Dòng sự kiện:

Dị ứng, hen xuyên vì không biết cách vệ sinh gối

21:02 13/07/2016
Nếu chúng ta nhìn chiếc gối mình ngủ hàng ngày dưới kính hiển vi thì sẽ thấy một hình ảnh gây sốc, đó là trên mỗi centimet vuông là một bãi chiến trường với ngổn ngang các con bọ (ve), nấm, gầu, da chết, tóc, dầu...

Thứ đầu tiên làm ổ trong gối của chúng ta là những con bọ ve. Chúng thường chỉ tạo ra vấn đề cho những người bị dị ứng, nhưng chắc chắn chúng không phải là điều bạn mong muốn được ngủ cùng. Hơn nữa, chúng có thể làm nặng thêm các dạng dị ứng nhẹ.

Trong một nghiên cứu do Đại học Manchester tiến hành vào năm 2005, với chủ đề là bệnh dị ứng, đã chỉ ra trên mỗi centimet vuông của một cái gối đã sử dụng nhiều năm ẩn chứa hàng ngàn bào tử nấm và nấm mốc. Trong số đó có aspergillus, một loại nấm nổi tiếng liên quan tới bệnh hen suyễn. Nhưng đấy chưa phải là hết. Những mảng da, tóc, dầu có trên gối, chúng bám chặt trên những sợi vải của gối. Và nếu điều này chưa đủ để bạn có thể nhìn thấy mặt tiêu cực, thì nên biết rằng ngủ trên một vật liệu bẩn như vậy có thể làm trầm trọng thêm sức khỏe của da, đặc biệt trong trường hợp bị mụn.

Không có một ý kiến nhất trí của các chuyên gia, nhưng có những nghiên cứu về sự cần thiết phải thay gối sáu tháng một lần, có nghiên cứu khác chỉ ra nên thay gối một năm một lần. Tuy nhiên, những lời khuyên thường được liên kết với các công ty sản xuất gối và đệm, dễ bị đề nghị một sự thay thế thường xuyên. Nói chung, các chuyên gia khuyến nghị vỏ gối nên được giặt sạch một lần sau 3 tuần.

Giặt gối đúng cách

Nhiều người sẽ lựa chọn phương pháp đơn giản nhất là cho vào máy giặt. Đó là một sai lầm, chiếc ruột gối của bạn sẽ bị hỏng một cách nhanh chóng. Vì khi sử dụng máy giặt dù là chế độ nào đi nữa vòng quay sẽ rất mạnh, kèm theo sử dụng nước lạnh, điều đó làm kết cấu bông sợi tự nhiên bị phá vỡ, điều đó làm chiếc gối bị lún xẹp, không còn độ đàn hồi và hình dáng ban đầu nữa. Vì vậy, tốt nhất là nên giặt bằng tay và bằng nước nóng.

Phải giặt bằng nước nước nóng mà không phải nước ấm, vì nước nóng sẽ diệt vi khuẩn tốt hơn. Sau đó hòa tan một lượng vừa phải bột giặt và dùng tay bóp nhẹ ruột gối tới khi sạch và xả lại bằng nước xả làm mềm vải để bảo vệ kết cấu của bông sợi và vải. Cuối cùng là dùng tay bóp lại các góc cạnh để cho ráo nước và đem phơi nơi khô thoáng.

Khi nào chúng ta nên thay ruột gối

Cách kiểm tra để nhận biết khi nào cần thay ruột gối như sau, bạn dùng tay nén ruột gối xuống (có thể gấp ruột gối lại và dùng tay nén lại) rồi thả tay ra – mục đích là đẩy hết không khí ra ngoài.

Nếu ruột gối nhanh chóng trở lại hình dạng ban đầu, không có mùi hôi, ẩm mốc thì chúng ta có thể an tâm dùng tiếp.

Nếu ruột gối mất nhiều thời gian mới trở lại hình dạng ban đầu, có mùi hôi bốc ra, thì chắc chắn chúng ta nên nghĩ tới việc thay một chiếc ruột gối mới rồi.

THANH HÀ/Theo Gia đình Việt Nam