Dòng sự kiện:

Dấu hiệu cảnh báo bé chậm phát triển ngôn ngữ theo từng giai đoạn

Theo Phununews
13:06 27/06/2018
Con chậm nói chỉ là tạm thời hay là bệnh lý, nên chờ con thêm chút nữa hay đưa con đi khám?

“Mon nhà mình gần 2 tuổi nhưng mới chỉ nói được từ đơn như bà, bố, mẹ,… thỉnh thoảng nói được một vài từ ghép. Nhìn thấy con các mẹ biết nói cả câu dài mà mình thấy lo lắng cho Mon quá” – Chị Dương (Mỹ Đình) bày tỏ. 

Chị Dương cũng cho biết thêm, nhiều lần muốn đưa con đi khám thì lại nhận được sự an ủi của các mẹ bỉm sữa “chỉ là chậm nói một chút thôi, chờ con lớn thêm một chút nữa con sẽ nói như súng liên thanh cho mà xem”, mình lại cố chờ, theo dõi con thêm một thời gian.

Không chỉ chị Dương mà còn rất nhiều mẹ có con trong độ tuổi học nói đều mang tâm trạng băn khoăn, lo lắng khi con chậm nói hơn các bạn đồng trang lứa, nhưng lại không có một bảng quy chiếu nào để đánh giá tình trạng chậm nói của con là bình thường hay bệnh lý, cần đến sự can thiệp của y học.

Theo y học, ngôn ngữ là phương tiện để thể hiện và tiếp nhận thông tin thông qua lời nói hoặc cử chỉ (ngôn ngữ tín hiệu, ngôn ngữ cơ thể). Chậm phát triển ngôn ngữ là khi ngôn ngữ của trẻ phát triển theo đúng trình tự nhưng tốc độ chậm hơn.

Lời nói là phương tiện giao tiếp bằng lời, thể hiện bằng âm thanh. Khi trẻ phát âm nhưng người khác không hiểu hoặc trẻ bị nói lắp, nói ngọng thì đó là biểu hiện của việc rối loạn ngôn ngữ.

Bác sĩ Trần Thu Thủy, bệnh viện Nhi Trung ương, khoảng 1/5 trẻ em nói hoặc sử dụng từ ngữ chậm hơn so với các bạn đồng trang lứa. Chậm nói đôi khi chỉ đơn thuần mang tính tạm thời, và tình trạng này có thể mất đi khi trẻ nhận được sự trợ giúp tích cực từ gia đình.

Có một số bé thậm chí còn có biểu hiện rối loạn hành vi do nổi cáu vì không có khả năng thể hiện điều mình muốn nói. Bố mẹ cần danh nhiều thời gian nói chuyện, với với trẻ, động viên trẻ diễn đạt bằng cử chỉ hoặc âm thanh khi không thể diễn đạt bằng lời nói.

Còn những trẻ cần đến sự trợ giúp của các chuyên gia là khi trẻ nghi ngờ mang những dấu hiệu của các tình trạng bệnh lý nghiêm trọng hơn như chậm phát triển trong các lĩnh vực khá, bị mất thính lực hoặc có thể là bị tử kỷ,…

Dấu hiệu cảnh báo bé chậm phát triển ngôn ngữ theo từng giai đoạn, bố mẹ có thể dựa vào đây để đánh giá tình trạng của con.

Trẻ từ 3-4 tháng: Không phát ra âm thanh gừ gừ khi chơi, nói chuyện với người khác. Khi 4 tháng, trẻ biết gừ gừ nhưng không biết bắt chước các âm thanh. Không phản ứng với tiếng động.

Trẻ 7 tháng: Không đáp ứng với tiếng động. 

Trẻ 12 tháng: Không giao tiếp với người khác bằng cách sử dụng âm thanh, lời nói hay cử chỉ, kể cả khi cần giúp đỡ hay mong muốn điều gì đó. Không biết nói từ đơn như bà, bố, ba hoặc phát ra các phụ âm p/b. Không biết vẫy tay tạm biệt, lắc đầu, chỉ tay. Không phản ứng khi được gọi tên, chào, tạm biệt. Không quan tâm đến mọi thứ xung quanh.

