Dòng sự kiện:

Giúp trẻ chữa bệnh ghen tị với anh chị em ruột

03:02 06/01/2016
Trẻ nảy sinh tính cách ghen ghét, đố kỵ với chính anh chị em ruột của mình khiến cha mẹ đau đầu khi nhà có đông con.

[mecloud]FB98bqNeq4[/mecloud]

Chuyện anh chị em ruột so bì, tị nạnh với nhau xảy ra ở hầu hết các gia đình khi có 2 con trở lên, khi thì anh chị ghen tị với em nhỏ, hoặc ngược lại. Tình trạng này không chỉ xuất hiện khi trẻ còn nhỏ mà trong nhiều trường hợp kéo dài tới tuổi vị thành niên, đôi khi con cái đã trưởng thành vẫn xảy ra tình trạng đố kỵ, tranh giành nhau khiến bố mẹ phải đau đầu khi phải xử lý sự việc.

Vợ chồng chị H.B (Bắc Từ Liêm - Hà Nội) đau đầu khi suốt ngày phải phân xử cho hai cô con gái (một 6 tuổi, một 4 tuổi). Ngay từ nhỏ, mua bất kỳ thứ gì cho con vợ chồng chị đều phải mua giống nhau và bằng nhau. Quần áo mới cho hai chị em cũng phải màu sắc giống hệt nhau, nếu không chắc chắn sẽ xảy ra việc ti nạnh nhau ngay tức khắc.

Có lần ông bà nội ở quê gọi điện chuẩn bị lên chơi, vì mua cho cháu hai món quà khác nhau mà chị H.B phải mất 2 tiếng đồng hồ đổ dỗ dành cô bé út khi ghen tị với cô chị rằng món đồ chơi của chị to hơn, trong khi cô lớn thì quyết không nhường nhịn em, quyết giữ phần của mình cho bằng được.

Nguyên nhân khiến trẻ ghen tị, so bì với nhau lỗi thường không xuất phát từ trẻ mà phần lớn do cách ứng xử chưa khéo léo của những người lớn xung quanh. Ảnh: Minh Sang

Gia đình chị Liên (Đội Cấn - Hà Nội) cũng không hơn gì, khi hai cậu con trai hơn nhau 3 tuổi, nghịch như "quỷ sứ", rất hiếu động nhưng cũng tị nạnh nhau suốt ngày. Cậu anh mặc dù đã hơn 7 tuổi, nhưng không bao giờ chịu nhường nhịn em, tranh giành với em từ món đồ chơi, ăn uống đến ngay cả việc đi vệ sinh vào buổi sáng cũng quyết không nhường em đi trước.

Cậu em thì cũng không vừa, cho rằng mình nhỏ hơn nên có quyền muốn gì được nấy, thấy anh có gì là đòi cho bằng được, thậm chí có khi lao vào đánh nhau với anh mình để giành được món đồ chơi như ý muốn.

Có lần, chị Liên mua một ít đồ dùng học tập cho đứa con trai lớn, chưa hiểu những vật dụng đó sử dụng vào việc gì, nhưng cậu em cũng đòi cho bằng được và quyết không trả lại anh dù mẹ đã khéo léo dỗ dành. Cuối cùng, để cho "yên cửa nhà", chị Liên đành mua thêm một bộ nữa cho cậu anh để ngày hôm sau mang đến lớp.

Nguyên nhân khiến trẻ ghen tị, so bì với nhau lỗi thường không xuất phát từ trẻ mà phần lớn do cách ứng xử chưa khéo léo của những người lớn xung quanh, đặc biệt là cha mẹ - những người có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ.

Bố mẹ nên là người ứng xử công bằng khi yêu thương hay dạy dỗ các con. Khi thưởng hay phạt các con, bố mẹ hãy cho các con biết lý do làm như vậy. Bố mẹ nên kiềm chế và tránh thái độ "giận cá chém thớt" khiến trẻ khó hiểu và nảy sinh thói đố kỵ.

Minh Sang

Nguồn: Gia đình Việt Nam

>> MỜI ĐỘC GIẢ XEM VIDEO ĐANG HOT:

[mecloud]dXNsb1SSik[/mecloud]