Dòng sự kiện:

Đuổi học sinh vì mẹ chê cà vạt xấu: Hình phạt quá nặng?

18:04 09/09/2015
“Nếu đúng nguyên do chỉ vì chê cái cà vạt mà đuổi học sinh thì hình phạt đó quá nặng" - PGS Văn Như Cương bày tỏ.
2 PGS phản đối: Hình phạt quá nặng

Sự việc trường Sao Việt (Vstar, quận 7, Tp.HCM) đuổi học cậu học sinh lớp 2 của trường này (tên Lê Quang Minh H.) chỉ vì mẹ bé lên Facebook chê cà vạt của trường xấu đang khiến dư luận rất bức xúc.

Theo đó, ngày 20/5, chị Nguyễn Thanh Hiếu (SN 1980, ngụ Q.2, TPHCM) có viết một chia sẻ góp ý về cà vạt đồng phục của con trai mình là bé Lê Quang Minh Hải (lớp 3 trường VStar, Q.7) trên Facebook cá nhân. Sau đó, chị bất ngờ khi biết bé Hải đã bị đuổi học.

Theo lời phụ huynh, sau khi status được đăng lên, nhà trường có mời chị lên làm việc vài lần nhưng chị bận ở Hà Nội nên đến ngày 3/8 mới lên trường, khi đó chị mới biết con trai đã bị cho thôi học.


Chị Hiếu - phụ huynh cháu Lê Quang Minh Hải.

Các chuyên giáo dục bày tỏ sự không đồng tình trước quyết định trên của trường Vstar.

Trên báo Trí thức trẻ, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết: “Khi nghe tin này, tôi cũng hơi ngạc nhiên, bố mẹ chê cà vạt hay bộ đồng phục của trường xấu mà đuổi học sinh thì chẳng có lý nào”.

Sau khi tìm hiểu, trực tiếp đọc nội dung phụ huynh viết trên Facebook, PGS Văn Như Cương chia sẻ: “Nếu đúng nguyên do chỉ vì chê cái cà vạt mà đuổi học sinh thì hình phạt đó quá nặng".

Ông cũng bày tỏ quan điểm, bài viết trên Facebook của phụ huynh học sinh trên về cà vạt của trường: "Tôi thấy chẳng có vấn đề gì. Người ta chỉ góp ý kiến".

Duy nhất có câu cuối hơi nặng: “Nếu không làm được thì dẹp đi, không chả khác nào cái ghẻ rách vắt lên cổ các cháu”.

“Chỉ có một vài câu hơi mạnh. Nhưng thời buổi này, phê phán như vậy là bình thường. Trên Facebook, nhiều người còn viết rằng vị bộ trưởng, quan chức nọ kia... bằng những câu đại loại như “Từ chức đi!”. Vậy chẳng nhẽ đuổi cổ người ta à?!” – thầy Văn Như Cương nói.

Theo thầy Cương, trường Vstar nên tiếp tục để cho bé Minh H. học, vì “chê trên FB là chuyện của bố mẹ cháu”. Hơn nữa, việc góp ý đó cũng rất chân thành. Ông nhấn mạnh, trường Vstar “xử” vậy là có nghiêm. Tuy nhiên, phải áp dụng văn hóa thế nào cho phù hợp, mềm dẻo. Phạt học sinh như vậy là quá nặng.

PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD & ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học Cao đẳng Việt Nam cũng bày tỏ: “Nếu vì chuyện chê cái cà vạt mà đuổi học sinh thì nhà trường làm như vậy là không đúng.

Bà mẹ có quyền so sánh cà vạt của Vstar với cà vạt Hàn Quốc, có quyền chê – đó là quyền bình đẳng, quyền được tự do ngôn luận. "Quyền của học sinh là được đi học, tuân thủ mọi nội quy của nhà trường, vẫn đeo cà vạt tới lớp tại sao lại đuổi học. Điều này rất vô lý. Tôi không đồng ý với cách xử sự của nhà trường, nguyên thứ trưởng bày tở ý kiến”.

Ông cũng lưu ý, dù người mẹ có nói lời nặng nề thế nào đi nữa trên Facebook thì nhà trường cũng không nên đuổi học sinh. Vì nhà trường có giận bà mẹ, không nên “giận cá chém thớt” đổ hết lên đầu học sinh.

Còn nếu nhà trường giữ quan điểm của mình rằng, cà vạt của mình tốt hơn, đẹp hơn so với cà vạt Hàn Quốc thì có thể mời phụ huynh đó đến trao đổi, tranh luận về quan điểm thẩm mỹ khác nhau này.


Chiếc cà vạt là "lý do" khiến con chị Hiếu bị đuổi học!?

“Tại sao lại bắt học sinh phải chịu trách nhiệm về hành động của bố mẹ nó. Vì việc cá nhân của bố mẹ không liên quan gì tới việc học hành của con cái. Tôi đề nghị nhà trường nên xem xét lại cách xử lý của mình. Bởi cách ứng xử như vậy không đúng. Đừng làm chuyện bé như vậy mà xé ra to, trở thành chuyện lớn, phức tạp", ông Nhĩ thẳng thắn.

