Dòng sự kiện:

Giẫm chân lên thủy tinh có liên quan gì tới kỹ năng sống?

16:25 26/08/2015
Chủ biên cuốn sách khẳng định: "Trẻ nhỏ đi trên thủy tinh không có gì nguy hiểm cả”, tuy nhiên, nhiều ý kiến không đồng tình cho rằng, bài học giẫm chân lên thủy tinh không có ích gì cho kỹ năng sống.

[mecloud]GIQ79fPq4f[/mecloud]

Đi khắp nơi dạy thực hành cho trẻ nhỏ đi trên thủy tinh suốt 15 năm

Tiến sĩ Phan Quốc Việt, chủ biên cuốn “Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1” (NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành) phân tích trên báo Tuổi trẻ: “Về mặt vật lý, khi chúng ta làm mảnh thủy tinh bằng bao diêm (khoảng 3cm2) và làm khung dày khoảng 5cm, thì khi trẻ con bước lên thủy tinh, những mảnh nhỏ, nhọn, thiết diện bé, áp suất lớn sẽ chìm xuống dưới, còn mảnh nào to, thiết diện lớn, áp suất bé, sẽ nằm lại lại bên trên, nên đi rất êm chân”.

Ông nói thêm: “Chúng tôi đã thử trắc nghiệm làm bài tập cho trẻ em là lựa chọn giữa đi thủy tinh và đi sỏi, nhưng các em đa số là chọn đi trên sỏi. Nhưng sau khi cho các em thực hành đi trên sỏi và thủy tinh, thì đa số các em đều lựa chọn đi trên thủy tinh. Việc đi tên thủy tinh không có gì nguy hiểm cả”.

Bìa sách “Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1” (NXB Giáo Dục Việt Nam ấn hành) - Ảnh: Tuổi trẻ

Nói về cuốn sách do ông biên soạn, Tiến sĩ Phan Quốc Việt cho biết, “Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1” đã được NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản từ năm 2013. Bản thân ông cũng đã đi khắp nơi trong nước dạy thực hành cho trẻ nhỏ đi trên thủy tinh suốt 15 năm nay.

“Cuốn sách được xuất bản đã hơn 2 năm rồi, nhưng chưa có trường hợp nào báo lại với tôi là có trường hợp trẻ con bị thương vì đi trên thủy tinh. Cũng chưa có ai kiện tôi vì việc đưa bài dạy trẻ nhỏ đi trên thủy tinh vào trong sách.

Bài học về lòng dũng cảm gây tranh cãi.

Trả lời câu hỏi, còn nhiều cách để dạy lòng dũng cảm cho trẻ nhỏ, ngoài cách đi trên thủy tinh, ông Việt cho biết: “Tất nhiên là có nhiều cách giáo dục lòng dũng cảm cho trẻ nhỏ, nhưng dạy trẻ bằng cách đi trên thủy tinh là một cách rất hay. Hồi nhỏ tôi cũng dẫm lên mảnh sành, mảnh chai là bình thường! Chúng ta đừng biến trẻ con thành gà công nghiệp, mà nên biến chúng thành đại bàng”.

 “Giẫm vào thủy tinh không có ích gì cho kỹ năng sống”

Ông Vũ Đặng Hùng, Công ty Mega Media không đồng tình với việc dạy kỹ năng sống, cụ thể là dạy trẻ về lòng dũng cảm bằng cách để trẻ đi trên thủy tinh. “Trẻ nhỏ còn rất nhiều thứ phải học từ trái đất của chúng ta như: học cách bơi trong dòng nước, đi lại, đối xử với súc vật. Con nào độc, con nào không độc, con nào dữ. Cách làm sao để tránh con ong đốt…Hay học cách ứng xử với thiên nhiên: trời mưa thì nên làm thế nào, nắng thì sao. Đó là kỹ năng sống với thiên nhiên, trái đất.

“Còn một kỹ năng sống khác đó là làm sao để sống với ứng dụng văn minh của con người. Ví dụ như: Cứu hỏa thì phải làm như thế nào? Sử dụng điện ra sao? Xếp hàng như thế nào?... Nếu các cháu nhỏ được học những cái đó sẽ cảm thấy cuộc sống thoải mái và sống tốt hơn. Đó là kỹ năng sống.

