Dòng sự kiện:

Đóng 100.000 đồng 'giải cứu' giáo viên: Ai 'giải cứu' phụ huynh?

Theo Lao động
13:10 03/06/2017
Đề xuất "giải cứu giáo viên" của TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Đại học FPT đang gây nhiều tranh luận trái chiều trên mạng xã hội, bởi lẽ, những câu chuyện xoay quanh đời sống, thu nhập của giáo viên… chưa bao giờ hết nóng trong thời gian qua.

Với ý tưởng, mỗi học sinh (phụ huynh) tiểu học hàng tháng góp 100 ngàn đồng để lập quỹ khuyến dạy, quỹ giải cứu giáo viên, ông Tùng cho rằng, trong khi Nhà nước không đủ sức giải quyết, để giáo viên tiếp tục tự bươn chải thì cả xã hội phải chung tay, phải đóng góp, để các thầy cô yên tâm làm nghề.

Ý tưởng này nhanh chóng bị “dập tắt” bởi những từ như “thanh cao nghề giáo”, bởi “chúng tôi không phải ăn mày”, bởi “tổn thương của giáo viên”.

Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, là một ngành đào tạo nhân lực cho toàn xã hội nhưng ai cũng phải thừa nhận là lương của giáo viên còn quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống.

Điều này dẫn đến tình trạng, giáo viên không thể chuyên tâm với nghề, “chân trong, chân ngoài”, dạy học theo kiểu nửa vời, “dạy không hết chữ” để tìm cách dạy thêm tăng thu nhập.

Cũng do đồng lương ít ỏi, nhiều trường đã nghĩ ra các khoản thu “ngoài luồng” khác núp dưới hình thức “tự nguyện” của phụ huynh học sinh.

Những khoản thu ấy gây biết bao bức xúc cho các bậc cha mẹ trong những ngày đầu vào năm học mới nhưng bao nhiêu năm qua ngành giáo dục không thể dẹp nổi.

Thế rồi, chính sách tuyển dụng thiếu minh bạch, tình trạng “chạy” công chức, viên chức, thậm chí là “chạy” một suất hợp đồng thôi cũng đủ bở hơi tai. Vậy khi phải tốn một khoản tiền để chạy rồi thì họ liệu có phải tìm cách để gỡ lại?

Tất cả những điều đó cũng luôn là nỗi trăn trở của giáo viên nói chung và là trăn trở của cả nền giáo dục.

Khi nhiều người quay lưng với lời giải cứu của TS Tùng, thì tôi hết sức cảm thông. Bởi lẽ, âu thì đó cũng xuất phát từ những mong muốn giáo viên được ổn định cuộc sống để chuyên tâm cho sự nghiệp trồng người.

Nếu có áp dụng, có thực hiện thì có lẽ, các nhà tài phiệt, các doanh nghiệp, phụ huynh có điều kiện hãy cùng tham gia bởi phụ huynh nông thôn lấy tiền đâu ra để giải cứu, bởi họ cũng đang phải giải cứu chính mình bởi nông sản đang thay nhau rớt giá. Họ đang rất cần được giải cứu để có tiền nuôi con ăn học. Giờ họ phải gánh thêm việc giải cứu giaó viên, vậy ai sẽ giải cứu phụ huynh đây?

Thế nhưng, dù có giải cứu thì đây cũng chỉ là những giải pháp tức thời, giống kiểu nhà dột thì chống dột, tường hư thì sửa trát hồ... nói nôm na là một cái áo rách thì những giải pháp nhỏ chỉ là chắp vá thôi.

Chung quy vậy, vẫn cần một giải pháp lâu dài và bền vững mong chờ ở Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và cái “nợ” với giáo viên.

Nguồn: Gia đình Việt Nam