Dòng sự kiện:

Giúp con vượt qua khủng hoảng sau ly hôn của bố mẹ

18:28 14/11/2015
Những kinh nghiệm của một bà mẹ trẻ sau đây có thể hữu ích với các bố mẹ ở trong hoàn cảnh tương tự.

 

 

Việc ly hôn là chuyện người lớn, chuyện của bố và mẹ nhưng những đứa con lại bị ảnh hưởng nhiều. Nhiều con còn nhỏ nên không thể hiểu được tại sao lúc trước bố mẹ đang ở cùng nhau mà giờ lại không ai nói với ai một lời, mỗi người ở một nơi. Rồi những ngày tháng sau đó, các xáo trộn về tâm lý, giờ giấc và bữa cơm gia đình không còn đủ cả bố, mẹ đã làm cho đứa trẻ trở nên hoang mang, lo lắng, thậm chí tự ti. 

1. Nói chuyện với con về ly hôn

Càng sớm càng tốt ngay sau khi có quyết định chia tay, bố hoặc mẹ cần sắp xếp thời gian để có cuộc nói chuyện đầu tiên với con. Khi nói với con, bố hoặc mẹ nói một cách đơn giản, dễ hiểu để diễn đạt ý mà mình muốn truyền đạt cho con. Đứa trẻ sẽ có thể tiếp nhận thông tin này một cách bình thường, không mấy lưu ý vì chúng chưa thực sự hiểu thế nào một cuộc ly hôn. Nhưng sau đó, khi không thấy bố, mẹ ở cùng, chúng sẽ thắc mắc và lúc này, bố hay mẹ sẽ bắt đầu cuộc nói chuyện thứ hai để giải thích cho con hiểu lý do bố mẹ không thể ở cùng nhau, giúp con hiểu rằng chia tay không phải là điều tồi tệ nhất.

Sau khi ly hôn, bố và mẹ có trách nhiệm hạn chế tối đa gây tổn thương cho trẻ. Ảnh minh họa: C.C

2. Không nói xấu người kia với con

Sau khi ly hôn, điều tối kỵ là bố mẹ nói xấu nhau trước mặt con theo kiểu "Bố mày là người chẳng ra gì" hay "Mẹ mày đúng là người mẹ tồi". Nói xong, bố hoặc mẹ có thể xem như là đã trút giận, hả hê nhưng đứa con thì bị tự ái nặng nề. Chúng cảm thấy hoang mang, khó hiểu tại sao bố mẹ chúng lại nói với chúng những câu như vậy. Hầu hết đứa trẻ nào cũng hỏi thầm: "Tại sao bố mẹ lại ghét nhau đến như thế?", "Bố mẹ còn yêu các con nữa không?"... Các con không biết phải làm sao, phải nói gì khi hai người mà chúng yêu thương nhất trở nên thành hai con người hoàn toàn xa lạ khi nói xấu nhau. Bố hoặc mẹ nên chú ý kiểm soát lời nói, hành vi của mình với người kia trước mắt con.

3. Chia sẻ, thống nhất với con về kế hoạch trong tương lai

Sắp xếp lại cuộc sống sau ly hôn là một việc quan trọng mà bố hay mẹ nào cũng nên cho các con tham gia, chia sẻ và có ý kiến. Lịch đưa đón con đi học, đưa con đi chơi hay lịch cho các con ở nhà bố hoặc mẹ ngủ, lịch thăm ông bà... cần phải được bố mẹ và các con lập ra rõ ràng, thống nhất. Nếu có bất kỳ thay đổi nào, hai bên bố mẹ cần thông báo trước cho nhau để tránh trường hợp hiểu lầm và làm các con cụt hứng. Bố mẹ hãy tôn trọng ý kiến của các con và cố gắng lắng nghe những nguyện vọng của các con để có thể điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp.

4. Ưu tiên việc ở bên con 

Có nhiều bố mẹ sau ly hôn thường lao vào công việc hay rượu chè và những mối quan hệ khác mà quên mất còn có con đang cần sự chia sẻ, quan tâm của bố hoặc mẹ. Trong những trường hợp này, bố hoặc mẹ nên dành nhiều thời gian ở bên con như đưa con đi mua sắm, đưa con đi chơi, thậm chí có thể nghỉ phép để đưa con đi du lịch... Thời gian ở bên con càng nhiều càng có ích cho đứa trẻ khi đối mặt với giai đoạn khủng hoảng sau ly hôn của bố mẹ. Bố mẹ cũng nên có những cử chỉ yêu thương với con, trò chuyện với con và sự chăm sóc chu đáo để con dần thích ứng với cuộc sống mới của gia đình. Hãy nói cho các con hiểu rằng, dù bố mẹ có chia tay nhưng bố mẹ vẫn yêu và quan tâm các con nhất.

Theo Ngôi sao