Dòng sự kiện:

Công khai, minh bạch trong thu, chi học phí năm học mới

04:08 27/08/2015
UBMTTQ Việt Nam kiến nghị Sở GD&ĐT, UBND các quận, huyện đẩy mạnh giám sát, tạo sự rõ ràng minh bạch trong thu, chi học phí năm học mới 2015-2016.

Theo tin tức từ VTV, trước thông tin phụ huynh của một số trường tại TP.HCM đã phải bỏ ra những khoản tiền bất hợp lý cho con trong năm học 2015-2016, tại cuộc họp hôm nay (26/8) với Sở Giáo dục và Đào tạo, các thành viên Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam kiến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban nhân dân các quận huyện đẩy mạnh giám sát, tạo sự rõ ràng minh bạch trong thu, chi học phí.

Theo đó, nghiêm cấm việc lạm thu, bày vẽ, gây tốn kém và khó khăn cho phụ huynh học sinh trong việc may đồng phục, thu học phí. Theo phản ánh từ người dân, trong năm học này, mức học phí tăng cao so với thu nhập của người dân lao động, đặc biệt là học phí bậc mầm non.

Bên cạnh đó, các quận, huyện vùng ven của TP.HCM có số học sinh tăng cao đột biến, nhưng số lượng trường, lớp còn ít, nên gặp khó khăn trong việc gửi trẻ. Mặc dù vậy, các địa phương này vẫn phải đóng học phí như các quận huyện khác.

UBMTTQ Việt Nam kiến nghị đẩy mạnh giám sát, tạo sự rõ ràng minh bạch trong thu, chi học phí năm học mới. Ảnh minh họa

Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho biết năm học 2015-2016, dự kiến tăng khoảng 85.000 em so với trước.

"Với số lượng này thì thử hình dung sẽ phải tăng bao nhiêu phòng học mới đủ? UBND TP đang rất lo, tôi cũng trực tiếp đi kiểm tra ở Bình Tân và Bình Chánh. Với tình hình gia tăng dân số cơ học này, đến năm 2020 chúng ta không biết lấy đất đâu ra mà xây trường học", ông Quân băn khoăn.

Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, riêng quận Bình Tân năm 2003 khi mới được tách chỉ có 313.000 dân, giờ hơn gấp đôi. Mỗi phường có đến 70.000 dân nên áp lực mật độ dân cư rất cao. Năm học này, quận có 95.000 học sinh từ nhà trẻ, mầm non, tiểu học... Còn huyện Bình Chánh năm nay cũng có hơn 75.000 học sinh, số học sinh tăng cơ học cũng trên 7.000 em.

"Các cháu không có hộ khẩu thường trú ở Bình Tân là 7.000. Số giáo viên để dạy cho các cháu mới cũng là cả một vấn đề. Sở Nội vụ TP đã đề xuất tăng 4.000 biên chế cho ngành giáo dục nhưng không được chấp nhận vì Bộ Nội vụ yêu cầu tinh giản biên chế, Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng yêu cầu không được tăng", ông Quân nói và cho biết thành phố "đang rất đau đầu vì thiếu giáo viên".

Sau khi bàn bạc, các đại biểu HĐND TP đã nhất trí 100% thông qua tờ trình này để chăm lo cho ngành giáo dục của thành phố trong năm học mới.

Trước đó, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội vào chiều 18/8, Trưởng phòng Tài chính, Sở Giáo dục Hà Nội, ông Nguyễn Viết Cẩn cho hay, theo quyết định 51 của Ủy ban nhân dân Hà Nội về thu, sử dụng các khoản thu trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập thì có 10 khoản cha mẹ phải đóng góp vào đầu năm học.

Cụ thể, 10 khoản thu gồm: Bán trú trong các trường có tổ chức học (tiền ăn, chăm sóc và trang thiết bị); Học 2 buổi/ngày trong các trường tiểu học, trung học cơ sở; Học phẩm học sinh trong các trường mầm non; Nước uống tinh khiết; Bảo hiểm y tế; Dạy thêm, học thêm trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông; Viện trợ, quà biếu, tặng cho; Tài trợ theo thông tư 29 của Bộ Giáo dục; Đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường; Quần áo đồng phục, quần áo thể thao, phù hiệu.

Tuy nhiên, về việc mua đồng phục cho học sinh, ông Cẩn cho biết vấn đề này đã có quy định rõ: Đối với nhà trường chỉ quy định mẫu đồng phục, còn ban đại diện cha mẹ học sinh hoặc cá nhân cha mẹ tự mua, nhà trường tuyệt đối không đứng ra thực hiện việc mua đồng phục cho học sinh.

Cũng theo ông Cẩn, ngay từ tháng 6, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn các khoản thu chi. Theo phân cấp quản lý, cơ sở trực thuộc Sở và Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã phải có văn bản thống nhất với cấp tương đương về các khoản thu. Vào năm học, Sở sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra xem việc thực hiện thu chi có đúng theo kế hoạch đã được phê duyệt hay không.

“Nếu phát hiện đơn vị nào thu không đúng quy định trước hết phải trả lại cha mẹ học sinh, tùy theo mức độ sai phạm, người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm và Sở giáo dục sẽ xử lý”, ông Cẩn khẳng định.

Khánh Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn : Người đưa tin

>> Video đang được xem nhiều nhất:

[mecloud]zJsjS0YExh[/mecloud]