Dòng sự kiện:

Giật mình hoảng hốt vì con gái lớp 4 đã dậy thì

Theo Phụ nữ Việt Nam
19:00 05/03/2017
'Mẹ ơi, cho con xin một miếng băng vệ sinh được không'; 'Vớ vẩn, bé tí đã tò mò đồ của người lớn'. Lát sau, khi thấy đũng quần của con gái mới học lớp 4... loang lổ vết đỏ, chị Phan Thanh Hương mới giật mình hoảng hốt.

Cũng như chị Phan Thanh Hương (TPHCM), nhiều cha mẹ có con ở bậc tiểu học chưa hình dung được rằng, độ tuổi trẻ em bước vào giai đoạn dậy thì ngày một sớm hơn. “Con gái tôi vốn gầy gò, tôi cứ nghĩ con hãy còn nhỏ lắm. Trước kia, khi học tới lớp 10 tôi mới có kinh nguyệt.”, chị Hương cho biết.

Tại trường tiểu học Khương Thượng (Hà Nội), trẻ tiểu học dậy thì không còn là chuyện hiếm. Các bé trai có biểu hiện mọc ria mép, vỡ giọng; các bé gái ngực phát triển rõ rệt và có kinh nguyệt. Ở khối lớp 5, ước chừng có 1/3 các em học sinh đã dậy thì. Khối lớp 4 ít hơn nhưng vẫn có em đã có kinh nguyệt. Vì thế, từ lâu, trong ngăn kéo bàn của các cô giáo, ngoài đồ dùng học tập còn có thêm những vật dụng đặc biệt là miếng băng vệ sinh, cũng có thể là chiếc quần, váy đồng phục tối màu. Mỗi khi có học sinh (HS) nữ nào đến tháng, các cô sẽ chủ động đưa HS vào nhà vệ sinh, đưa cho con băng vệ sinh hoặc đưa con chiếc quần khác để mặc.

Tại trường tiểu học Lê Văn Tám (Hà Nội), có khoảng 20% HS khối lớp 5 đã dậy thì. Ở khối lớp 4, có từ 7% đến 10%. Thậm chí có cả HS mới lớp 3 đã có kinh nguyệt. Một phụ huynh HS ở trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (TPHCM) kể: “Con gái mình chưa đầy 10 tuổi mà đã rất sốt ruột hỏi mẹ đến bao giờ con mới... bị. Thì ra, lớp con đã có nhiều bạn gái có kinh. Con còn kể bạn gái nào đi học mà đột nhiên ngồi ngoan trong lớp là... đang bị đấy mẹ ạ. Các bạn ý sợ máu dây ra quần”.

TS Vũ Thu Hương (trường Đại học Sư phạm Hà Nội) trong một buổi giảng về giới tính cho học sinh lớp 5

Dạy con cách vệ sinh 'vùng kín'

Do mới ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, nên khi đột nhiên... có tháng, nhiều bé gái tỏ ra khá sợ hãi. Có bé nghĩ rằng mình sắp chết vì bị chảy máu bất thường, bé thì xấu hổ với bạn bè, nhất là bạn trai và coi kinh nguyệt như tội lỗi.

Theo các chuyên gia, trước thực tế trẻ dậy thì sớm, người lớn, đặc biệt là người mẹ vốn gần gũi con nhất, không thể cứ... bị động, ngỡ ngàng mà phải có biện pháp chủ động giúp đỡ các em.

“Sau lần đó, mình đã mua cho con sách về giáo dục giới tính để con đọc. Mình còn nói chuyện với con một cách nghiêm túc về kinh nguyệt, về việc con đã trở thành thiếu nữ và con sẽ có nguy cơ mang thai nếu bị xâm hại tình dục. Mình dạy con cách vệ sinh vùng kín trong những ngày có kinh nguyệt”, chị Hương kể.

Buổi học giáo dục giới tính cho trẻ. Ảnh minh họa

Thời gian đầu, khi con gái chưa quen, chị Hương xin phép cô giáo vào những ngày con đến tháng sẽ đón con về nhà vào buổi trưa để giúp con thay băng vệ sinh, thay quần lót. Khi con lên lớp 5, chị yên tâm vì con không còn sợ kinh nguyệt và đã biết cách chăm sóc bản thân tại trường. Hàng tháng, chị nhắc con gói những chiếc băng vệ sinh kín đáo trong tờ giấy rồi để sẵn trong cặp để dùng trong trường hợp cần. Kinh nghiệm của chị Hương là cha mẹ đừng ngại ngần chia sẻ và chủ động giáo dục giới tính cho con sớm.

Trong khi đó, tại nhiều trường tiểu học cũng đã có các cách giáo dục giới tính cho các con. Trường tiểu học Võ Trường Toản (Q.10, TPHCM) đã mời chuyên gia, bác sĩ tại bệnh viên đến nói chuyện về vấn đề giới tính cho HS lớp 5. HS nam, nữ học bán trú cũng được tách ra ngủ riêng.

Tại trường tiểu học Thanh Xuân Trung (Hà Nội), các cô giáo luôn sẵn sàng giải đáp thắc mắc của HS về vấn đề của tuổi dậy thì. Cô giáo Nguyễn Quỳnh Anh cho biết: Khi dạy các con về giới tính, để tránh cho các con ngại ngần, có những nội dung, cô dạy HS nữ riêng, nam riêng. Với HS nữ, cô nói với HS về dấu hiệu của dậy thì như có hiện tượng kinh nguyệt, ngực phát triển. Với HS nam, cô nói về tinh trùng, về trách nhiệm của bạn nam phải giúp đỡ các bạn gái, không chòng ghẹo các bạn gái dậy thì... Do đó, các HS của cô rất hiểu về sự phát triển của cơ thể và tôn trọng bạn khác giới.

Nguồn: Gia đình Việt Nam