Theo tôi, kỹ năng là một cái gì được chỉ dẫn và hướng dẫn để lặp đi lặp lại. Vậy, kỹ năng thì phải có rèn luyện và phải hiểu được bản chất của nhận thức.

Tại sao chúng ta không có kỹ năng xếp hàng mặc dù học sinh ai cũng học xếp hàng. Bởi chúng ta không thật sự quan tâm đến việc học sinh xếp hàng để làm gì.

Chúng ta không dạy cho học sinh biết rằng xếp hàng để bảo đảm quyền của người đứng trước thì được trước. Như vậy, nếu mình không xếp hàng thì đã cướp đi cái quyền của người đứng trước. Đó chính là kỹ năng sống chứ không phải là xếp hàng để mua được hàng hóa.

Hay kỹ năng bơi là bơi làm sao để có thể sống được dưới nước. Bơi trong nước một cách thoải mái, hấp thụ sức khỏe do chúng ta rèn luyện dưới nước, ngộ nhỡ có rơi vào hoàn cảnh khó khăn sẽ biết cách ứng xử chứ không phải là cứ dùng sức mạnh bơi thật lực. Chúng ta phải học cách cầu cứu, bơi theo dòng chảy, bám vào vật dụng trôi nổi chứ không phải là học bơi để trở thành vận động viên.

Tôi tư duy về kỹ năng sống như vậy. Vì vậy, nếu nhìn ở góc độ như vậy thì việc giẫm vào thủy tinh không có ích gì cho kỹ năng sống cả” – ông Hùng chia sẻ trên Infonet.

"Việc giẫm vào thủy tinh không có ích gì cho kỹ năng sống cả” – ông Hùng chia sẻ.

Phụ huynh phản đối gay gắt nội dung cuốn sách

Khi đọc được câu chuyện này, rất nhiều phụ huynh bày tỏ thái độ ngạc nhiên, thậm chí phẫn nộ vì cách dạy kỹ năng sống cho trẻ kiểu… huấn luyện cảm tử thế này.

Phần lớn ý kiến đều phản đối gay gắt nội dung của cuốn sách: “Theo tôi biết, đi trên thủy tinh là việc được nhiều nhà cảm xạ dạy cho nhiều người lớn làm theo. Cũng không phủ nhận họ đã đi được. Vậy nhưng, đây là trẻ con, người biên soạn cuốn sách có hiểu chúng chỉ là những đứa trẻ, chưa có bất cứ ý thức gì về việc này hay không? Tôi thật sự thất vọng bởi sự dũng cảm đã được đề ra trong cuốn sách, cũng như sự vô tâm của người biên soạn”.

"Khổ thật cơ, suốt ngày ra rả khuyên con đọc sách, sách thế này thì bố mẹ ân hận có ngày...

Mọi người chửi người soạn sách và biên tập ngu, nhưng sao mình cứ cảm thấy bệnh hoạn thế nào... Đọc mẩu chuyện và xem hình minh hoạ cứ gai hết cả người...

Học rồi hành theo sách thì thành tật chứ thành người làm sao!" - một phụ huynh bình luận.

Một người khác bức xúc: “Các bé vốn luôn “dũng cảm” hơn người lớn. Không nghe mấy vụ bé thọc thay vào ổ điện, nhảy từ lan can ban công Linh Đàm xuống đất à? Sao phải dạy kiểu này nữa nhỉ?”.

"Ngày trước mình có học thế này đâu nhỉ? Mà dũng cảm kiểu này là hành xác à? Chết mất!", “Như thế này không phải là dũng cảm. Ngày xưa, khi mình còn nhỏ, các bài học về dũng cảm là tiêm không khóc, dũng cảm là can bạn đánh nhau… Đây là trò nghịch dại”... - nhiều cư dân mạng đồng quan điểm.

Quan trọng hơn, sự “ghê rợn” trong nội dung bài học khiến nhiều người lo sợ rằng, với sự trong sáng và rất thật thà của trẻ con, rất có thể các bé sẽ “chứng minh lòng dũng cảm” của mình bằng cách dẫm lên mảnh kính vỡ, nghịch dao, kéo hay những vật sắc nhọn khác mà không có sự kiểm soát của người lớn.

Lam Anh (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Xem thêm video:

[mecloud]Dqa0wGURTp[/mecloud]