Dòng sự kiện:

Đuổi theo chó nuôi lấy lại môi cho con

18:19 24/08/2015
Một cháu bé bị chó cắn đứt rời cả môi dưới, gia đình phải đuổi theo con chó để lấy lại môi, đưa đến bệnh viện phẫu thuật nối liền cho bé.

 

 

 

Theo tin tức từ báo Thanh niên, trong tháng 8, liên tiếp nhiều ca trẻ bị chó cắn gây thương tích phải nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Có trường hợp, bé bị cắn đứt cả môi phải khâu nối lại.

Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, đã có 4 ca trẻ em bị chó cắn chấn thương mặt nhập viện tại đây cho đến thời điểm này của tháng 8.

Một bệnh nhi bị chó cắn rách mặt phải cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 1. (Ảnh: Báo Thanh niên).

 

Trong đó, nặng nhất là một bệnh nhi 9 tuổi (ngụ tỉnh Bình Phước). Bé bị chó cắn đứt rời cả môi dưới. Người nhà của bé còn phát hoảng khi nhớ lại cảnh tượng kinh hoàng phải đuổi theo con chó giật lại môi, đưa đến bệnh viện phẫu thuật nối liền cho con.

Gần đây nhất là trường hợp của một bé gái 2 tuổi (ngụ tỉnh Bình Dương), nhập viện cấp cứu trong tình trạng bị chó nhà cào rách mặt, vết cắn khá sâu, dài khoảng 3 cm, lộ cả mô tuyến mang tai.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay, các bác sĩ phải rửa sạch, cắt lọc và khâu thẩm mỹ vết thương vùng má phải của bệnh nhi. Đồng thời, bé cũng được chích ngừa dại và huyết thanh ngừa uốn ván.

Một bé gái 7 tuổi khác (ngụ TP.HCM) cũng bị chó cắn mất gần hết một bên má. Các bác sĩ đã phải lấy da của vùng khác trên cơ thể để tái tạo lại mặt cho em.

Cũng theo bác sĩ Đẩu, các trường hợp nặng như trên, bệnh nhi phải được phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, dù có phẫu thuật tốt cũng để lại di chứng như là sẹo co rút làm đuôi mắt bị kéo sệ xuống, khi ngủ bé không nhắm mắt kín được hoặc miệng sẽ bị kéo xếch lên.

Không chỉ vậy, trẻ bị chó cắn khi nhập viện thường rất hoảng loạn, la khóc. Các bé sẽ bị ảnh hưởng tâm lý, ám ảnh lâu dài về việc này.

Trên báo Vietnamnet, từ những tai nạn thương tâm do chó cắn nói trên, các bác sĩ khuyên những nhà có trẻ nhỏ nên hạn chế nuôi chó. Nếu nuôi chó thì phải chích ngừa, hạn chế chó tiếp xúc trực tiếp với trẻ, không thả chó nếu không có rọ mõm.

Theo bản năng tự nhiên, chó rất hung dữ khi ngủ, đang ăn và nuôi con. Chó càng to, khỏe thì gây tổn thương càng nặng.

Nguyên nhân khiến tình tạng trẻ em bị chó cắn gia tăng, một phần do phong trào nuôi chó của người dân. Trước đây chúng ta chỉ nuôi chó với mục đích giữ nhà, thì nay nhiều gia đình nuôi chó để làm cảnh.

Khánh Vy (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Video đang được quan tâm:

[mecloud]yuSrHihIEf[/mecloud]