Dòng sự kiện:

Đối phó với câu cửa miệng "không" của trẻ

02:10 21/10/2015
Khi bé nhà bạn lên 2 tuổi, câu cửa miệng mà bạn thường xuyên nghe ở bé là "Không, không".
Ở tuổi lên 2, bé chuyển sang giai đoạn biết suy nghĩ, có sự nhận thức riêng của mình. Trong quá trình phát triển "cái tôi", bé có vẻ "khó bảo" hơn trước. Tâm lý của bé thay đổi thất thường, hay buồn tủi hơn và bướng bỉnh hơn. Chính vì vậy cha mẹ thường xuyên phải nghe từ "Không" phát ra từ miệng đứa con yêu của mình.

Thực ra, đây chỉ là một giai đoạn trong quá trình phát triển của trẻ. Thêm 1 tuổi nữa thì bé vẫn có thể nói "Không" với bạn. Khi bé đã lớn hơn và nhận thức phát triển thêm một bậc, biết dùng nhiều từ để diễn đạt hơn thì trẻ sẽ có thái độ tích cực hơn.

Đừng bực mình và lo lắng quá. Bạn hãy bình tĩnh và định hướng để con biết vị trí của mình ở đâu trong mối quan hệ với gia đình và xung quanh.

Giúp con vượt qua giai đoạn nói "không"

Đừng quá quan tâm tới câu trả lời của con

Bạn hãy giải thích cho trẻ trước khi đưa ra yêu cầu và thể hiện rằng đó là yêu cầu của bạn và trước sau gì con cũng phải thực hiện. 

Nếu trẻ tiếp tục nói “Không”, bạn không cần giải thích cũng không dụ dỗ nhiều nữa. Bạn càng giải thích lằng nhằng, càng khiến trẻ ỉ ôi và thấy được sức mạnh trong từ “Không” của mình.

Kiên quyết dù trẻ có tán thành hay không

Khi trẻ đã bỏ đồ chơi ra và thực hiện những điều bạn yêu cầu, hãy giải thích với trẻ rằng: “Con phải biết nghe lời mẹ. Mẹ biết con con còn muốn chơi nữa, nhưng đây là việc quan trọng hơn buộc con phải làm”. Có thể trẻ sẽ chẳng thèm nghe và cũng chẳng thể hiểu những điều bạn nói. Nhưng hãy kiên nhẫn và kiên quyết, dần dần trẻ sẽ nhận ra, chống đối bạn là điều không thể và trước sau gì thì trẻ cũng phải làm.

Đừng nhượng bộ trước đòi hỏi của con

Nếu bạn không cho trẻ thấy quyền lợi luôn đi kèm với nghĩa vụ, thì bạn không thể khép một đứa trẻ vào kỷ luật. Rất nhiều ông bố bà mẹ đau đâu vì sự bướng bỉnh của con. Đặc biệt càng lớn trẻ càng thể hiện rõ sự bất tuân thủ của mình, thậm chí có bị đánh trẻ cũng nhất định “Không!” Đó là vì ngay từ đầu bạn đã luôn nhượng bộ con. Đứa trẻ sẽ dần nhận thấy rằng tiếng nói của nó quan trọng hơn bất kỳ một mệnh lệnh nào.

Kiên nhẫn nghe con “lý luận”

Tất nhiên, trẻ trên 2 tuổi đã bắt đầu có chính kiến riêng. Một khi bạn đưa ra yêu cầu và con từ chối, hãy kiên nhẫn nghe con “lý luận”. Sau đó, bạn sẽ nhẹ nhàng giải thích cho con hiểu. Điều này thực sự tốt khi bạn vừa khép con vào kỷ luật, vừa để con được thể hiện suy nghĩ của mình và không khiến trẻ có cảm giác nặng nề bị áp đặt.

Linh An (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam