Dòng sự kiện:

Giúp trẻ xóa bỏ tâm lý đố kỵ

21:00 25/07/2015
Để giúp trẻ xóa bỏ tâm lý đố kỵ, trước tiên cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ đố kỵ với người khác.

Khi trẻ thấy người khác có những thứ mình không có sẽ nảy sinh ngưỡng mộ, dần chuyển thành ghen tị, đây là điều thường thấy.

Các bậc cha mẹ cần tiếp xúc, nói chuyện với trẻ, kịp thời nắm bắt những thay đổi tâm lý của trẻ, nguyên nhân vì sao trẻ đố kỵ như: “Bạn A đạt danh hiệu học sinh xuất sắc mà mình không được”, “bạn B” có búp bê đẹp mà mình không có”…

Kiên nhẫn lắng nghe những cảm nhận của trẻ. Cần hiểu rằng tâm lý đố kỵ ở trẻ là trực quan, là có thực và xuất phát một cách tự nhiên. Đó chỉ là phản ứng tâm lý của trẻ khi không thực hiện được nguyện vọng của mình. Do đó khi thấy trẻ xuất hiện tâm lý này, cha mẹ không nên vội vàng chỉ trích hay phê bình, đả kích trẻ.

Khi trẻ bộc bạch với cha mẹ, đó là lúc chúng cảm thấy không vui, muốn trút bỏ bực dọc trong lòng và con cần người chia sẻ, hiểu và rộng lượng với con. Trong trường hợp này bạn không nên bình luận gì mà chỉ cần nói với con rằng: “À, mẹ tưởng chuyện gì to tát lắm cơ”. Nên biết rằng chính sự thoải mái và nụ cười của bạn sẽ giúp trẻ gỡ bỏ được tâm lý đố kỵ.

Khi nảy sinh tâm lý đố kỵ, trẻ thường tự đổ lỗi cho mình hoặc đối tượng chứ ít xét đến các yêu tố khác. Lúc đó cha mẹ cần phân tích rõ cho con về những nguyên nhân, và chỉ ra con đường, cách thức. Như vậy trẻ có thể hiểu được điểm được và chưa được của mình và bạn, từ đó áp dụng phương pháp tích cực, lành mạnh, hóa giải sự mất cân bằng của mình.

Ngoài ra cha mẹ cần bồi dưỡng tinh thần lạc quan cho con, giải thích với con rằng mỗi người có những sở trường, sở đoản riêng. Hướng dẫn con khắc phục điểm yếu, bù đắp thiếu sót của bản thân và tự tin hơn với ưu điểm của mình.

Tường Vy

Nguồn: Người đưa tin