Dòng sự kiện:

Điểm sàn đại học 2017 là 15,5 cho tất cả khối thi

Theo Zing.vn
10:23 12/07/2017
Sáng 12/7, Hội đồng điểm sàn của Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xét tuyển đại học năm 2017. Điểm sàn là 15,5 áp dụng cho tất cả khối thi.

Sau khi Hội đồng họp kết thúc sáng nay, điểm sàn xét tuyển đại học chính thức được công bố. Theo đó, điểm sàn xét tuyển ĐH của tất cả các khối là 15,5 điểm.

Với mức điểm sàn này, phân tích dữ liệu từ điểm thi của Bộ GD&ĐT cho thấy số thí sinh đạt từ 15,5 điểm trở lên đối với tổ hợp xét tuyển khối A là hơn 247.420 em. Khoảng 221.000 thí sinh trên sàn ở tổ hợp A1. Khoảng 224.460 thí sinh trên sàn ở tổ hợp khối B. Tổ hợp C00 có hơn 286.930 em đạt điểm từ 15,5 trở lên. Tổ hợp D1 có khoảng 341.791 em trên sàn.

Điểm sàn cao nhất trong 13 năm qua

Theo Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, 15,5 là số điểm cao nhất trong 13 năm qua cho tất cả khối thi, chưa kể điểm ưu tiên và nhân hệ số để tham gia xét tuyển.

Điểm sàn năm 2017 tăng 0,5 điểm so với năm 2016. Theo đó, điểm trung bình của các khối lần lượt là: Khối A1: 10,86; khối B: 10,72; khối C: 18,66; khối D: 17,51.

Theo quy chế tuyển sinh đại học năm 2017, đây là năm cuối cùng Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn xét tuyển đại học. Từ năm 2018, điểm sàn hay ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ do các trường ĐH tự xác định.

Trước đó, hai năm 2015 và 2016, mức điểm sàn áp dụng chung cho tất cả khối thi là 15.

Những lưu ý sau khi biết điểm sàn

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn, từ ngày 15/7, thí sinh bắt đầu thay đổi nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH. Dự kiến ngày 1/8, các trường ĐH công bố kết quả trúng tuyển.

Các trường đại học, cao đẳng sẽ lấy 70% chỉ tiêu khi xét tuyển nguyện vọng một.

Thời gian đăng ký xét tuyển của đợt một dự kiến là 20 ngày, sau đó, các trường sẽ công bố danh sách trúng tuyển. Những thí sinh đã trúng tuyển sẽ không được xét nguyện vọng bổ sung.

Trong 20 ngày của thời gian đăng ký xét tuyển, các em được phép thay đổi nguyện vọng đã đăng ký hoặc rút hồ sơ để đăng ký sang trường khác.

Để thuận lợi cho việc rút hồ sơ, cũng như đăng ký vào các trường khác, Bộ GD&ĐT quy định 3 ngày một lần các trường phải công bố công khai danh sách học sinh đăng ký xét tuyển vào trường theo trật tự từ cao xuống thấp của kết quả thi.

Điểm đầu tiên thí sinh cần cân nhắc là lựa chọn ngành, trường phù hợp để đảm bảo khả năng trúng tuyển cao nhất: Căn cứ kết quả thi của mình, thí sinh có thể tham khảo điểm trúng tuyển vào các ngành của trường ở những năm trước để quyết định chọn trường, ngành phù hợp.

Hiện nay, nước ta có hơn 400 trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Một ngành chuyên môn có thể được đào tạo ở nhiều trường với mức điểm xét tuyển rất khác nhau, nên thí sinh có nhiều cơ hội để lựa chọn được ngành yêu thích của mình.

Thí sinh phải cân nhắc kỹ khi đưa ra quyết định rút hồ sơ để nộp vào trường khác hay quyết tâm “bám trụ”, nhất là khi điểm thi của mình không thực sự vượt trội trong số những người cùng đăng ký vào ngành.

Những bạn chọn được nhiều ngành phù hợp nguyện vọng của mình trong một trường, sẽ dễ dàng hơn trong quyết định “rút“ hồ sơ hay “bám trụ” và cơ hội trúng tuyển của thí sinh sẽ lớn hơn rất nhiều.

Nếu chưa trúng nguyện vọng một, thí sinh có thể được xét các nguyện vọng bổ sung, lưu ý thời gian như sau:

Đợt một nhận hồ sơ từ 25/8 đến 15/9, công bố điểm chuẩn trước 20/9.

Đợt hai nhận hồ sơ từ 20/9 đến 5/10, công bố điểm chuẩn trước 10/10.

Đợt ba nhận hồ sơ từ 10/10 đến 25/10, công bố điểm trúng tuyển trước 31/10.

Đợt bốn nhận hồ sơ từ 31/10 đến 15/11, công bố điểm trúng tuyển trước 20/11.

Nguồn: Gia đình Việt Nam