổi tiếng cũng chỉ là những người theo nghề để kiếm sống. Con có thích nhưng không thể cuồng họ tới vậy, vì họ không phải là những người thân của chúng ta, không phải là những người ta đi đến hết cuộc đời cùng. Họ có cả trăm, cả nghìn người hâm mộ giống như những đứa trẻ đó, và chắc chắn, họ sẽ không thể biết được, có một người như chúng đang hâm mộ họ.

Bố mẹ cần ứng xử nhẹ nhàng, thuyết phục để con em dần hiểu ra, chứ không nên cấm đoán, bắt con từ bỏ thần tượng, các cháu sẽ phản kháng, đối đầu để bảo vệ thần tượng. Trong đó nhất thiết phải phân tích cho các cháu hiểu những mặt tốt cũng như điểm xấu của thần tượng để biết cách cân bằng cảm xúc. Vì vậy, gia đình và nhà trường cần định hướng đúng đắn về những hình mẫu lý tưởng trong cuộc sống để các em học tập noi theo.

Nên cho trẻ những môi trường học tập khác, giống như việc tạo phòng đọc sách riêng, cấm trẻ xem nhiều tivi, không cho trẻ tiếp xúc với vi tính nhiều, như thế trẻ sẽ được được các thông tin trên mạng, thậm chí là học đòi theo đó để làm càn.

Không nên dùng bạo lực dạy dỗ trẻ. Hãy nhờ sự can thiệp của nhà trường nếu thấy trẻ có cất giấu băng đĩa ca nhạc này kia. Cha mẹ nên dành nhiều thời gian cho trẻ, quan tâm tới chúng từ chuyện học hành tới chuyện sở thích, để hiểu được chúng cần gì. Đừng cứ thả cho trẻ thích làm gì thì làm rồi tới lúc lại ân hận.

Định hướng các bạn trẻ học tập làm theo những tấm gương gần gũi với đời sống như những tấm gương tài năng trẻ. Hằng năm, Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của cho những thanh niên nông thôn tiêu biểu, giải thưởng Lý Tự Trọng cho cán bộ đoàn xuất sắc... là hình mẫu thanh niên thời đại mới cho các em học tập. Bên cạnh đó, trong các giờ ngoại khoá, các nhà trường bổ trợ thêm kỹ năng sống giúp học sinh nhận thức rõ hơn về giá trị của thần tượng, từ đó có hành vi phù hợp với chuẩn mực xã hội.

Đức An (Tổng hợp)/ĐSPL