Dạy con Tết không phải... 'mùa thu hoạch' tiền lì xì
Buổi sáng sớm đi tập thể dục trong công viên, tôi nghe hai bà cụ vừa đi bộ vừa nói chuyện:
- Con chúng tôi đều phương trưởng có công ăn việc làm ổn định, cứ năm hết Tết đến là họ hàng, bạn bè, xóm giềng tấp nập đến nhà chúc Tết, rồi gia đình cũng “rồng rắn” đi thăm hỏi những người thân thích. Chúng lên kế hoạch cho con trẻ như một dịp để “thu hoạch” tiền lì xì Tết như: mua bóp đầm cho bé gái, ví da cho bé trai để đựng tiền mừng tuổi, bắt học thuộc lòng những lời chúc tụng dài dòng để "câu" tiền lì xì, làm mất ý nghĩa sâu xa của tục lệ mừng tuổi này.
Tôi muốn nhắc nhở con cháu nên giữ gìn sự trong sáng của tục lệ mừng tuổi đầu năm mới, đừng biến con trẻ thành “máy” thu hoạch tiền mừng tuổi trong dịp Tết, nhưng lần nào đề cập đến cũng bị các con gạt đi bảo thời thế thay đổi, giờ ai cũng như thế, mình “trong sáng” thì sẽ “bị thiệt thòi”. Tôi nghe mà buồn quá…
- Đúng là cuộc sống thay đổi rồi bà ơi, nhớ ngày xưa mỗi khi năm hết Tết đến, đêm trước Giao thừa lũ trẻ thức quanh bếp lửa canh nồi bánh chưng sôi sùng sục cùng với những câu chuyện ma, sáng mồng Một mặc quần áo mới, sung sướng khoe nhau phong bao mừng tuổi màu điều trong có vài tờ tiền lẻ còn mới cứng? Tiền mừng tuổi ngày đó giá trị vật chất nhỏ nhưng giá trị tinh thần lớn lắm, không như bây giờ…”.
Quả thật, những năm gần đây, chuyện mừng tuổi trẻ con đã bị một số người lớn biến thành việc “đi Tết” bố mẹ chúng thì đúng hơn. Nhiều vị khách đã làm hư trẻ con bằng cách đưa cho đứa trẻ phong bì đỏ dày cộp tiền, thậm chí cũng chẳng cần phong bì mà đưa thẳng luôn đôla hoặc những tờ tiền polymer mệnh giá lớn, hoặc dúi cho bố mẹ chúng "cầm hộ".
Do vậy, trẻ con thời nay cũng nhanh chóng học được cách tiêu tiền, nên nhiều bé đã phân chia rạch ròi “tiền của con” và “tiền của mẹ”. Có trẻ thấy khách đến nhà vội ra xếp hàng chờ… lĩnh tiền. Có trẻ chào khách xong, cứ khoanh tay đứng bên cạnh chờ “thủ tục” tiếp theo khiến nhiều vị khách lúng túng. Có trẻ xé ngay phong bao lì xì vứt ra sàn nhà, rút tiền bỏ vào ví.
Ảnh minh họa
Ngẫm lại, Tết cũng là dịp để người lớn, đặc biệt là bố mẹ giáo dục cho trẻ thêm nhiều giá trị của cuộc sống. Tết cổ truyền là dịp xóm giềng, bạn bè đồng nghiệp của cha mẹ đến nhăm nhà. Đồng thời bé cũng sẽ cùng gia đình mình đi gặp gỡ nhiều người thân, họ hàng và chúc Tết ông bà. Vì vậy, bé phải cư xử sao cho xứng đáng là một bé ngoan trong mắt mọi người. Bài học đơn giản nhất mà người lớn cần cho trẻ thấy là một em bé ngoan luôn biết chào hỏi, thưa gửi lễ phép với người lớn và hòa đồng với các bạn.
Ông bà, bố mẹ có thể dạy bé thông qua trò chơi đóng vai để bé được tập dượt một số tình huống, chẳng hạn khi khách đến nhà, đừng đợi cha mẹ phải nhắc, bé nên tự giác khoanh tay chào và đáp lại những câu hỏi của khách, không nên nói lý nhí, nói liến thoắng, vì nhiều bậc lớn tuổi nghe hơi khó. Khi bé nhận được phong bao lì xì, bé đưa hai tay nhận, nói: “Con xin cảm ơn” và không được mở bao lì xì ngay ra trước mặt khách, chào hỏi xong bé nên “rút lui” để người lớn nói chuyện. Cha mẹ cũng cần giải thích cho bé việc cư xử lễ phép là nét đẹp đáng khen, không phải để được thưởng hay được nhận quà.
Khi tham gia trò chơi “đóng vai”, có lúc bé vào vai người tới thăm và mừng tuổi, có lúc bé đổi vai thành người nói lời chúc mừng và nhận quà, bé sẽ nhanh chóng và dễ dàng học được cung cách ứng xử, nói năng, các mẩu đối thoại lịch sự trong các tình huống cụ thể (với bậc ông bà, cha chú, hàng xóm, thủ trưởng cơ quan…). Qua đó, ông bà cũng phát hiện ra những khuyết điểm của bé để uốn nắn kịp thời, như nói trống không, nói ngọng, nói lắp, dùng từ chưa chính xác, thái độ cử chỉ lệch chuẩn…
Trẻ con là bản sao của người lớn. Muốn dạy trẻ con điều gì, người lớn nên làm gương trước. Ông bà cũng nên nhắc khéo cha mẹ, nếu các bậc phụ huynh này “vô tư” kể trước mặt con trẻ những câu chuyện tiền bạc phức tạp của thế giới người lớn. Đặc biệt, người lớn phải ý thức được rằng, Tết là dịp để trẻ vui chơi, nhận những lời chúc tốt đẹp từ mọi người chứ không phải là một “cỗ máy” giúp bố mẹ lấy lại “vốn” tiền mừng tuổi đã bỏ ra mừng tuổi cho người khác, hay “kiếm lời” từ tiền mừng tuổi của trẻ.
Ths - Bs Lan Hải/ PNTĐ
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Các nguyên tắc cha mẹ cần tuân thủ khi dạy con làm việc nhà
- Các nguyên tắc cha mẹ cần tuân thủ khi dạy con làm việc nhà
- Làm từ thiện và dạy con cách giúp đỡ người khác
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua