Dòng sự kiện:

Đừng dại cho con đi học trước tuổi?

16:55 01/08/2015
Lời cảnh báo về việc cho con đi học trước tuổi của chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Mạnh Quân (Hội tâm lý học Việt Nam) đã khiến nhiều cha mẹ sửng sốt.

Tin liên quan

  • Tuyệt chiêu trị "bệnh" lười học của con
  • Dạy trẻ thoát khỏi tử thần bằng bài học nổi trên mặt nước
  • Giúp bé mẫu giáo vui vẻ làm quen với toán học
“Tôi thì lại nghĩ khác hơn một chút. Đó là nếu vẫn còn muốn sau này con mình là người khoẻ mạnh cả về tâm lực, thể lực và trí lực (không bị điên, dại...) thì đừng ép con học chữ và toán trước 6 tuổi... Nếu không câu trả lời sẽ đến chậm nhất là khoảng 25 năm sau... Đặt chỗ trong bệnh viện tâm thần cho con trước đi...”. Lời cảnh báo về việc cho con đi học trước tuổi của chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Mạnh Quân (Hội tâm lý học Việt Nam) đã khiến nhiều cha mẹ sửng sốt.

Chuyên gia mượn câu chuyện của một cô giáo tiểu học với quan điểm: "Những ông bố bà mẹ chỉ chăm chăm cho con luyện chữ đẹp, giải toán giỏi là những ông bố bà mẹ... lười". Cô kể tâm tư của một hiệu trưởng trường tiểu học: "Kinh phí của nhà nước thì thấp, tôi muốn dạy các em kỹ năng sống, dạy làm việc nhóm, dạy làm người... tất cả những thứ tốt đẹp đó đều cần giáo viên giỏi và nhiều chi phí. Chỉ có dạy chữ là rẻ nhất trong các loại dạy".

Theo đó, nhiều chuyên gia có cùng quan điểm rằng, nguy hiểm nhất ở lớp 1 không phải là chưa biết viết, biết đọc, mà là không kết nối được với xung quanh, không biết cách bộc lộ cảm xúc, không biết tương tác, không biết cách sống cùng người khác".

Quan điểm này nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều nhau, với những người cho con học chữ, toán trước bày tỏ rằng: “Ở bầu thì tròn ở ống thì dài. Ở Mỹ vào lớp 1 mà thầy cô không dạy thì cứ gọi luật sư đến nói chuyện, hên thì kiện được 1 triệu đô. Ở Việt Nam con cái bị thầy cô xếp vào nhóm “chậm tiến” thì chỉ có khóc. Khôn nhờ dại chịu, đến xếp hàng còn chen nhau thì hỏi sao mấy chuyện khác tốt hơn được”.

Có ý kiến bày tỏ việc cho con đi học trước tuổi gần như bị rơi vào tình thế ép buộc, phải theo: “Nói hay như hát. Nhìn những đứa trẻ cha mẹ không có thời gian tập cho con biết chữ và biết số đi học thua kém bạn bè. Nhìn trẻ bị cô giáo phạt phải ở lại lớp, không được về vì chưa viết được. Nhìn đau lòng lắm. Chính thầy cô đã biến tuổi thơ của trẻ đáng thương”. Hay: “Đa số các trường bây giờ đã cho học chữ và toán bắt đầu từ lúc 5 tuổi rồi. Để thay đổi cả cái nền giáo dục của Việt Nam không biết phải mất bao nhiêu năm nữa. Tôi có hai đứa con mà lo quá, không bắt, không ép nhưng cả trường học cả lớp học, cả nước học”.

Một ý kiến trăn trở khác: “Mỗi người một suy nghĩ, một hành động nhưng tất cả những điều đó đều không ngoài 1mục đích là mong muốn con mình học tốt, thành người. Ngoài những kĩ năng sống, tại sao không dạy thêm cho con biết đọc, biết viết trước có phải tốt hơn không?”.

Lý giải về lời cảnh báo của mình, ThS. Nguyễn Mạnh Quân, chuyên gia Nghiên cứu Thần kinh và Não bộ, chuyên gia tâm lý Hội Tâm lý học Việt Nam cho rằng: “Có thể hiểu một cách đơn giản như sau, việc dạy trẻ học chữ, học toán trước 6 tuổi là trái nguyên tắc của bộ  não khiến não bộ không phát triển được.

Việc học chữ, học toán trước sẽ làm mất thăng bằng và sự hoạt động của hai bán cầu đại não. Nên hiện nay số người trầm cảm rất nhiều mà nguyên nhân chủ yếu là do bán hai bán cầu đại não không còn làm việc đồng bộ vì bị ép học từ lúc nhỏ.

4 – 5 tuổi là độ tuổi trẻ phát huy tính sáng tạo tiềm ẩn bên trong tất cả mọi đứa trẻ một cách tối đa. Nếu cha mẹ biết hướng đến những cơ hội tiếp xúc và khám phá thế giới xung quanh cho trẻ đó mới là cách giúp trẻ có tương lai tốt sau này. Ép con học sớm chỉ mang đến lợi ích trước mắt, vô tình làm hại tương lai của con.

Trẻ đang hiếu động mà bắt trẻ ngồi im một chỗ để học thì vô tình ép trẻ đi ngược lại với quy luật phát triển tự nhiên của cơ thể. Khi bị ép buộc học sẽ không có một sáng kiến nào được nảy sinh, thậm chí còn làm ảnh hưởng đến việc phát triển trí tuệ, khiến trẻ ghét học.

Bắt học chữ, làm toán sớm vượt ngoài khả năng lứa tuổi của trẻ có thể khiến trẻ tự ti, lo sợ không làm được như mong muốn của bố mẹ, dễ khiến trẻ chán nản, xuất hiện nhiều cảm xúc tiêu cực. Bên cạnh đó, biết chữ sớm khi đến lớp lại phải học lại những thứ đã biết sẽ khiến trẻ chủ quan, không tập trung học bài, thậm chí  chán nản, thấy việc học không thú vị.

Tay trẻ con cũng rất yếu, cha mẹ cho cầm bút trước 6 tuổi có thể cầm sai cách làm hỏng tay trẻ, dễ sinh tật tay khi đến lớp cô giáo sẽ khó nắn lại.

Lam Anh (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Xem thêm video:

[mecloud]qIAnPyLcri[/mecloud]