Dòng sự kiện:

Cuộc hôn nhân bi đát của tôi có phải xuất phát từ lý do vớ vẩn đó?

03:00 28/02/2016
Người ta nói: “Con thầy, vợ bạn, gái cơ quan…/ Cả 3 ‘thứ’ ấy chớ nên động vào”. Ấy thế mà tôi vẫn không tin để rồi trót lấy đồng nghiệp phải mang khổ suốt đời.

 

 

 

Tôi 32 tuổi, làm việc trong lĩnh vực xây dựng, lấy vợ được hơn 3 năm, cô ấy là kế toán cùng công ty với tôi. Trước khi cưới nhiều người đã can ngăn, nói tôi nên suy nghĩ kỹ vì tính cô ấy khá khác so với những người con gái khác. Nhiều người nói, cô ấy khá sắc nước, tính chi li, không dịu dàng, lấy về sau này chỉ có làm chồng chứ không đời nào ngoan ngoãn làm vợ.

Người nào nhẹ nhàng hơn thì vừa nói vừa cười: “Con thầy, vợ bạn, gái cơ quan…/ Cả 3 ‘thứ’ ấy chớ nên động vào”. Nhưng khi yêu rồi ai mà kiểm soát nổi bản thân. Vậy là tôi quyết bỏ qua những lời đàm tiếu ấy để cưới.

Mấy tháng đầu, vì là vợ chồng son nên cuộc sống vẫn hạnh phúc. Sáng nào hai vợ chồng cũng đi làm cùng nhau, tối chờ đợi nhau về cùng. Cô ấy nói để tiết kiệm tiền xăng nên hai vợ chồng sẽ đi chung một xe. Bố mẹ tôi là người tâm lý, dù tôi là con một nhưng vẫn để hai vợ chồng ra ở riêng cho thoải mái. Sau này sinh con sẽ về ở chung để ông bà tiện chăm sóc. Nhưng cuộc sống khó mà lường trước tất cả. Những mâu thuẫn vợ chồng liên tiếp xảy ra chỉ sau nửa năm kết hôn.

Mâu thuẫn đầu tiên xảy ra chỉ vì việc đi lại. Mặc dù làm cùng công ty nhưng không phải lúc nào công việc của hai vợ chồng cũng trùng nhau để cùng đi sớm, về khuya. Có những lần tôi phải chờ cô ấy gần 1 tiếng vì kế toán cuối tháng bận rộn. Những lúc chờ đợi không biết làm gì, người thì bẩn, chỉ mong được về nhà tắm gội… 1, 2 lần như vậy tôi đâm ra bực bội, thúc giục thì cô ấy quát lại. Vì tính hiền lành nên tôi đành chịu thua, những lúc chờ đợi cô ấy chán lại lôi điện thoại ra chơi game, hút thuốc thì cô ấy cằn nhằn.

Vậy rồi có lần công ty cử tôi sang giám sát công trình cách công ty 12km, vì gấp quá tôi không kịp thông báo nên cô ấy phải bắt xe ôm về nhà. Tối đó, sau khi xong việc công ty, anh em rủ nhau đi nhậu, vừa về đến nhà đã thấy cô oang oang quát tháo. Biết có lỗi nên tôi không nói gì, định vào nịnh vợ, mới tới cửa phòng đã ăn ngay cái gối vào đầu, rồi một loạt các câu hỏi, câu mắng. Nói đến mắng chửi người khác thì chắc cô ấy thuộc vào hàng nhất. Chửi chua ngoa, cay nghiệt vô cùng, chắc chỉ có người đàn ông “câm điếc” như tôi mới nhịn nhục được 3 năm trời.

Xong vụ đó, hai vợ chồng nói với nhau rõ ràng về chuyện đi lại, nhưng cô ấy nhất quyết không chấp nhận đi 2 xe, vì cho rằng lãng phí. Một lần nữa tôi đành nghe theo. Mấy tháng đầu sau khi lĩnh lương, cô ấy còn nhân nhượng để lại trong ví 500.000 để tôi tiêu vặt, về sau cô ấy nói: "Đàn ông chân chính là ra đường trong túi không có một xu, đến công ty cần tiêu gì cứ gặp em…”. Không biết nói gì hơn, tôi ngậm câm giao hết tài khoản cho vợ.

Mỗi khi đi làm, vì trong ngành xây dựng, tôi hay ngồi uống trà đá hay hút điếu thuốc với bạn bè, họ lại bảo: “Để đấy tôi trả cho chứ chờ thằng Phúc lên công ty xin tiền vợ thì lâu lắm…”, những lúc như vậy tôi chỉ biết “giả điếc”. Sau đó, tôi ít tham gia các cuộc tụ tập, liên hoan với bạn bè hơn. Tụi bạn cũng phớt lờ tôi vì sợ bị vợ tôi “chửi”.

Sức chịu đựng của con người có hạn, từ một người đàn ông tự do, thích làm gì thì làm, ăn tiêu ra sao thì tiêu, tôi bỗng dại dột "đeo còng" vào tay, lấy vợ để giờ ai cũng nói tôi bám váy vợ, sợ vợ hơn sợ mẹ… Bạn bè xa lánh như xa lánh một “con hủi”. Đến cơ quan có “trót” ngắm nhìn cô gái nào là y như rằng cô ấy không cần giữ thể diện, mắng chồng ngay tại đấy.

Chịu đựng 3 năm quá đủ, gần đây lúc nào tôi cũng có suy nghĩ phải ly hôn, không thể mãi sống cảnh tù túng, sống sau bóng vợ. Hơn nữa, chúng tôi vẫn đang trong thời gian kế hoạch, chưa sinh con, nên chuyện ly hôn cũng dễ dàng hơn, không có ràng buộc gì ở đây. Giờ mối lo ngại, quan tâm của tôi là việc sẽ đối mặt với nhau ở công ty như thế nào sau khi ly hôn; và biết ăn nói ra sao với bố mẹ. Bởi ông bà đã quá kỳ vọng vào hai vợ chồng. 3 năm qua tôi vẫn cố gắng tỏ ra hạnh phúc bên vợ vì không muốn bố mẹ lo lắng. Tôi có nên ly hôn không?

 Theo Đời sống và Pháp luật