Dòng sự kiện:

Con gái thích soi gương, trang điểm hàng tiếng đồng hồ trong nhà tắm

02:46 09/08/2015
Kể từ khi học cấp 2, bé Thanh sử dụng nhà tắm thường xuyên và rất lâu, có khi tới cả tiếng đồng hồ.

Thanh mất rất nhiều thời gian chải chuốt, ngắm vuốt trước gương nên sáng nào cũng đi học muộn. Mẹ thường phải dọn nhà tắm sau mỗi lần Thanh vào vì cô bé để nước bắn tung tóe khắp nơi và không chịu dọn rác. 

Thanh bắt đầu chọn những chiếc áo điệu đà hơn và sơn móng chân, móng tay. Mẹ Thanh sợ con quá tập trung vào ngoại hình mà không tập trung được vào việc học tập. Chị đã nói với con nhiều lần, Thanh chỉ vâng dạ nhưng không hề thay đổi.

Khi bước vào tuổi dậy thì, nhu cầu khẳng định bản thâncủa trẻ phát triển mạnh. Trẻ bắt đầu quan tâm đến ngoại hình của mình, cách thức người khác nhìn nhận, đánh giá về mình nhiều hơn trước đó. Đặc biệt, khi những rung động về giới tính xuất hiện, trẻ lại có nhu cầu trở nên đẹp hơn trong mắt những người mà mình thích. Tuy nhiên lại chưa biết làm thế nào để phù hợp với mình. Vì vậy cha mẹ hãy giúp con bằng những cách sau nhé!

* Giải quyết tức thời:

- Nói chuyện riêng với trẻ, tránh mắng lỗi của trẻ trước mặt người khác.

- Khẳng định nhu cầu của trẻ là chính đáng, nói với trẻ rằng chúng ta hiểu vì sao trẻ lại ở trong nhà tắm lâu như vậy.

- Chỉ cho trẻ thấy những điều trẻ làm chưa tốt hay những phiền phức trẻ gây ra cho mọi người

- Đề nghị trẻ dọn dẹp những gì trẻ bày ra

- Gợi ý một vài biện pháp để tránh những phiền toái từ việc chiếm dụng nhà tắm quá lâu để trẻ lựa chọn (ví dụ: dậy sớm hơn, hoặc sử dụng sau khi cả nhà đã dùng xong...)

- Khen ngợi khi trẻ nỗ lực giải quyết vấn đề.

*Giải pháp lâu dài:

Nhìn nhận những thay đổi ở trẻ là chuyện tự nhiên và giúp trẻ tìm được sự thể hiện hợp lý với độ tuổi. Đưa ra những gợi ý hay những lời khuyên nhủ cho trẻ, giúp trẻ biết được điều gì là phù hợp và đẹp với trẻ. Tuy vậy, cần tránh áp đặt quan điểm lên trẻ vì trẻ có thể sẽ phản ứng lại và không nghe lời.

Giúp trẻ nhận thấy rằng mình đang trưởng thành và mang lại cho trẻ cảm giác tự hào vì bây giờ trẻ đã biết cách tự làm đẹp cho mình, khiến cho mình ngày càng người lớn hơn.

Cho trẻ biết được những giới hạn trẻ được làm và những điều trẻ cần tránh: Giúp trẻ ý thức được việc trẻ đang làm có ảnh hưởng đến những người xung quanh như thế nào, từ đó, giúp trẻ có cách ứng xử phù hợp.

Người lớn cũng cần thảo luận với trẻ để đưa ra các hình phạt theo hệ quả lô-gic nếu trẻ vẫn tiếp tục làm ảnh hưởng đến giờ học, giờ sinh hoạt của bản thân và người khác; hay vẫn tiếp tục bày đồ đạc bừa bãi trong nhà tắm.

Không cấm đoán áp đặt mong muốn của người lớn lên trẻ. Việc cấm đoán trẻ làm những điều trẻ thích sẽ khiến cho trẻ cảm thấy khó chịu, chán nản và điều này có thể ảnh hưởng đến việc học tập.

Đánh giá cao sự lớn lên và thay đổi của trẻ thông qua những việc trẻ làm. Điều này sẽ cho trẻ thấy được vai trò, trách nhiệm của trẻ đối với gia đình chứ không đơn thuần là việc trẻ cứ thế lớn lên và mọi người thì phải đáp ứng nhu cầu của trẻ.

Tường Vy (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin