Đi làm ở xưởng gỗ nuôi con, người mẹ nghèo bị bọ cạp cắn gây nhiễm độc nặng
Chị Bích bị nhiễm độc bọ cạp, sốc thuốc phản vệ
Bà Nguyễn Thị Dương (52 tuổi, mẹ chị Bích) kể lại, sáng ngày 8/7, chị Bích đang lột vỏ cây thì bị bọ cạp cắn vào tay. Vì không có tiền nên chị không đến bệnh viện khám. Thấy đau chỗ cắn và bị sốt cao, chị tự mua thuốc uống. Không những không đỡ, vài tiếng sau, chị bị chóng mặt, toàn thân nổi đầy mụn nước. Sau đó, bọng nước bắt đầu lan rộng khắp người. Quá lo lắng, anh Trần Văn Khá (34 tuổi, chồng chị Bích) giục vợ lên khám tại bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí minh. Các bác sĩ xác định chị bị trúng độc nặng và sốc thuốc phản vệ.
Sau khi tìm ra được chất độc của bọ cạp, các bác sĩ đã lên phác đồ điều trị và khống chế được chất độc. Nhưng vì gia cảnh nghèo khó, không có tiền đóng viện phí, mẹ chị Bích định đưa con gái về nhà. Tuy nhiên, bệnh viện động viên hai mẹ con bà cố gắng “trụ” lại TP Hồ Chí Minh vì chị Bích đang trong giai đoạn dễ bị nhiễm trùng máu dẫn đến tử vong. Nhiều bác sĩ, y tá cũng ủng hộ tiền chữa bệnh cho chị Bích nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với kinh phí điều trị.
Quê ở Kiên Giang, cuộc sống quá vất vả, nghèo khó, vợ chồng chị Bích đem con đến Đồng Nai làm thuê ở một xưởng gỗ. Anh Khá, chồng chị Bích làm khâu ép cây, còn chị Bích lột vỏ cây khô. Thu nhập của hai vợ chồng cộng lại chỉ khoảng từ 140.000 đồng đến 170.000 đồng/ ngày. Thế nên khi hoàn thành công việc, chị Bích xin chủ xưởng cho mình đi làm thuê bên ngoài, ai thuê gì làm nấy để kiếm tiền nuôi con nhỏ. Lúc chị Bích nhập viện, trong túi chỉ vỏn vẹn có 400.000 đồng.
Những ngày qua, tới bữa, bà Dương phải đi xin cơm từ thiện. Bà nhường chị Bích ăn trước, chị Bích ăn không hết bà mới ăn phần còn lại. Thế nhưng chi phí điều trị quá cao so với thu nhập ít ỏi của gia đình. Đến gạc đắp vết thương, hàng ngày, bà cũng phải đi xin các bệnh nhân khác.
"Hai đứa nó nghèo nhưng siêng làm lắm, ai kêu gì cũng làm, nhưng Bích mới sinh con được 11 tháng nên hạn chế làm ngoài, nó vừa đi lột vỏ cây vừa trông con. Con nó ngoan lắm, mẹ đi làm, thằng nhỏ cũng đi theo rồi ngồi kế bên chơi, may mà hôm đó con nó không bị bọ cạp cắn, chứ nếu không thì tội lắm", bà Dương xót xa kể.
“Tôi sợ nhất là lúc tắm cho con, những lúc như thế máu ra thành dòng, da tuột ra từng mảng, nó khuyên tôi cho nó về để nhà đỡ tốn tiền, nhìn nó mà xót lắm. Chồng Bích hiện giờ ở quê lo cho hai đứa nhỏ cũng không đi làm được gì, gọi điện thoại tôi cũng kêu nó tiết kiệm vì giờ Bích rất cần tiền, hai đứa con còn quá nhỏ, đứa lớn chỉ 8 tuổi, đứa 11 tháng tuổi thì cứ khóc đòi mẹ. Nếu đưa nó về lúc này, chẳng khác nào bảo hai đứa con nó mồ côi mẹ, còn ở thì...".
Nằm viện điều trị nhưng chị Bích thường giấu mẹ khóc một mình vì lo lắng và thương con. Chị thì dư sữa, sữa chảy tràn phải vắt, trong khi con nhỏ ở quê khóc ngằn ngặt đòi mẹ vì khát sữa.
Hiện chị Bích đang rất cần sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để có thể “trụ” lại TP HCM trị bệnh, sớm đoàn tụ với chồng con.
Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ: phòng Chăm sóc đặc biệt, khu C, bệnh viện Da liễu (Q.3, TP HCM) hoặc qua SĐT: 01218 087864 (gặp bà Dương)
Theo bác sĩ Hà Anh Tuấn - khoa Hồi sức tích cực và chống độc, bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ, bọ cạp là loài động vật tám chân có khớp, đuôi có các tuyến nọc độc và một cái ngòi. Bọ cạp ở Việt Nam có độc tính không cao, nhiều người còn dùng bọ cạp ngâm rượu uống chữa chứng đau nhức. Những loài bọ cạp mang nọc độc gây chết người chỉ có ở châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ. Vết chích của bọ cạp Việt Nam thường gây sưng, nóng, đỏ và đau nhức trong vòng 12 giờ, nhưng không gây chết người. Có khi nạn nhân chỉ cảm thấy hơi bị ngứa rát ở chỗ bị cắn nhưng liền sau đó có người bị chóng mặt, đổ mồ hôi, chảy nước mắt, nước mũi, buồn nôn, cứng chân tay, nặng hơn là co giật toàn thân, bị rối loạn nhịp tim... Bác sĩ Tuấn khuyến cáo nếu bị bọ cạp hay côn trùng cắn (chích) phải xử lý càng sớm càng tốt, nếu để quá sáu giờ nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, đặc biệt với người cao tuổi và người bị suy giảm miễn dịch. Khi bị bọ cạp cắn cần làm sạch vết thương, sát trùng tại vết chích bằng Povidine 10% hoặc cồn 70 độ, chườm lạnh để giảm sưng. Uống thuốc giảm đau như aspirin, paracetamol... và thuốc kháng histamin H1 làm dịu như phenergan, chlorpheniram, diphenhydramin. Đôi khi phải dùng tới corticosteroid, dapson để cải thiện tổn thương da. Bác sĩ Tuấn còn cho biết nọc các loại chân đốt như rết, nhện, bọ cạp... có thể chứa chất độc thần kinh hoặc một men gây sưng phồng. Chúng có thể gây triệu chứng toàn thân như sốt, lạnh, nôn, ban da, ngứa, vàng da, co cứng cơ, đau chuột rút, cứng cả một vùng, nhiễm khuẩn. Các triệu chứng này không phải thường gặp, nhưng tốt nhất là sau khi sát trùng vết cắn, phải đến ngay bệnh viện để bác sĩ khám và xử lý. |
SÔNG THAO (tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin
Bật xi nhan nhưng không rẽ, xi nhan nhầm hướng có bị phạt không?
12 trường hợp dù đi đúng tuyến vẫn không được hưởng BHYT, 5 trường hợp trái tuyến lại được chi trả 100%
Ngành học "khó nhằn" nhưng không sợ thất nghiệp: Lương có thể tới 40 triệu đồng/tháng
Năm học 2022-2023: Học phí tại Hà Nội có thể tăng gấp đôi
Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua