Dấu hiệu phân biệt trẻ hiếu động và tăng động
Phân biệt trẻ hiếu động và tăng động
Trẻ em đang ở giai đoạn phát triển trí tuệ nên thường thích khám phá thế giới xung quanh. Trong quá trình này, các bé phải sử dụng 5 giác quan kết hợp với hành động để tiếp cận với môi trường. Sự phát triển trí tuệ ở trẻ nhỏ có được là nhờ sự cảm nhận của giác quan kết hợp với hoạt động nên còn gọi là “trí khôn giác động”.
Chẳng hạn, một em bé 2 tuổi nhìn thấy quả cam màu vàng hình tròn, sờ vỏ sần sùi, ngửi có mùi thơm. Khi mẹ bổ cam ra, bé nhìn thấy những múi cam. Sau đó, được uống nước cam thấy vị chua ngọt mát. Vậy là thông qua các giác quan nhìn – sờ – ngửi – nếm, bé đã biết được các thuộc tính cơ bản của quả cam. Sau này, khi được mẹ nhắc đến từ “quả cam” là trẻ sẽ biết quả cam có hình dạng thế nào và phải bổ ra thì mới ăn được.
Mọi thứ xung quanh đều mới lạ và kích thích trí tò mò nên trẻ hay sờ mó, đi lại, làm cái này cái kia…Việc trẻ luôn thích hoạt động là do tức động của sinh lý và tâm lý để thỏa mãn nhu cầu khám phá và từng bước phát triển tư duy. Một em bé được cho là hiếu động nếu bé hoạt động luôn chân luôn tay nhưng vẫn biết nghe lời, biết dừng lại đúng lúc, biết tự kiềm chế bản thân để tuân theo kỷ luật, nội quy.
Trẻ hiếu động thường ít nghịch trong môi trường mới lạ và thường chỉ nghịch ngợm khi ở nơi mà bé cảm thấy quen thuộc hoặc cho phép. Tình trạng trẻ hiếu động gặp nhiều ở trai hơn gái và có xu hướng giảm dần khi lớn lên. Hiếu động được cho là chấp nhận được và là đặc điểm phát triển tâm lý lứa tuổi của đa số các bé.
Bị cho là tăng động nếu như các bé không thể ngồi yên được quá 5 phút. Trẻ luôn cựa quậy chân tay hoặc leo trèo chạy nhảy ở những nơi không được phép, không chịu đi bộ mà chỉ chạy, nói to nói nhiều, la hét hoặc ăn vạ, khó kiềm chế sự xung động, không giữ được yên tĩnh khi người thân nhắc nhở, chơi hoặc làm một việc bỏ dở giữa chừng.
Những bé tăng động thường hay hấp tấp vội vàng, cảm thấy khó chịu khi phải chờ đợi và hay chen ngang vào câu chuyện của người khác. Dù ở môi trường hay hoàn cảnh nào, trẻ tăng động cũng nghịch ngợm, quậy phá không yên. Những bé tăng động càng bộc lộ rõ những thiếu sót của mình khi bắt đầu vào học tiểu học. Tăng động được cho là vượt ra khỏi sự phát triển tâm lý bình thường và cần được hỗ trợ can thiệp kịp thời của người lớn, gia đình và nhà trường.
Những vấn đề cần lưu ý khi giáo dục trẻ tăng động
- Gia đình nên thống nhất cách dạy con trẻ.
- Đưa ra những nội quy, quy tắc đơn giản rõ ràng, dễ hiểu và nhất quán.
- Xây dựng cho con nề nếp sinh hoạt, học tập để trẻ hình thành thói quen ngay từ đầu.
- Luôn khích lệ, động viên để trẻ cảm thấy tự tin.
- Khi con mắc lỗi, không nên vội đánh mắng mà cần tìm hiểu, hướng dẫn trẻ cách khắc phục.
- Bố mẹ phải biết kiềm chế kiểm soát cơn nóng giận của bản thân.
- Chia công việc ra thành những bước nhỏ để trẻ dễ thực hiện.