Trẻ 15 tháng: Không hiểu và phản ứng với các từ như “không”, “tạm biệt”… Không nói được từ nào. Không chỉ vào đồ vật khi được hỏi. Không có biểu hiện nhờ, mong muốn người khác đáp ứng như là chỉ hoặc nhìn vào đồ bé thích và nhìn mẹ/bố… 

Trẻ 18 tháng: Không thể chỉ vào vài bộ phận của cơ thể hoặc đồ vật khi được yêu cầu. Chưa nói được 6 từ, gồm các từ đơn giản như “mẹ”, “bế”, “bố”… Không biết chỉ vào đồ mình muốn hoặc thể hiện sự cần giúp đỡ với người khác. Không hiểu các câu dạng mệnh lệnh như “không được chạy!” hoặc câu hỏi như “cái gì đây?, “mũ con đâu?”…

Trẻ từ 19-24 tháng: Vốn từ mới không đạt 1 từ/tuần, tổng số từ nói được chưa được 15 từ. Không tự nói ra lời – thể hiện sự suy nghĩ của bé mà chỉ nhại lại lời nói của người khác. Không thực hiện được những cuộc hội thoại đơn giản với các câu gồm 2 từ ví dụ “chào con”, “mẹ bế”, “tạm biệt”… Không thể hiểu và trả lời các câu hỏi đơn giản như “con ăn nữa không?” “mẹ đi đâu rồi”…

Không biết tự chơi một mình, tự nói chuyện một mình, không biết bắt chước hành động, lời nói của người khác. Không chỉ đúng đồ vật được gọi tên, không biết các vật dụng đơn giản trong nhà (bát, đũa, lược, bàn chải) dùng để làm gì.

Lưu ý: Ở độ tuổi này, khoảng 1/5 trẻ em có thể có dấu hiệu chậm nói nhưng sau đó nhiều trẻ lại theo kịp các bạn.

Từ 25 – 35 tháng: Không nói được câu có 2-4 từ, không kể được tên các bộ phận trên cơ thể, không biết đặt các câu đơn giản hay nói những câu được lặp đi lặp lại nhiều lần. Không thể giao tiếp với ai trong nhà.

Trẻ 3 tuổi: Không sử dụng các đại từ nhân xưng như con, mẹ, bố, bà... Không nói, không hiểu, không trả lời được các câu ngắn như: con muốn ăn nữa, con muốn ăn gì, treo mũ lên…

Trẻ có thể nói nhưng lời nói rất không rõ ràng, nói lắp bắp, khiến không ai có thể hiểu. Trẻ không đặt câu hỏi, không quan tâm đến mọi thứ xung quanh, không tương tác với trẻ khác. Trẻ bám bố mẹ. 

Trẻ 4 tuổi: Trẻ chưa thể phát âm thành thục phần lớn các phụ âm. Chưa phân biệt được “giống nhau” và “khác nhau”. Không biết sử dụng đại từ “con” và “mẹ” đúng cách.

Trên đây là một số những tiêu chí để cha mẹ có thể tham chiếu tình trạng chậm nói của con mình. Những bất thường về âm thanh, ngôn ngữ cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để cả thiện khả năng giao tiếp của trẻ.

Nếu bé có những biểu trên, bố mẹ cần kiểm tra khả năng lắng nghe của con. Nếu bé vẫn nghe tốt thì cần đưa bé đi khám chuyên khoa về sự phát triển nghôn ngữ của bé. Nếu trẻ bị mất một số kỹ năng mà trước đó bé học được, bố mẹ cũng phải thông báo với bác sĩ.

Nếu trẻ có các biểu hiện nêu trên, việc đầu tiên cha mẹ cần làm là kiểm tra khả năng nghe của con. Kể cả nếu bé có vẻ vẫn nghe tốt cũng không nên chủ quan vì trẻ em rất giỏi đoán biết dựa vào hình ảnh và cử chỉ. Khiếm khuyết về nghe cần được phát hiện sớm để can thiệp kịp thời. 

Nguồn: Gia đình Việt Nam