Dạy con cảnh giác nhưng đừng quên mộng mơ 'phi lý'
Đã bao lâu rồi bạn chưa cùng bọn chúng nói ra những mộng mơ “phi lý”? Tôi hỏi vậy, thật ra là tự đặt câu hỏi cho mình, bởi vì tràn ngập trong những lời nói cùng con trong gia đình, họ hàng hay xóm giềng của tôi gần đây chỉ rặt những lời dạy con cảnh giác, rằng con cẩn thận kẻo bị kẻ xấu bắt cóc mổ lấy nội tạng, kẻ xấu sẽ sàm sỡ con… Chúng ta dạy con cảnh giác để con có thể phần nào tự bảo vệ mình nhưng đồng thời chúng ta cũng phá hủy luôn những mơ mộng trẻ thơ - tồn tại rất ngắn ngủi - của con mình.
Truyền thông đầy những thông tin tiêu cực, nhiều đến mức làm cho tôi nghĩ nếu mình nói điều gì mơ mộng với con cháu mình là đồng thời mình đẩy chúng vào chỗ chết, khiến cho đầu óc tôi cũng chỉ quẩn quanh những điều tiêu cực nên quên luôn những lời đẹp đẽ cần nói với lũ trẻ con nhà mình.
Cho đến khi, tôi chở thằng nhóc nhỏ trên xe, con chỉ trên bầu trời và nói: 'Có con sư tử kìa cô', một chặp thì lại: 'A, con chim đang bay về nhà' thì tôi giật mình, ừ thì thôi ta cứ tiếp tục mơ mộng cùng mấy đứa nhỏ. Có lẽ bất chấp sự bất an của người lớn, trẻ con vẫn cứ đắm chìm trong thế giới đẹp đẽ của mình.
Tôi nghĩ mình đã dạy lũ trẻ cách tôn trọng cơ thể mình và khiến người khác cũng phải tôn trọng, cách báo lại với người lớn khi con thấy có người làm cho con sợ hãi… còn làm thế nào để bảo vệ trẻ em là việc của người lớn chúng ta. Tôi không nỡ đem lũ trẻ của mình tham gia sâu vào 'công cuộc bảo vệ sự an toàn cho trẻ em' để chúng sống trong những ngày bất an. Ranh giới giữa việc đặt niềm tin và hãy cảnh giác mờ mịt quá.
Tôi cũng không biết bảo với lũ trẻ nhà mình thế nào cho đúng, và rồi tôi chọn cách cùng với bọn trẻ đặt niềm tin nhiều hơn vào người khác. Bất trắc có thể xảy ra với lũ trẻ nhà mình, dĩ nhiên chứ sao loại trừ được, nếu có, tôi sẽ cùng con giải quyết tai nạn đã xảy ra với gia đình mình - tai nạn của cả gia đình chứ không phải riêng con - cả nhà sẽ cùng cố gắng để vượt qua khó khăn đó.
Trẻ con chắc là quên nhanh hơn người lớn, có lẽ chúng bận rộn với thế giới trời mây của mình hơn là các khái niệm về bắt cóc và xâm hại tình dục. Tôi với cô bé cháu học cấp II trầm trồ về lâu đài của chàng hoàng tử bị biến thành quái vật, mà ở đó tất cả các vật dụng đều hoạt động và biết nói. Cô bé còn ước gì khi mình về nhà thì cánh cửa sẽ tự mở ra và chào đón mình.
Xong, chúng tôi lại nói về hình ảnh bạn Mận ngồi phơi ngón tay cho khô trong truyện Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và cùng lắng nghe một cậu cháu khác nói về những tiểu tinh cầu của Hoàng Tử Bé. Rồi chợt nhớ đến một cuốn sách khác, cậu bé nói: 'Con cứ tưởng tượng thằng nhỏ trong truyện Vừa nhắm mắt vừa mở của sổ lúc nào cũng mặc quần đùi đi bắn dây thun và kể chuyện cho mấy đứa nhỏ hàng xóm nghe. Nếu nhà mình có một vườn hoa thì không biết con tập nghe được các mùi hoa không nhỉ?'. Đó là một buổi đi uống cà phê nói chuyện sách của cô cháu tôi nhân lúc xem bộ phim Người đẹp và quái vật.
Từ nhỏ tới giờ, tôi và lũ trẻ nhà mình luôn thoải mái nói về những điều… phi lý nhất, cãi nhau vì những thứ vớ vẩn nhất mà không ngượng nghịu. Chúng tôi cùng nhìn lên bầu trời và mỗi người nói xem mình thấy gì, đám mây kia hình con lân, con rồng, ngọn núi… Thỉnh thoảng mấy cô cháu cùng giặt đồ bằng tay, bọt xà bông thường văng ra khỏi thau mỗi khi chà bằng bàn chải và lúc nào lũ nhỏ cũng hình dung ra các loại hình thù rồi reo lên 'a…' cái này, 'a…' cái kia.
Khi về quê, bọn chúng cứ thích vẩy nước lên vách tường cũ ở ngay giếng nhà nội rồi đố xem nó ra hình gì, nào là các cô gái, nào là một 'dây' người - chữ của lũ nhỏ khi tưởng tượng đó là hình có rất nhiều người mà người này đứng trên vai người kia. Các loại hình thù trong tưởng tượng quyến rũ chúng tôi và cô cháu lắm khi cãi nhau vì các hình thù của những đám hay những vệt nước, bọt xà bông ấy. Rồi mấy đứa nhỏ này lớn lên lại mải mê nói về những điều… phi lý với những đứa em của mình.
Hôm về quê nội, tôi chở hai đứa nhỏ trên xe máy, đi ngang qua đồng ruộng, đứa lớn đố đứa nhỏ đoán xem con bù nhìn mỗi ngày đuổi được mấy con chim bay xuống ăn lúa, đứa nhỏ không chịu đoán mà mếu máo tại sao bù nhìn lại đuổi chim đi, rủi chim đói bụng thì sao, rồi hai anh em lại chuyển sang chuyện mấy chú cò trên ruộng sẽ bay về đâu, nhà chúng ở đâu, có mấy anh em cò… rồi chúng 'lầy lội' tưởng tượng luôn ra một làng cò trắng với các gia đình cò, có trường học cò, cô giáo cò, bác sĩ và cảnh sát cò và 'phân vai' anh là cảnh sát cò em làm bác sĩ… Lúc nào tôi cũng thích nghe câu chuyện của mấy anh em chúng nó vì thế giới đó kỳ ảo, vui nhộn và trong trẻo quá.
Đứa trẻ nào mà không mơ mộng, chỉ là người lớn vì vô tình hay cố ý kéo chúng về phía những câu chuyện phũ phàng, thậm chí là vẽ ra mọi thứ còn xấu xa hơn thực tại hoặc cười cợt thế giới mộng mơ của con mà làm cho thế giới ấy nhanh chóng bị xóa nhòa. Trẻ con, hãy để chúng thấy cây táo đã nở hoa, rãnh nước vẫn trong veo.
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- 10 quy tắc nuôi dạy con thành công của ông bố nổi tiếng
- 10 nguyên tắc nuôi dạy con của công nương Kate Middleton
- 4 bí quyết dạy con của người Do Thái mà các mẹ Việt nên học hỏi
- Video: Học cách dạy con gái tránh bị xâm hại của vợ cũ của Huy Khánh
- Sao Việt dạy con cách tránh khỏi nạn ấu dâm như thế nào?
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua