Dòng sự kiện:

Con trai cũng rất cần chơi những trò "hiền lành" của con gái

17:34 27/06/2016
Mọi người đừng nghĩ con trai chỉ chơi trò chơi mạnh mẽ hay phát triển IQ nhé. Con trai cũng rất cần học cách chơi những trò "hiền lành, con gái"...

  

 

Con trai thích chơi búp bê có sao?

Chị Nguyễn Thị Thu là nghiên cứu sinh tiến sĩ Môi trường Thủy văn, Đại học Tsukuba (Nhật). Chị cũng là đồng sáng lập một trường mẫu giáo tại Việt Nam dạy các bé theo phương pháp Nhật. Chị và chồng đã sống ở nước này 10 năm và có một bé trai hơn 2 tuổi. Dưới đây là bài viết chia sẻ quan điểm của chị về vấn đề con trai thích chơi búp bê: 

Giống như mọi cậu con trai thích ô tô, xe điện Bon cũng thích nhất là ô tô. Nhưng khi Bon lên 2 tuổi cu cậu bắt đầu hứng thú với việc nấu nướng và địu búp bê, quan tâm đến người khác. Vì thế dạo này trò chơi mình ưu tiên chơi cùng Bon là chơi đồ hàng, trò chuyện về món ăn để học từ vựng và học cách chăm sóc nhau.

Mọi người đừng nghĩ con trai chỉ chơi trò chơi mạnh mẽ hay phát triển IQ nhé. Con trai cũng rất cần học cách chơi những trò "hiền lành, con gái" để thông qua đó các cậu bé học được kỹ năng chăm sóc và quan tâm đến mẹ, chị em, bạn bè và người yêu sau này đó.

Nhiều mẹ than thở đàn ông Việt vô tâm không biết cách quan tâm đến vợ. Nhưng mình nghĩ chẳng qua là vì rất nhiều người, họ không được dạy về điều ấy từ khi còn nhỏ đến lúc thanh niên, và không được nhìn thấy bố mình làm như thế với mẹ mà thôi. Chính nhiều bố mẹ mặc định việc quét nhà rửa bát là của con gái, con trai không phải làm, thế thì lấy đâu ra những người đàn ông sau này trở thành chồng, thành cha biết cách quan tâm và chia sẻ việc nhà với vợ.

Mình tin rằng thế hệ của Bon ngày nay được mẹ dạy cho việc nhà, dạy cách chia sẻ công việc và quan tâm đến người khác thì chắc chắn sau này vợ của Bon sẽ không oán trách mình là "chiều con, lấy phải một đứa trẻ con trong thân xác người lớn".


Chị Nguyễn Thị Thu và con trai.

Chuyện của Bon

Thi thoảng mỗi tối Bon lại địu em gấu Pooh sau lưng và ngồi đọc sách hay ôm em đi ngủ. Ngày nào cũng phải ghé qua khu bếp nấu đồ hàng chơi một tí. Cu cậu cầm chảo xào nấu rồi bưng cho bố mẹ "mời bố mẹ ăn" ngọt xớt, rồi rót trà bưng cốc trà cho ba mẹ uống và cho chính mình.
Đọc ehon mà có món đồ nào ăn được là lại giả vờ cầm đút cho mẹ một miếng và cho mình rồi khen lấy khen để như thật ý.

2 tuổi 2 tháng trở đi ngôn ngữ và biểu lộ cảm xúc của trẻ phát triển theo từng tuần thì phải. Những gì ba mẹ nói với nhau con đều nhớ và vận dụng rất nhanh.

1. Bữa ăn cơm con sẽ luôn nhắc mẹ: "Mẹ ngồi xuống ăn cơm đi. Mẹ ăn nhiều vào. Trung kun cũng ăn đây này".

2. Sáng dậy con sẽ mon men đến bên mẹ thơm mẹ một cái. Mẹ giả vờ là mới tỉnh: "A, Bon vừa thơm mẹ. Mẹ cảm ơn. Mẹ vui lắm". Thế là cu cậu lại thì thầm: "Con đói bụng rồi. Mẹ nấu cơm đi".

Bây giờ biết thơm mẹ thì mẹ sẽ vui nên lúc nào muốn nịnh mẹ là sẽ thơm một cái, hay thấy mẹ giận là cũng biết cách nịnh rồi. Mà mình nhận thấy vì mìn ít giận, ít quát Bon nên lúc nào Bon thấy mặt mẹ cau có là cu cậu sẽ hỏi ngay "Mẹ đang giận Trung à?" Rồi cười hihi để nịnh đầm, vuốt má mẹ nữa chứ.

3. Sáng nay mẹ bị đau bụng phải vào giường nằm nghỉ. Bon thấy mẹ không chơi cùng nữa là bỏ đấy chạy vào hỏi mẹ bị làm sao đấy. Mẹ bảo "mẹ bị đau bụng".

Bon hỏi "Mẹ đã uống thuốc chưa" rồi chỉ ra hộp thuốc và lấy tay xoa bụng.

- "Mẹ uống rồi".

- "Mẹ đã uống nước chưa?"

- "Mẹ chưa".

- "Con mang cho mẹ".

Thế là cu cậu chạy ra bê cốc nước lúc sáng uống còn thừa chạy vào đưa cho mẹ.

- "Mẹ uống đi"

Mẹ bất ngờ với cách chăm sóc của Bon quá. Chắc mỗi lần con nói khát nước mẹ đều làm như thế cho con, nên giờ con bắt chước theo. Mẹ uống và nói cảm ơn thì Bon cười tít mắt vì sung sướng. Sau đó cu cậu mang một đống ô tô vào giường chơi cạnh mẹ.

Có lẽ từ bây giờ mẹ sẽ còn được trải nghiệm thêm nhiều khoảnh khắc thú vị với Bon nữa đây. Có 1 cậu con trai tình cảm cũng rất tuyệt mọi người nhỉ.

Sai lầm khi ngăn cấm sở thích của con

Theo ý kiến chuyên gia, một đứa trẻ khi còn nhỏ mà thích chơi búp bê, chơi bán đồ hàng, thậm chí là thích mặc quần váy cũng chưa phản ánh được gì về xu hướng giới tính của trẻ. Ở nước ta hiện vẫn bị định kiến bởi giới tính nữ và nam. Nam thì chỉ được chơi những trò này, nữ chơi trò kia... Khác kiểu đó đi ví dụ nữ thích chơi ô tô, nam thích chơi búp bê là bị quy chụp về giới tính, bị cấm đoán. Việc đánh con và ngăn cấm sở thích của con như chị đang làm là rất sai lầm. Việc cấm đoán không thể thay đổi được sở thích của trẻ, thậm chí cấm đoán đôi khi có thể gây ra những hệ lụy xấu. Lời khuyên cho các bậc phụ huynh hiện đại là hãy tôn trọng sở thích của trẻ, để trẻ phát triển tự nhiên và sống đúng với chính mình. 

Tiểu Vũ

Nguồn: Gia đình Việt Nam