Dòng sự kiện:

Cùng con đánh bật "lo lắng"

23:22 08/07/2015
Khi trẻ "lo lắng"" lâu ngày sẽ dẫn đến ám ảnh và vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng. Khi bị ám ảnh, trẻ rất khó chịu đựng về mặt tâm lý.

 

 

 

"Lo lắng" ở trẻ sẽ làm giảm sự phát triển toàn diện

Hay "lo lắng" là một trở ngại về tâm lí ở trẻ và thường có quan hệ với sự tổn thương về mặt tinh thần. Thông thường, trẻ sẽ cảm thấy khó kiểm soát bản thân, có những biểu hiện như: hoảng sợ, buồn bực, căng thẳng, không vui vẻ, buồn rầu, thậm chí còn có phản ứng sinh lí kèm theo là tim đập nhanh, ra mồ hôi, đau đầu...

Trẻ em đã trải qua sự "lo lắng" của những ngày đầu đến trường, khi trẻ gặp những người bạn mới hay phải mang những phiếu đánh giá không tốt về nhà cho cha mẹ xem, đây là những điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, sự "lo lắng" có thể trở thành nguyên nhân gây suy nhược tinh thần trẻ khi chúng bắt đầu ảnh hưởng tới khả năng thành công của trẻ trong trường học và việc gắn kết, duy trì tình bạn.

Một vài trẻ em trở nên "lo lắng" cực độ khi phải chia tách bố mẹ. Trẻ cảm thấy căng thẳng và "lo lắng" khi phải rời khỏi bố mẹ để tới trường, đi cắm trại hay đơn giản là tới nhà một người bạn mới để chơi. Có thể con trẻ nghĩ có điều chẳng lành sẽ xảy ra với bố mẹ mình. Theo Trung tâm thông tin sức khỏe Quốc gia của Mỹ, trong 25 đứa trẻ sẽ có 1 trẻ cảm thấy "lo lắng" vì sự chia tách.


 

Hay "lo lắng" là một trở ngại về tâm lí ở trẻ và thường có quan hệ với sự tổn thương về mặt tinh thần.

Một nguyên nhân khác cũng gây ra sự "lo lắng" ở trẻ là những chấn thương. Khi đứa trẻ trải qua một chấn thương tâm lý nào đó, chúng có thể tự phục hồi mà không cần đến sự giúp đỡ quá nhiều của phụ huynh. Tuy nhiên, có những trường hợp cần sự can thiệp của liệu pháp chuyên nghiệp. Một số chấn thương có thể gây ra sự "lo lắng" lâu dài như tai nạn xe hơi nghiêm trọng, cái chết của phụ huynh hay trẻ bị lạm dụng… Những điều này có thể khiến trẻ hồi tưởng, gặp ác mộng, ám ảnh và trở nên buồn rầu, cáu gắt.

Trẻ có thể bị ám ảnh bởi một thứ gì đó cụ thể như vi trùng, một con số trở thành suy nghĩ ám ảnh hay những hành vi có xu hướng ép buộc, chúng dẫn tới sự lo lắng hỗn loạn mà người ta gọi là rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Một đứa trẻ cảm thấy bị ám ảnh bởi một cái gì đó vượt ra ngoài tầm của soát của trẻ ở khu vực khác. Ví dụ, một đứa trẻ trải qua chấn thương và bắt đầu nghĩ rằng con số 5 sẽ giúp mình làm được điều gì đó. Vì thế chúng luôn sắp đặt công việc của mình với con số 5 để ngăn chặn điều xấu tái diễn: bước qua cửa 5 lần trước khi rời nhà, đọc 5 cuốn sách trước khi đi ngủ hay hôn cha mẹ 5 lần trước khi đi đến nhà một người bạn.

Thêm một nguyên nhân của sự căng thẳng ở trẻ là nỗi sợ hãi cụ thể. Ví dụ trẻ bị chó cắn lúc 3 tuổi và sau đó luôn thấy hoảng loạn khi nhìn thấy một chú chó. Trẻ có thể băng qua đường bất cứ lúc nào và đi vội qua một ngôi nhà có chó ở trong sân (điều này khá nguy hiểm) hoặc trẻ sẽ không dám chơi ở nhà bạn nào có nuôi chó… Nó có thể trở thành sự ám ảnh to lớn và cản trở trẻ có cuộc sống bình thường.

Sự căng thẳng chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra sự "lo lắng" ở trẻ. Một đứa trẻ không ngừng "lo lắng" và trở nên căng thẳng từ những cái nhỏ nhặt có nhiều khả năng là biểu hiện của chứng rối loạn lo âu và chúng thường có phản ứng mạnh mẽ hơn những đứa trẻ khác. Điều này có ảnh hưởng khá lớn tới sự giao tiếp, kết bạn và phát triển toàn diện của trẻ. Bởi vậy, phụ huynh hãy dành nhiều thời gian để gần gũi, quan sát biểu hiện của con. Nếu trẻ "lo lắng" hãy nhẹ nhàng hỏi lý do và chia sẻ với con trẻ để chúng thấy thoải mái và tự tin hơn.

Giúp con hết "lo lắng"

"Lo lắng" là vấn đề bình thường của trẻ trong quá trình phát triển, nhưng nếu chúng ta không giúp đỡ, nó sẽ trở thành nỗi ám ảnh khi trẻ lớn lên. Gia đình có thể giúp đỡ trẻ phát triển kỹ năng sống và vượt qua những nỗi sợ hãi. Sau đây là một số lời khuyên dành cho các phụ huynh:

Nhận biết sự "lo lắng" của trẻ theo quan điểm của trẻ và thừa nhận vấn đề. An ủi và động viên trẻ về nỗi sợ. Ví dụ trẻ sợ sâu, phụ huynh có thể động viên trẻ "Mẹ biết con sợ sâu, nhưng đó là một loài động vật, sâu chỉ ăn lá không làm hại con", lúc đó trẻ sẽ thấy nhẹ nhàng hơn khi gặp sâu.

Đừng ép con bạn vượt qua nỗi sợ bằng cách xem nhẹ nỗi sợ đó "Con đừng sợ, ma có gì đâu mà sợ"...Điều này không thể làm con bạn hết sợ hãi. Ngược lại, trẻ sẽ cảm thấy bạn không hiểu và chia sẻ cùng trẻ.

Đừng né tránh nỗi sợ. Nếu con bạn sợ chó, bạn dẫn bé đi những nơi nào tránh được chó. Điều này càng làm con bạn cảm thấy chó thật đáng sợ và càng nên tránh. Trong trường hợp này, thay vì tránh né vấn đề trẻ sợ, chúng ta giúp đỡ trẻ và động viên trẻ đối diện với nỗi sợ.

Không ép trẻ đối diện trực tiếp với nỗi sợ vì càng làm con bạn thêm khủng hoảng (ép trẻ ở một mình trong bóng đêm để trẻ hết sợ ma...). Hãy kiên nhẫn với trẻ. Bạn hãy hướng dẫn từ từ và lặp đi lặp lại khi bé sợ hãi một thứ gì đó. Hãy giúp bé cảm thấy thật thoải mái và đưa bé vào một nơi an toàn, nếu có thể.

Đức An (Tổng hợp)/ĐSPL