Ông cũng nhắn với lãnh đạo nhà trường rằng, khi mình phục vụ quần chúng, phục vụ học sinh, trước hết cần biết lắng nghe, đôi bên cùng trao đổi để tôn trọng lẫn nhau.

Nguyên thứ trưởng đề nghị Phòng giáo dục hoặc Sở Giáo dục Tp.HCM – nơi quản lý trường Vstar cần vào cuộc để đảm bảo quyền lợi cho học sinh.

Hiệu trưởng trường Vstar lên tiếng

Trước sự việc này, trao đổi với báo Tuổi trẻ, ngày 8/9, bà Chu Thị Ngọc Thịnh, Hiệu trưởng Trường Vstar, cho biết: "Ngày 18/5, phụ huynh của em Lê Quang Minh Hải, học sinh lớp 2T, có gửi email cho nhà trường một tấm hình cà vạt của học sinh Hàn Quốc cùng với nội dung: “Gửi nhà trường tham khảo”.

Ngày 19/5, ban giám hiệu chúng tôi đọc mail này. Đến ngày 20/5, ngày nhà trường tổ chức lễ tổng kết năm học thì phụ huynh em Hải viết trên Facebook về cà vạt của trường cộng với việc tấm hình tập thể lớp 2T.


Cô hiệu trưởng trường Vstar.

Đến giữa tháng 6, nhân viên trường đã gọi điện mời phụ huynh vào trường. Tuy nhiên, phụ huynh nói không sắp xếp được thời gian. Nhân viên của trường có nói rằng khi nào phụ huynh vô được thì báo với trường.

Đến ngày 19/6, trường gửi tin nhắn thông báo đóng học phí cho năm học mới nhưng phụ huynh điện thoại nói mình đang ở Hà Nội đến tháng 7 mới về. Nhân viên của trường lại tiếp tục xin lịch hẹn sau khi phụ huynh về TP.HCM. Phụ huynh nói khi nào về sẽ liên lạc với trường".

Bên cạnh đó, theo bà Thịnh thì mục đích của buổi gặp gỡ là để ban giám hiệu trường lắng nghe và giải tỏa ẩn ức, giải thích cho phụ huynh hiểu.

Điều quan trọng, bà Thịnh nhấn mạnh: "Trường chúng tôi là trường tư, chắt chiu từng em học sinh chứ không có lý gì lại đuổi học sinh chỉ vì chuyện cỏn con như thế. Ngay cả những em có vấn đề về trí tuệ, có em tự kỷ nhưng không phá rối các bạn, chúng tôi vẫn nhận. Vấn đề học phí lại càng không vì thời điểm tháng 9 mà vẫn còn nhiều phụ huynh chưa đóng học phí.

Theo tường trình của thầy hiệu phó thì cuộc trao đổi ngày 3/8 hai bên có trao đổi về chuyện cà vạt, có tranh luận nhưng cuối cùng hai bên không tìm được sự đồng thuận trong cách hành xử, trong việc giáo dục học sinh nên phụ huynh xin rút học bạ".

Nói riêng về việc đồng phục học sinh của trường, theo bà Thịnh, đây là đồng phục đã được tất cả học sinh sử dụng 5 năm nay. Hằng năm, nhà trường đều xin ý kiến của phụ huynh về những mong muốn mà họ kỳ vọng nhà trường sẽ làm cho con em họ, tuyệt nhiên không có ý kiến nào về cà vạt học sinh.

"Tôi thấy buồn, rất buồn! Em Hải học ở Trường Vstar từ đầu năm học lớp 2. Hằng ngày hiệu trưởng và hiệu phó nhà trường đều đứng đón học sinh trước cổng. Muốn góp ý với trường, tại sao phụ huynh không gặp trực tiếp tôi hoặc điện thoại, nhắn tin, gửi email? Cả năm học phụ huynh không có ý kiến gì, đến cuối năm lại viết lên Facebook như vậy có nên không?

Muốn dạy con mình ngoan, lễ phép thì trước tiên phụ huynh phải tôn trọng nhà trường, tôn trọng thầy cô giáo của con mình. Quá trình giáo dục con trẻ cũng cần sự hợp tác giữa nhà trường và gia đình" - bà Thịnh chia sẻ.

Thế nhưng, về phía phụ huynh, chị Hiếu chia sẻ: “Tôi đã gặp ông Huỳnh Châu Lộc (phụ trách văn thể mỹ của trường) thì được ông Lộc trả lời rằng, môi trường giáo dục của nhà trường không phù hợp với gia đình nên trường quyết định không tiếp tục cho bé học nữa.

Thậm chí, ông Lộc còn khẳng định: Nếu một chiếc cà vạt chị cũng không thắt được cho con mình thì chị không có kỹ năng làm mẹ".

Chị Hiếu thừa nhận những từ ngữ trong đoạn chia sẻ là có thể hơi quá, thế nhưng chỉ là chị muốn góp ý về chiếc cà vạt, chứ không mang danh tiếng trường để nói trên mạng xã hội.

Lam Anh (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

>> Video có thể bạn quan tâm:

[mecloud]WX9ai2sD5y[/mecloud]