Dòng sự kiện:

Đêm nay, ngắm mưa sao băng lớn nhất năm ở Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng thế nào?

18:43 11/08/2016
Nếu điều kiện thời tiết tốt thì ở Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng hoàn toàn có thể quan sát tốt hiện tượng mưa sao băng vào khoảng 1-2h sáng 12/8.

Thời điểm mưa sao băng đẹp nhất ở Việt Nam

Mưa sao băng Perseid thường diễn ra vào khoảng tháng 8 hàng năm, khi Trái Đất đi xuyên qua phần đuôi gồm những mảnh vỡ do một ngôi sao chổi cổ đại để lại. Dự báo thời tiết đang dự đoán về một lần bùng nổ của Perseid năm nay với số lượng sao băng gấp đôi bình thường vào đêm ngày 11 - 12/8. Ở Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể quan sát tốt được hiện tượng này.

Tiến sỹ Phạm Tuấn Anh – Phòng Vật lý Thiên Văn và Vũ trụ (Trung tâm Vệ tinh Quốc gia) cho biết, nếu điều kiện thời tiết tốt thì chúng ta hoàn toàn có thể quan sát tốt hiện tượng mưa sao băng. Ở Hà Nội thì thời điểm quan sát tốt nhất là khoảng 1-2h sáng ngày 12/8.

Mưa sao băng Perseid ngày 12/8/2012.

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch câu lạc bộ thiên văn học trẻ cho biết, thời điểm quan sát mưa sao băng tốt nhất ở Việt Nam là đêm 11, rạng sáng 12/8 và đêm 12, rạng 13/8. Tuy nhiên, theo cơ quan khí tượng, nhiều khả năng các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng có thể khó quan sát do trời nhiều mây.

"Nếu thời tiết ủng hộ, người xem có thể chứng kiến cuộc bùng nổ với mật độ sao băng gấp đôi thông thường, lên đến 150 đến 200 vệt/giờ", ông Sơn nói và cho biết, những ngày lân cận trước và sau cực điểm vẫn có thể thấy một số đợt sao băng

Hướng quan sát mưa sao băng

“Hướng quan sát tốt nhất là hướng Bắc hơi chếch về phía Đông khoảng 30 độ bởi mưa sao băng nó nằm ở độ cao khoảng 30 độ so với phương ngang” – Tiến sỹ Phạm Tuấn Anh tiết lộ.

Theo các chuyên gia thì cách tốt nhất để quan sát mưa sao băng Perseid là đi ra ngoài vào lúc nửa đêm và bình minh ngày 12/8. Cho phép mắt bạn làm quen với bóng tối trong khoảng 45 phút. Nằm ngửa lưng ra và nhìn thẳng lên bầu trời.

Theo thông tin từ NASA, năm nay, Trái Đất có thể sẽ tiếp xúc với đuôi sao chổi này gần hơn so với bình thường và tạo ra cơn mưa sao băng với màn trình diễn ngoạn mục.

Bill Cooke từ Văn phòng Môi trường Thiên thạch của NASA ở Huntsville, Alabama cho biết “Trong điều kiện hoàn hảo, có thể lên tới 200 sao băng mỗi giờ.”

Một lần bùng nổ là một trận mưa sao băng với số lượng sao lớn hơn bình thường. Lần bùng nổ gần đây nhất của Perseid xảy ra từ năm 2009.

Mỗi sao băng Perseid là một mảnh nhỏ của ngôi sao chổi Swift – Tuttle có quỹ đạo vòng quanh Mặt trời trong 133 năm. Mỗi lượt vòng qua bên trong hệ mặt trời, nó có thể để lại hàng nghìn tỉ các hạt nhỏ trong vệt đuôi của mình. Khi Trái Đất băng qua con đường đầy các mảnh vỡ này của Swift – Tuttle, các hạt bụi do sao chổi để lại va chạm vào bầu khí quyển của Trái Đất và tan ra trong chớp sáng.

Theo chuyên gia Sarah Lewin của Space.com, những sao băng này được gọi là Perseid vì “chúng có thể xuất hiện trên khắp bầu trời, nhưng nhìn chúng luôn có vẻ như đang bay ra khỏi chòm sao Perseus”.

Đánh giá của các nhà thiên văn cho hay, trái Đất đi vào vùng quỹ đạo có các mảnh vụn của sao chổi Swift – Tuttle từ ngày 17 – 24/8 với đỉnh điểm của trận mưa sao băng này – khi Trái Đất khi vào vùng có nhiều hạt bụi nhất – là ngày 12/8. Điều này có nghĩa là bạn chỉ có thể nhìn thấy số lượng sao băng nhiều nhất trong một thời gian ngắn xung quanh đỉnh, nhưng bạn vẫn sẽ có thể nhìn thấy sao băng sau lúc đó.

PHONG GIAO/ Theo Gia đình Việt Nam