Dòng sự kiện:

Giải mã thông điệp từ tiếng khóc của bé

16:06 29/07/2015
Tiếng khóc giống như một "ngôn ngữ giao tiếp" chính của trẻ. Bố mẹ cần phán đoán nguyên nhân để làm giảm cơn khóc của con.

Bé dưới 6 tháng rất hay khóc, ngay cả với em bé bình thường, không có vấn đề về sức khỏe. Bé khóc nhiều trong 6 tuần đầu và sau 4 tháng tuổi, mức độ giảm dần. Đa số các bé khóc vào cuối buổi chiều và đầu buổi tối.

Trong 10 bé thì sẽ có một bé khóc vì "nết", khóc mà dỗ hoài cũng không nín. Khi bé còn nhỏ thì gần như không có cách dỗ dành nào gọi là hiệu quả nhất nhưng đa phần bé khóc để được quan tâm, vuốt ve, bế bồng nên bố mẹ theo đó để đáp ứng nhu cầu của con hợp lý.

Bé trên 6 tháng đã biết nhận thức nên khi bé khóc sẽ do nhiều nguyên nhân hơn. Bố mẹ cần phán đoán nguyên nhân để làm giảm cơn khóc của con.

Bé bị đói

Từ khi sinh ra cho tới khoảng 3 tuần tuổi, trẻ sơ sinh khóc phần lớn thường do đói. Kiểu khóc khi bé đói có thanh độ thấp, có nhịp điệu, và lặp theo khuôn mẫu là khóc ngắn, ngừng chút, khóc ngắn, ngừng. Khi chưa nhận được phản ứng gì, trẻ tiếp tục khóc to hơn kèm theo đó là các động tác mút tay, liếm mép, nhóp nhép miệng và nhỏ nước miếng.

Bé khát

Trẻ khóc nhỏ hơn so với khi bụng đói. Nếu người lớn đưa bình bú cho trẻ, trẻ sẽ lập tức há miệng và với người theo hướng bình sữa nếu bạn di chuyển về hướng khác. Khi núm vú gần miệng, trẻ ngay lập tức ngậm bình và bú.

Bé gắt ngủ

Tiếng khóc có mức độ tăng dần đều cả về âm lượng và tần suất. Ban đầu, trẻ chỉ khóc hức hức vài tiếng rồi nín. Khi chờ đợi thêm, trẻ lại tiếp tục khóc lớn hơn và nhiều hơn. Đến khi quá buồn ngủ, trẻ khóc lớn tiếng và liên tục.

Khi bé mệt

Tiếng khóc khi bé mệt mỏi là tiếng khóc có cường độ và âm thanh run run. Ngoài ra, khi bé mệt sẽ có động thái ngáp va dụi mắt.

Làm nũng

Âm lượng tiếng khóc thất thường, lúc thấp, lúc cao. Khóc nhưng không có nước mắt đi cùng, miệng mếu máo, tay chân khua máy lung tung, đôi mắt đảo nhìn xung quanh liên tục.

Bé bị đau

Thường thì tiếng khóc lớn và có cường độ càng lớn thì khả năng cao là do bé bị đau chứ không phải vì đói hay mệt.

Bé hoảng sợ

Đột ngột khóc ré lên, tiếng khóc to đi cùng tiếng nấc dài, toàn thân giãy giụa. Bạn có thể liên tưởng những âm thanh bất thường ngay trước lúc bé khóc để biết bé sợ điều gì.

Bé bị lạnh  hoặc nóng

Bé khóc khi tay và chân ẩm ướt và đổ mồ hôi là dấu hiệu bé đang nóng, bé lạnh khi có dấu hiệu tay và chân bé hơi đổi xanh.

Tã ướt do đi tè hoặc đi tiểu

Trẻ có thể khóc to hoặc khóc nhỏ nhưng thường thấy trẻ lúng túng, đạp chân nhiều và mặt nhăn nhó tỏ vẻ khó chịu.

Muốn đổi tư thế

Khi bé không muốn ngồi một chỗ, chán đồ chơi, muốn ẵm bồng đi lại, bé có thể khóc hự hự đôi ba tiếng và có các dấu hiệu cụ thể như đưa tay đòi bế, duỗi chân chuồi xuống đất khi đang được bế cao, với các bé lớn hơn còn đưa tay chỉ trỏ...

Bé bị bệnh

Bằng trực giác bố mẹ có thể nhận ra được có điều gì đó không ổn với bé. Tiếng con khóc do bị bệnh khác biệt với tiếng khóc mọi ngày của bé, nghe yếu ớt hơn nhiều so với tiếng khóc khi đòi hỏi hay khóc nhè. Nếu bé thật sự không nguôi, ăn uống không bình thường, có vẻ thiếu sức sống, hoặc có biểu hiện những dấu hiệu bệnh khác như sốt, ói mửa, tiêu chảy, bạn cần nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ.

Tường Vy (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin