Dòng sự kiện:

Cúng rằm tháng 7 xong có phải kiêng kị 'tháng cô hồn' không?

18:46 29/08/2015
Có ý kiến cho rằng kiêng kị 'tháng cô hồn' chỉ tính tới hết rằm tháng 7, tuy nhiên việc cưới hỏi phải kiêng đến hết tháng.
Dân gian quan niệm tháng 7 là tháng "cô hồn". Ngoài việc sắm lễ cúng, người ta còn truyền tai nhau rất nhiều điều nên kiêng kỵ trong "tháng cô hồn" này như: Không treo chuông gió đầu giường, không đi chơi đêm, không nhổ lông chân, không phơi quần áo, không bơi lội…

Ngoài ra, tùy theo vùng miền còn có các kiêng kỵ như không khởi công, khánh thành nhà mới, xây dựng gia đình, không mở cửa hàng kinh doanh trong tháng cô hồn...

Có nhiều người băn khoăn rằng sau khi cúng Rằm tháng Bảy có còn phải thực hiện những kiêng kị tháng “cô hồn” mà dân gian truyền tụng?

Cúng rằm tháng 7 xong có phải kiêng kị 'tháng cô hồn' không?

Ông Nguyễn Mạnh Cường, nguyên cán bộ Viện Tôn giáo khẳng định trên tờ Gia đình & Xã hội rằng: việc kiêng kị chỉ tính tới Rằm, sau khi đi lễ chùa về thì người dân không cần phải kiêng kị nữa, mọi thứ đều bình thường.

Với những người buôn bán lớn, ký kết hợp đồng, đặc biệt là việc liên quan tới đất cát, động thổ, xây nhà, bất động sản người ta vẫn kiêng – đó là tùy quan niệm của mỗi người. "Nhưng tôi cho là mọi người kiêng thái quá, chỉ nên kiêng hết Rằm tháng Bảy thôi", ông Cường cho biết.

"Không phải cứ tháng Bảy (Âm lịch) là dừng lại mọi hoạt động, điều đó hoàn toàn phi lý. Những kiêng kị lan truyền trên mạng có cái kiêng đúng, có cái kiêng sai....

Bạn chỉ nên kiêng hết tháng Bảy (Âm lịch) việc cưới hỏi. Việc này thì không chỉ Việt Nam, mà nhiều nước xung quanh ta cũng kiêng kị “tháng ngâu không nên cưới hỏi”.

Tuy nhiên, bạn có thể học nhiều bạn trẻ trong việc “lợi dụng” tháng Bảy kiêng kị mà làm các việc khác liên quan tới cưới hỏi như chụp ảnh cưới, mua đồ cưới, nhẫn cưới… vì được giảm giá nhiều so với mùa cưới", ông Hà Thanh, Viện Nghiên cứu và ứng dụng Tiềm năng con người cho biết.

Còn Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho rằng, những kiêng kỵ trong tháng cô hồn chỉ để giải quyết vấn đề tâm linh. Nếu kiêng được, tâm lý sẽ vui vẻ hơn.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh khẳng định trong khoa học, chưa ai chứng minh nếu không kiêng được những điều cấm kỵ trong tháng 7 âm lịch thì sẽ bị gặp họa do ma quỷ gây ra. Ngược lại, chưa ai chứng minh nếu kiêng được những điều cấm kỵ sẽ gặp an lành”. Ngay cả những việc cần kiêng kỵ trên cũng chỉ mang tính chất tương đối theo quan điểm của từng vùng miền hay cá nhân mà thôi.

Hòa thượng Thích Thanh Nhã, Ủy viên thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Trấn Quốc cho biết, theo quan niệm của đạo Phật, trong tháng 7, người dân không phải kiêng những điều như quan niệm dân gian vẫn đồn đoán.

Hòa thượng Thích Thanh Nhã cho biết, đạo Phật không tin có tháng cô hồn. Nhà Phật chỉ dạy, con người không sát sinh vào ngày rằm, mồng 1, không làm điều trái, sống có phúc đức.

Hòa thượng Thích Thanh Nhã khuyên người dân không phải kiêng kỵ bất cứ điều gì trong tháng 7: "Đạo Phật khuyên rằng ngày nào cũng là ngày tốt, tháng nào cũng là tháng tốt và không có ngày tháng nào xấu.

Trong mỗi người bao giờ cũng có những phước đức, nếu có tâm, tích phước, thì ma quỷ cũng phải sợ. Thay vì làm những điều kiêng kị không có cơ sở, mọi người nên làm điều thiện, tích đức, báo hiếu cha mẹ”.

Tường Vy (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin