Dòng sự kiện:

Con hư vì cha mẹ cư xử hớ hênh

21:00 26/09/2015
Nhiều khi con hư chỉ vì bắt chước theo những hành vi ứng xử hớ hênh hàng ngày của cha mẹ.
Đừng nghĩ rằng, con còn quá nhỏ để có thể hiểu được hành động của người lớn. Thực tế cách cư xử và suy nghĩ của trẻ chịu ảnh hưởng lớn từ những người trong nhà.

Con hỗn với bố vì "bố có làm ra tiền đâu"

Chị Hương – vợ anh Tuấn sinh ra trong gia đình khá giả, xinh đẹp, thu nhập cao. Còn anh Tuấn chỉ là nhân viên "quèn" với đồng lương ba cọc ba đồng. Lúc đầu, chị còn động viên anh thế nhưng sau này khi có con, gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến chị không còn chia sẻ với anh nữa. Những bực bội nơi công sở không có chỗ trút, về đến nhà nhìn thấy chồng cứ “úi xùi” một góc. Chị đâm bực, thường nói đổng, hoặc giận cá chém thớt. Khi anh góp ý thì chị gạt đi: “anh thì biết cái gì, nếu giỏi giang thì đã không thế này”. Dần dà, thái độ coi thường chồng của chị tăng lên kèm theo những lời nói rất khó nghe. Tất cả những lời khó nghe ấy, bé Na đều nghe được. 

Thế rồi có hôm, anh Tuấn thấy con mình chơi với bé nhà hàng xóm và tranh giành nhau con búp bê. Cô bé hàng xóm lớn tiếng khóc và bảo rằng “tớ về mách bố cậu”, Su su vênh mặt lên bảo “ôi giời, mách mẹ tớ mới sợ chứ mách bố tớ chả sợ”.

Chỉ là câu nói của trẻ con nhưng anh Tuấn thấy vô cùng chạnh lòng. Chưa hết, gần đây con bắt chước mẹ, rất hay nói trống không với bố. Anh Tuấn nhắc nhở con thì Su su hét toáng lên “Bố có làm ra tiền đâu mà cứ thích bày đặt”.

Con bắt chước mẹ coi thường người giúp việc

Khi con đến tuổi đi học, chị Lý vì công việc bận rộn nên không thể chăm sóc, đưa đón con và làm việc nhà. Vì vậy mẹ chồng giới thiệu cho chị một bà cô xa của chồng lên giúp việc. Nhưng vì tính cách coi thường người khác, chị Lý luôn dùng cách nói rất trịnh thượng để “sai bảo”. Có ai trong nhà góp ý thì chị dùng dằng: “Ôi, cứ lắm chuyện, mình bỏ tiền ra chứ có phải nhờ không đâu mà phải giữ ý”.

Dù không hài lòng nhưng bà cô cũng chẳng để bụng nếu như con trai của chị không bắt chước mẹ học thói coi thường người khác.

Cứ lần nào đến cổng trường đón cu Tí, bà cô lại nghe thấy những lời nói kiểu như: “Ô sin nhà tớ đấy…”. Rồi thì cứ khi nào bà bảo cu Tí đừng nghịch ngợm hay ngồi vào bàn ăn đi thì Tí quay mặt lại lườm rất khó chịu, chống tay và nói: “Mẹ cháu còn chưa nói, bà là ô sin mà sao nói nhiều thế”… Thỉnh thoảng, Tí còn lên giọng hách dịch “Bà chưa nấu cơm à, sao giờ này bà còn chưa nấu?”…

Cu Tí đã bắt chước cách ăn nói và cách cư xử của mẹ từ lúc nào không hay...

 

Từ hai câu chuyện trên, cha mẹ hãy nhớ rằng trẻ em giống như một trang giấy trắng và chính những gì trẻ nhìn thấy, nghe thấy hàng ngày sẽ giúp hình thành nên nét vẽ đầu tiên trên trang giấy đó.

Đinh Hương

Nguồn: Gia đình Việt Nam