Dòng sự kiện:

Đau đầu giải mã tiếng cười khanh khách của bé

21:48 01/09/2015
Nhà khoa học Addyman tin rằng ta có thể dùng tiếng cười để biết được chính xác trẻ sơ sinh hiểu thế giới như thế nào.

 

 

Câu hỏi cái gì làm trẻ em cười có vẻ là một trong những câu hỏi khôi hài để một nhà nghiên cứu tìm hiểu. Nhưng nhà khoa học Caspar Addyman thuộc Đại học London (Anh) đã thực sự nghiêm túc đi tìm câu trả lời.

Ông đã tiến hành điều tra hơn 1000 cha mẹ trên thế giới, hỏi họ khi nào, ở đâu và vì sao trẻ sơ sinh cười.

Câu trả lời là: Cái mỉm cười đầu tiên là khi trẻ được 6 tuần. Trẻ cười ra tiếng lần đầu tiên là khoảng 3,5 tháng. Trò chơi ú òa là trò ưa thích chắc chắn làm trẻ cười. Nhưng cù lét mới là lý do phổ biến nhất khiến các bé cười khanh khách.


Quan trọng hơn, ngay từ lần đầu tiên bật cười, trẻ đã có tương tác với người lớn và những gì họ làm. Nếu chỉ đơn thuần có cảm giác cù lét trên da thì bé sẽ không cười, mà phải có sự tham gia của người lớn. Nói một cách ngắn gọn, trẻ cười vì có bố mẹ cù chứ không phải vì được cù. Giống như khi tập đi hay tập nói, tiếng cười của trẻ có tính xã hội. 

Trẻ sơ sinh không cười khi thấy ai đó ngã. Chúng thường dễ cười hơn khi chính bản thân chúng ngã, hoặc khi thấy những người khác vui vẻ.

Cả bé trai lẫn bé gái đều thấy bố và mẹ chúng khôi hài như nhau.

Addyman đang tiếp tục thu thập số liệu và ông hy vọng rằng khi mà các kết quả rõ nét hơn thì ông có thể phân tích để chứng minh tiếng cười tìm ra bằng chứng về sự phát triển của trẻ sơ sinh hiểu biết thế giới như thế nào, sự ngạc nhiên của trẻ sẽ nhường chỗ cho sự tiên đoán như thế nào, thí dụ như khả năng nhớ vật thể bắt đầu hoạt động như thế nào.

Tuy nhiên điều lạ lùng là chủ đề nghiên cứu tiếng cười trẻ sơ sinh lại không được chú ý, Addyman nói. Theo ông nguyên nhân chủ yếu vì nó không được nhìn nhận như một chủ đề để khoa học ‘đích thực’ để nghiên cứu.

Addyman hy vọng định kiến này sẽ thay đổi, đó không phải trò đùa và không nên bị quên lãng.

Nhuệ Giang (Theo BBC)

Nguồn: Người đưa tin