Dòng sự kiện:

Dấu ấn cuộc đời và sự nghiệp của nghệ sĩ ưu tú Phạm Bằng

14:56 01/11/2016
Tối 31/10, nghệ sĩ Phạm Bằng đã qua đời ở tuổi 85. Hình ảnh người nghệ sĩ già tận tụy mang tiếng cười cho khán giả sẽ còn sống mãi trong lòng người yêu mến ông.

Tiểu sử của nghệ sĩ Phạm Bằng

NSƯT Phạm Bằng sinh 1931, quê gốc ở Hà Nội. Ông là Nghệ sĩ ưu tú, nổi tiếng là diễn viên kịch, diễn viên hài. Phạm Bằng đỗ trường Cao đẳng Giao thông Công chính vào năm 1955. Trong quá trình là sinh viên của trường ông cũng từng tham gia đóng kịch. Tuy nhiên đến năm 1956, lúc đó ông đang học năm 2 thì phải nghỉ học bởi lý do gia đình.

Nghệ sĩ Phạm Bằng khi còn trẻ

Khi biết Phạm Bằng chọn nghề diễn viên, mẹ ông đã dứt khoát không đồng ý. Trong suốt những năm đi diễn của mình, ông chưa bao giờ thấy mẹ vui và đến rạp xem.

Năm 1959, Phạm Bằng tham gia đoàn kịch nghiệp dư của nhà thơ Hoàng Cầm. Sau đó ông được nhà nước tuyển thẳng vào học tập tại trường Đại học Sân khấu khóa I, tuy vậy chàng thanh niên trẻ tuổi gốc Hà thành khi đó lại lựa chọn con đường vào đoàn văn công Hà Nội. Vào văn công vừa được học, vừa được diễn, lại vừa có thêm tiền phụ giúp gia đình trong khi vào trường Sân khấu phải trả tiền học phí. Tôi không còn lựa chọn nào khác hơn. Thời kì ấy, gia đình tôi quá nghèo khó, mặt khác tôi lấy vợ trong khi chưa có việc làm”, người nghệ sĩ từng chia sẻ.

Tháng 12 năm 1959, Phạm Bằng chính thức tham gia vào Đoàn văn công Hà Nội. Năm 1964, đoàn kịch Hà Nội cùng các đoàn cải lương, đoàn chèo… được tách ra và bắt đầu hoạt động riêng. Phạm Bằng được đạo diễn Nguyễn Đình Nghi mời tham gia các vở diễn. Ông bắt đầu nổi tiếng với các vai phản diện. Sau đó, đạo diễn Trần Hoạt bắt đầu làm một vài tác phẩm kịch hài. Phạm Bằng cũng tham gia một vài tiết mục.

Cuối năm 1974, đầu 1975, Phạm Bằng chuyển sang đoàn kịch nói Trung ương. Hơn chục năm từ khi vào nghề, cuộc sống của Phạm Bằng rất vất vả.

Sau khi "đứng vững" trên sân khấu, Phạm Bằng truyền nghề diễn chính kịch bằng việc dạy dỗ một số anh em cùng đoàn.

Chương trình Gặp nhau cuối tuần là nơi thực sự đưa nghệ sĩ Phạm Bằng đến với công chúng một cách sâu rộng. Từ năm 2006 đến 2010, nghệ sĩ Phạm Bằng đi diễn liên tục.

Ông còn được người hâm mộ nhớ đến bởi quán bánh trôi tàu ở 30 Hàng Giầy, Hà Nội. Tuy nhiên do đợt ốm trong khoảng thời gian 2012-2013, ông nghỉ bán quán.

Vợ của Phạm Bằng kém ông 8 tuổi, làm nghề bán bánh trôi tàu. Ông cho rằng bà góp 98% vào thành công của mình. Sau khi bà mất, ông bị khủng hoảng tinh thần một thời gian. Ông bà có bốn người con: ba người con gái và con trai út. Hai người con trưởng thành đã đi xa mỗi người một phương, ông sống với con gái thứ ba.

Những vai diễn ấn tượng của Phạm Bằng

Suốt 57 năm hoạt động nghệ thuật, ông để lại nhiều vai diễn ấn tượng cả trên sân khấu lẫn truyền hình. 


Vai Lý Trưởng trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (của Lưu Quang Vũ) và vai Thương trong “Mớ đời Thương” (của Tất Đạt) là hai vai diễn để đời của ông, với một vai phản diện, một vai bi hài mà không ai có thể thay thế được. Với hai vai diễn này, ông từng đoạt hai huy chương vàng trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc .


Tuy vậy, ông chỉ được biết tới rộng rãi khi tham gia các vai hài trong chương trình "Gặp nhau cuối tuần". Phạm Bằng gây thích thú khi hóa thân thành ông sếp ưa xu nịnh trong tiểu phẩm "Chuyện của sếp". Nhân vật của ông liên tục gặp phải rắc rối do hai cấp dưới là Thắng "vẹo" (Quang Thắng đóng), Khánh "râu" (Quốc Khánh) và cô bồ nhí Vân Dung gây ra.


Trong tiểu phẩm "Con dấu", Phạm Bằng vào vai cán bộ quan liêu, chuyên hạch sách người dân nhằm vụ lợi. Vở hài kịch này cũng lên án thói quen nhận tiền đút lót của một số cơ quan. Sự tung hứng giữa Phạm Bằng và Công Lý tạo ra câu chuyện vừa gây cười vừa thâm thúy.


Phạm Bằng hóa thân thành giáo sư Văn Ái, người thường giúp các bạn trẻ giữ gìn hạnh phúc gia đình. Tuy vậy, nhân vật này không giải quyết được chuyện của bản thân. Vở kịch gửi tới khán giả thông điệp hãy luôn biết yêu thương, lạc quan và chăm chút cho mái ấm của chính mình.


rong "Phép vua thua lệ làng", Phạm Bằng vào vai một cán bộ có cách xử lý tình huống cứng nhắc, gây khó khăn cho người dân. Vở hài kịch có sự tham gia của các diễn viên như Thanh Dương, Tự Long, Văn Hiệp...  Tác phẩm phản ánh thói quen xấu của một số người có quyền chức, hay tự đặt ra luật lệ để làm khó những người xung quanh.


Với tác phẩm "Tường rào", Phạm Bằng cùng các nghệ sĩ Thu Hương, Thanh Tú, Thanh Dương, Nam Cường phản ánh thực trạng tranh giành đất đai giữa một số hộ dân. Phạm Bằng vào vai ông chồng nhát gan nhưng khoác lác, bị cuốn vào cuộc chiến giữa hai gia đình nhằm giành vài tấc đất. 


Vở kịch "Bệnh thành tích" lên án thực trạng công trình kém chất lượng cũng như ý thức xuống cấp của một số nhà quản lý. Phạm Bằng vào vai viên chức cao trong một cơ quan. Người này ra sức chê bai các nhân vật xung quanh ham mê theo đuổi thành tích nhưng chính ông cũng mắc phải. 


Vở kịch "Khói thuốc" gửi tới khán giả thông điệp về tác hại của thuốc lá. Những tình huống trái khoáy của hai ông chồng nghiện thuốc do Phạm Bằng và Thanh Dương thủ vai mang đến nhiều tiếng cười cho khán giả.


Trong vở "Góp giỗ", Phạm Bằng vào vai người chồng sợ vợ học cách ra uy với bà xã. 

Nguyên Thảo (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam