Dòng sự kiện:

Điều ước thứ 7: Đám cưới ngọt ngào ở... nhà tang lễ

14:00 13/03/2016
"Kính mời chị Kim Oanh đến dự lễ cưới của tôi cho thêm phần vui vẻ và... làm cô dâu" tại Nhà tang lễ 125 Phùng Hưng, Hà Nội là lời cầu hôn ngọt ngào của người lính quân y Nguyễn Kim Chi gần 60 năm trước dành cho vợ.

 

 [mecloud]xjBUQwRUXd[/mecloud]

Trong chương trình Điều ước thứ 7 vừa rồi, câu chuyện của cụ ông Nguyễn Kim Chi (86 tuổi) và vợ là cụ bà Bế Thị Kim Oanh khiến nhiều người xúc động và cảm phục. Mối tình đẹp của người lính quân y và cô gái Cao Bằng những năm kháng chiến chống Pháp đã khiến những thế hệ sau "ngã mũ".

Năm 17 tuổi (năm 1947), với niềm đam mê nghề y, chàng thanh niên Nguyễn Kim Chi năm xưa đã nhập ngũ và trở thành một người lính quân y. Trong thời gian công tác tại Cao Bằng, anh tình cờ gặp và đem lòng yêu người con gái Cao Bằng có tên Bế Thị Kim Oanh. Tình yêu của họ cứ thế lớn dần trong những năm tháng kháng chiến với những kỷ niệm khó phai mờ.

Sau gần 3 năm thực hiện nhiệm vụ, đến năm 1954, ông Nguyễn Kim Chi phải theo đơn vị trở về Hà Nội. Tạm xa mối tình đầu vừa chớm nở, ông chẳng có gì làm tin ngoài lời hứa hẹn về một ngày trở lại. 

“Mối tình đầu tiên của tôi chính là ông xã” - bà Oanh cười, đôi mắt ánh lên niềm vui. Bà kể rằng thương ông mồ côi từ nhỏ, mới trẻ tuổi mà đã đi bộ đội thiếu sinh quân.

Ông thì tâm sự quân đội ngày đó rất nghiêm nên phải 1 năm sau mới mạnh bạo viết mấy chữ gửi cô gái trong mơ của mình, nhờ cậu em rể mới 10 tuổi làm "bưu tá".

Trong thư ông viết: “Oanh thân mến, anh đã biết Oanh được 8 tháng, từ đó hình ảnh và bóng dáng Oanh in đậm trong tâm trí anh. Oanh à, chúng ta còn trẻ lắm, chúng ta cứ yêu nhau, phải học tập cho tốt, và khi nào đủ điều kiện trưởng thành, chúng ta sẽ xin phép bố mẹ, ông bà, đơn vị và làm lễ cưới”.

Sau 3 năm công tác tại Cao Bằng, năm 1957, ông Chi phải theo đơn vị về Hà Nội. Hai người chẳng có gì làm tin, chỉ có lời hứa hẹn của anh lính quân y về một ngày trở lại.

“Ngày ông ấy về Hà Nội, tôi khóc suốt mấy ngày, sưng cả mắt mà ốm", bà Kim Oanh kể.

Sau khi về Hà Nội ổn định công tác, ông gửi ngay cho bà tấm thiệp đặc biệt: “Kính mời chị Kim Oanh tới dự lễ cưới cho thêm phần vui vẻ và… làm cô dâu”.

Đáp lại chàng bộ đội lãng mạn, cô gái trẻ bằng lòng tự đi về Hà Nội. Thế nhưng Kim Oanh vốn chưa từng bước chân tới thủ đô, nên đã bị lạc đường.

Hôm ấy, 8h bắt đầu lễ cưới mà cô dâu vẫn chưa thấy đâu. Bà làm ông sốt ruột, lo lắng. May mà cuối cùng, Kim Oanh cũng tìm được địa điểm diễn ra lễ cưới. Điều bà không ngờ tới, 125 Phùng Hùng, Hà Nội lại là... nhà tang lễ.

"Hồi đó có biết gì đâu. Nhưng cứ nghĩ, cái anh này, sao lại cưới người ta trong nhà tang". Bà cười nhớ lại.

Bao nhiêu cảm xúc, bao nhiêu nhung nhớ của chàng thanh niên Kim Chi đã vỡ òa khi được cầm lấy đôi bàn tay của người con gái mình yêu nhất trên đời trong ngày cưới.

Cô dâu xinh đẹp sau bao ngày đợi chờ, nay đã được sánh vai với chàng bác sĩ trẻ trong lễ vu quy.

Ông nói, cũng chẳng nhớ vì sao lại chọn nhà tang lễ để làm lễ cưới nữa, chỉ nhớ mỗi giây phút Kim Oanh hát tặng chồng bài “Bộ đội về làng”.

Ông tủm tỉm cười khi nhắc lại: “Bà ấy đã đứng lên hát, ngày xưa chẳng có cô dâu nào dám đứng lên hát trong đám cưới đâu”.

Đã 60 năm trôi qua kể từ đám cưới ấy, là từng ấy năm ông bà hạnh phúc bên nhau. Ông hiện nay đã 86 tuổi, còn bà gần 80. Họ chưa từng xa nhau, dù chỉ một ngày.

Chiến tranh kết thúc cách đây 40 năm, ông cũng nghỉ hưu 30 năm nay. Nhưng ông vẫn thực hiện nhiệm vụ của một người bác sĩ cứu người. Và bà vẫn bấy nhiêu năm ở cạnh bên, san sẻ, yêu thương, chăm sóc ông.

Họ vẫn yêu nhau bằng tình yêu trong sáng của tuổi đôi mươi. Trong không gian của khu phố cổ tại thiên đường Bảo Sơn (Hà Nội), những ký ức về đám cưới năm nào của ông Chi - bà Oanh đã được tái hiện và câu chuyện tình yêu đẹp của ông bà cũng khiến các thế hệ sau tỏ lòng ngưỡng mộ.

Linh San (Tổng hợp từ VTV/Zing)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

 [mecloud]OeQVFcercm[/mecloud]