- Xây dựng chương trình kỷ luật tích cực đối với trẻ.
- Luôn giữ cho môi trường sống trong gia đình và xung quanh trẻ được ổn định, thân thiện.
Một số nguyên tắc dành cho trẻ tăng động
Ở nhà: Cha mẹ cần dạy trẻ có kỹ năng sinh hoạt tự lập như ăn uống, vệ sinh cá nhân…
Trẻ phải biết để các đồ dùng của bản thân ngăn nắp và đúng nơi quy định.
Không nên cho con xem tivi lâu và chỉ xem một số chương trình phù hợp.
Cho trẻ chơi các trò chơi tĩnh, xem sách, vẽ tranh, xếp hình, học đàn…
Không nên cho chơi trò chơi kích động bạo lực.
Cho trẻ tham gia, giúp đỡ bố mẹ một số việc nhà.
Trẻ cần được tham gia các hoạt động như đi xe đạp, đá bóng, đi bộ… để có sự điều chỉnh hài hòa giữa sự vận động thể lực với hoạt động tâm trí.
Đảm bảo giấc ngủ đủ thời gian cho con.
Tránh để trẻ uống các thứ nước ngọt có ga, hạn chế ăn những đồ ăn chế biến có phẩm màu, đồ hộp cá thịt…Nên khuyến khích con ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi.
Ở lớp học: Cần xây dựng nề nếp, nội quy lớp học cho trẻ:
Nên cho trẻ ngồi học xen kẽ với những bạn điềm đạm. Hạn chế tiếp xúc, gần gũi với nhóm trẻ hiếu động, tăng động dễ dẫn đến đùa nghịch la hét cùng lúc và mức độ sẽ nặng hơn.
Giao cho trẻ một số nhiệm vụ trong lớp học để trẻ hoàn thành. Đồng thời, luôn khích lệ, động viên trẻ thường xuyên.
Cho trẻ tham gia các trò chơi tương tác và giúp đỡ các bạn khác.
Khi trẻ mắc lỗi, nên nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng rõ ràng và dứt khoát, tạo cho trẻ cơ hội sửa chữa khuyết điểm.
Một số bài tập ở nhà để mẹ giúp trẻ
- Đi bộ cùng trẻ khoảng 30 phút vào mỗi buổi chiều.
- Xoa bóp tay, chân, mặt cho trẻ bao gồm những động tác như: xoa, bóp, ấn, vỗ khum, miết, ấn, chải…
- Với những trẻ dưới 3 tuổi, bạn nên chơi cùng con những trò chơi tĩnh như: sử dụng tranh ảnh, xếp những khối màu hình dạng khác nhau, bỏ khối vào hộp, lắp hình, giả vờ nói chuyện điện thoại đồ chơi, bấm phím đàn đồ chơi…
- Đối với trẻ 3 – 6 tuổi, bạn hãy hướng dẫn con vẽ tranh tô màu, cắt xé dán thủ công, chơi đất nặn, xâu hạt, ghép hình phức tạp hơn… để tạo cho trẻ tính kiên trì và ngồi yên được lâu hơn.
- Tham gia những trò chơi nhóm cũng có ích lợi vì trẻ biết hợp tác hơn. Dạy trẻ diễn đạt ngôn ngữ, hỏi chuyện thường xuyên, bảo bé kể chuyện… nhằm giúp cho trẻ phát triển ngôn ngữ và giao tiếp.
Việc giúp đỡ trẻ tăng động cần sự kiên trì và trong thời gian dài. Hướng trẻ vào những hoạt động có tổ chức, có mục đích, tạo điều kiện cho trẻ hoàn thành nhiệm vụ phù hợp với khả năng. Nếu việc dạy trẻ khó khăn và ít hiệu quả, cha mẹ nên cho con đi khám tâm lý để được các chuyên gia, bác sĩ chuyên ngành trực tiếp tư vấn.
Ths.BS Quách Thúy Minh – BV Nhi TƯ/Theo Bau.vn
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua