Dòng sự kiện:

Con nguy kịch vì uống nhầm hóa chất phụ huynh cất trong tủ lạnh

22:47 22/06/2016
Nhầm tưởng chai keo dán nhựa bố cất trong tủ lạnh là nước mát, cháu bé con anh Trần Đình Anh (Q.12, Tp.HCM) uống nhầm. Sau đó, bé liên tục ói, ho dữ dội, người lả, chân tay lạnh... Quá sợ hãi, vợ chồng anh đưa con vào BV Nhi Đồng 2 cấp cứu.

Trẻ liên tục uống nhầm keo dán, dầu hỏa

Tại BV Nhi Đồng 1 (TPHCM), chị Nguyễn Thị Bé (28 tuổi), ngụ tại Lai Vung (Đồng Tháp), có con trai 5 tuổi đang nằm viện điều trị do uống nhầm dầu hỏa hôm 18/6.

Theo lời kể của chị Bé, nhà chị vốn nấu ăn bằng bếp dầu. Chị vẫn có thói quen chứa dầu hỏa vào chai, để dưới gầm bàn đựng gia vị. "Tui thấy cái chai đựng dầu méo mó nên lấy chai nước ngọt đổ dầu vô. Ai ngờ, con tưởng nước ngọt nên uống vào rồi nằm lịm. Tui đưa con đi cấp cứu ở Lai Vung, họ chuyển thẳng lên thành phố. Sau 1 ngày nằm khoa Cấp cứu, họ chuyển con lên khoa Hô hấp vì con đã bị viêm phổi. Hiện tại, con có thể ăn uống, nhưng vẫn còn ho và khò khè, bác sĩ nói cần theo dõi thêm", chị Bé cho biết.

Con nguy kịch vì uống nhầm hóa chất phụ huynh cất trong tủ lạnh

Nhiều cha mẹ có thói quen trữ hóa chất vào vỏ chai nhựa khiến trẻ dễ nhầm lẫn

Đón con trai về sau 2 ngày nằm điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM), anh Trần Đình Anh vẫn không ngừng trách mình, chỉ vì sự bất cẩn, anh đã khiến con trai 8 tuổi rơi vào tình trạng nguy hiểm do uống nhầm keo. Theo lời kể của anh Đình Anh, do anh làm nghề dán trần nhựa, mica thuê nên thường xuyên phải sử dụng keo dán với số lượng lớn. Đặc điểm của loại keo này là khi đã mở nút, nếu để bên ngoài, keo sẽ nhanh khô lại, không thể sử dụng. Vì vậy, anh thường đổ keo vào các chai nước suối, bỏ vào tủ lạnh. "Mua chai nhỏ thì mắc tiền, chai lớn thì xài vài lần mới hết. Trữ keo trong tủ lạnh là cách duy nhất để keo không bị hư. Trước giờ tôi vẫn làm như vậy, không có chuyện gì xảy ra. Chiều ngày 17/6, con chơi đùa ngoài đường, chạy về mở tủ uống nước mà không để ý nên uống nhầm keo", anh Đình Anh chia sẻ.

Sau khi uống, bé liên tục ói, ho dữ dội, người lả, chân tay lạnh... Quá sợ hãi, vợ chồng anh Đình Anh bắt taxi đưa con đi cấp cứu. "Bác sĩ cấp cứu, kiểm tra và theo dõi bé trong suốt 2 ngày. Rất may, con chỉ bị ngộ độc keo, nhưng phần lớn đã ói hết nên không gây ảnh hưởng", anh Đình Anh nói. 

Bác sĩ khuyến cáo gì?

Trong những ngày qua, tại khoa cấp cứu, BV Nhi Đồng 2 (TPHCM) đã tiếp nhận nhiều trẻ đến cấp cứu do các tai nạn trong ngày hè gây ra, trong đó có không ít trường hợp uống nhầm hóa chất, thuốc, dầu hỏa...

BS CK1 Trần Đắc Nguyên Anh, Phó khoa Cấp cứu, BV Nhi Đồng 2 (TPHCM) cho biết, hè về là thời điểm có rất nhiều tai nạn xảy đến với trẻ mà nguyên nhân chủ yếu là do sự bất cẩn từ cha mẹ. Một số tai nạn từ nước, lửa, uống nhầm thuốc, đuối nước, chấn thương do leo trèo… đặc biệt là những tai nạn do uống nhầm hoá chất có thể dẫn đến những hệ luỵ, biến chứng khó lường, thậm chí có thể gây tử vong cho trẻ. "Tùy loại hoá chất trẻ uống phải mà sẽ dẫn đến các biến chứng, tai biến khác nhau. Bé có thể bị bỏng miệng, gây tổn thương phổi, suy gan, thận, rối loạn nhịp tim… ", BS Nguyên Anh chia sẻ.

Để phòng tránh những tai nạn có thể xảy ra với trẻ do uống nhầm hoá chất, BS Nguyên Anh khuyến cáo, phụ huynh nên để các loại hoá chất, thuốc uống… xa tầm với của trẻ em. Đặc biệt, không sử dụng vỏ các chai nước ngọt, nưới suối để đựng hoá chất vì trẻ dễ nhầm tưởng đó là nước uống. Trong trường hợp trong nhà chứa các dung dịch, chai, can hoá chất, cần để đúng nơi quy định, dán nhãn mác cảnh báo. "Trong trường hợp bé bị tai nạn do các nguyên nhân trên, phụ huynh cần biết cách sơ cứu tại chỗ như kích thích để trẻ nôn, nhờ sự hỗ trợ từ những người xung quanh và nhanh chóng chuyển bé đến các cơ quan y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời", BS Nguyên Anh khuyến cáo.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Theo Nguyễn Hằng/PNVN