Dòng sự kiện:

Con hung tính, dạy kiểu nào để không đổ dầu vào lửa

Theo PNVN
16:52 06/05/2017
Chị Hoàng Thu Phương (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cảm thấy khó xử khi lần nào đến đón con trai học lớp 2 cũng bị các bạn trong lớp “tố”: "Bạn ấy hành hung cháu", "bạn ấy đánh cháu, bạn ấy đẩy cháu ngã"... Chị vô cùng khổ sở với tính đầu gấu, hung hăng của con.

Mẹ khó xử khi ngày nào cũng nghe các bạn cùng lớp mách, con đánh bạn. Ảnh minh họa

Chị Phương cho biết, không ít lần chị phải “muối mặt” gọi điện cho bố mẹ các bạn của con để xin lỗi vì cậu con trai thường xuyên là “đầu trò” trong các vụ đánh nhau ở lớp. Lần thì cào cấu, lần thì lấy chai nước đập vào đầu bạn, khi thì đẩy các bạn vào vũng nước bẩn.

Với tính hung hăng thích bắt nạt bạn bè, con chị không ít lần trở thành nạn nhân khi bị các anh chị lớn hơn trong trường dằn mặt. Chị Phương cảm thấy rất lo lắng. Bởi, ở lứa tuổi này, con có thể đánh bạn và không gặp nguy hiểm gì. Nhưng bước vào tuổi dậy thì, các bạn sẽ không để yên cho con chị “tác oai tác quái” và con chị sẽ trở thành nạn nhân của vụ đánh hội đồng.

Ứng xử với con hung tính, theo bác sĩ tâm lý Cheonseok Suh (Hàn Quốc), cha mẹ phải ngưng ngay những hành vi bạo lực thân thân thể với con. Cha mẹ cũng cần kiên nhẫn hơn khi giáo dục con, thành lập một bộ quy tắc hành động trong gia đình và yêu cầu mọi người thực hiện nghiêm túc. Khi có ai đó vi phạm dù đó là cha mẹ thì cũng cần phải chịu phạt cho công bằng. Cha mẹ làm tấm gương tốt về khả năng giải quyết vấn đề êm ả cho con thì sẽ giúp con bình tĩnh hơn.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần rèn tính nhẫn nại cho con. Những công việc như: Xâu chuỗi hạt, nhặt sạn, nhặt rau, xâu kim, khâu vá, đan lát… sẽ giúp con kiên nhẫn hơn. Cha mẹ nên tập cho con làm thật nhiều để tính cách con trầm xuống, khả năng kiên nhẫn tăng lên sẽ giúp con giữ bình tĩnh tốt hơn.

Khi con nổi nóng, cha mẹ nên cầm hai tay con và yêu cầu con ngồi một chỗ, tự giữ bình tĩnh. Cha mẹ lấy cho con một cốc nước mát, để con uống nước, sau đó lau mặt bằng khăn lạnh. Khi con đã làm xong, cha mẹ yêu cầu con ngồi suy nghĩ yên tĩnh trong vòng 30 phút rồi mới đi làm việc khác. Nếu lần nào con nổi nóng cũng được yêu cầu như vậy, dần dần con sẽ mềm tính hơn và suy nghĩ cặn kẽ hơn trước khi hành động.

Hạn chế cho con ăn những thực phẩm quá nhiều năng lượng cũng giúp con giảm tính hung hăng lại. Cha mẹ nên hạn chế số lượng những thực phẩm cay nóng, cho con ăn những món ăn có tính mát, an thần cao như hoa thiên lý, hạt sen…

Các cha mẹ tập cho con ngồi yên một chỗ để bình tâm khi con đang có dấu hiệu nổi nóng. Tập thiền, nghe nhạc không lời êm dịu sẽ giúp con điều hòa tâm tính. Khi con lên cơn cáu gắt, cha mẹ nên cho con bút và giấy để con trút giận vào những câu chữ rồi đốt đi cho đỡ căng thẳng. Điều này làm nhiều lần cũng sẽ giúp con giữ hòa bình và giảm bớt hung tính.

Việc tâm sự với con về những kỉ niệm tuổi học trò của mình để con có thể vui vẻ kể các câu chuyện xảy ra tại lớp của con cũng rất hiệu quả. Khi con đã dốc bầu tâm sự, cha mẹ nên kiên nhẫn lắng nghe, góp ý nhẹ nhàng cho con. Cách làm này sẽ xả hết mọi ức chế khi con đi học và giúp con bình tĩnh hơn khi xử lý mọi việc.

Nguồn: Gia đình Việt Nam