Dòng sự kiện:

GS Ngô Bảo Châu: Học sinh được chọn ngoại ngữ để học là tiến bộ

15:46 27/09/2016
Theo GS Ngô Bảo Châu, việc học sinh được chọn 1 trong 5 sinh ngữ để học như ngoại ngữ thứ nhất là tiến bộ. Và trong số 5 sinh ngữ ấy, nên có tiếng Trung.

Trước thông tin Bộ GD & ĐT thí điểm dạy tiếng Trung và tiếng Nga từ lớp 3 đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận, trên trang facebook cá nhân của Ngô Bảo Châu, GS đã bày tỏ quan điểm của mình.

GS Ngô Bảo Châu viết:

"Vì nước Mỹ là nước giàu nhất thế giới nên tất cả con em Việt nam phải chọn tiếng Anh làm ngoại ngữ thứ nhất? Giống như đã từng có lúc Liên xô vĩ đại là mô hình để cả nhân loại dõi theo nên tất cả trẻ con phải học tiếng Nga.

Hiển nhiên việc trẻ con có thể chọn 1 trong 5 sinh ngữ để học như ngoại ngữ thứ nhất là tiến bộ.

Hiển nhiên trong số 5 sinh ngữ đấy phải có tiếng Trung. Để tồn tại bên nách Trung Quốc, chúng ta không có lựa chọn nào khác là buôn bán với họ, nếu có lãi thì tốt, hiểu văn hoá của họ, nếu hiểu họ hơn họ hiểu ta thì tốt".

GS Ngô Bảo Châu cho rằng, việc học sinh được lựa chọn nhiều ngoại ngữ để học như ngoại ngữ thứ nhất là chính sách tiến bộ. Và việc tiếng Trung Quốc là thứ tiếng nên được xếp trong 5 thứ tiếng tiếng ấy là việc nên làm.

ý kiến mà GS đưa ra ngay lập tức nhận được nhiều phản hồi từ phía cư dân mạng, nhất là các bậc phụ huynh đang có con em theo học bậc tiểu học, trung học.

Nhiều người chia sẻ với quan điểm của GS Ngô Bảo Châu, cho rằng, với những người học tiếng Anh thì nếu lựa chọn một ngoại ngữ thứ 2 thì tiếng Trung là lựa chọn hàng đầu. "Anh nói giống bố em quá anh ạ. Bố em bảo bọn trẻ con nhà em nếu học thêm ngoại ngữ thứ 2 thì tiếng Trung nên là lựa chọn hàng đầu", Dinh Quynh Ngoc cho biết.

Nickname Hoa Tran viết: "Học 1 ngôn ngữ có rất nhiều người sử dụng trên toàn thế giới thì cơ hội giao lưu nhiều lên, còn việc chọn học ngôn ngữ gì là do sở thích và nhu cầu mỗi người".

GS Hà Huy Khoái cũng chia sẻ quan điểm này, ông viết: "Nếu không là bắt buộc, mà tự chọn, thì tất nhiên càng có nhiều thứ để lựa chọn thì càng tốt thôi!"

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng tranh luận ý kiến của GS Ngô Bảo Châu ở nhiều khía cạnh.

Nickname Thanh Tran-Trong cho rằng, chính sách này không ổn vì "ai thích học thì học, không cần phổ cập".

"Từ ngày dân Ba Lan bỏ học tiếng Nga họ phát triển ầm ầm, mà vẫn buôn bán với Nga. Học để nói tiếng Tàu thì dễ, nhưng để ký hợp đồng bằng tiếng Mandarin thì rất khó. Business (kinh doanh) nên ký bằng tiếng Anh, được bảo vệ hơn" - Facebooker này lập luận.

Phản biện quan điểm Thanh Tran-Trong, nickname Qúy Hiên Lê cho rằng, Bộ GD-ĐT không hề có ý định phổ cập tiếng Trung và tiếng Nga.

"Nó chỉ là một quy định có tính chất về mặt pháp lý, để về nguyên tắc 5 tiếng đó là bình đẳng với tư cách là ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam".

"Quan điểm đó có từ cả chục năm nay rồi, và trên thực tế thì tiếng Anh vẫn là ngoại ngữ được dạy ở hầu hết các trường, mấy ngoại ngữ kia chỉ có gọi là thôi (nhưng khi làm đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT vẫn phải làm đủ cả 5 đề Anh, Pháp, Đức, Trung, Nga)" - Facebooker này viết.

Tuy nhiên, không đồng ý với đề xuất từ Bộ GD&ĐT, facebooker X.H thẳng thắn phân tích: "Có lẽ cái mà người dân và dư luận hoang mang là ngành giáo dục luôn đưa ra các dự án thí điểm. Hết cải cách toàn diện; trận đánh lớn , trận đánh nhỏ ... đến thi cử, trắc nghiệm bỏ môn này học môn kia, chẳng hiểu kiểu gì ? Các dự án học ngoại ngữ đã thất bại lãng phí tiền của dân sao bây giờ lại đưa ra việc dạy các tiếng này. Hãy bình tĩnh đưa ra các quốc sách sáng hơn cho dân nhờ, tham khảo kinh nghiệm các nước phát triển và các nước đang phát triển để tìm ra giải pháp phù hợp với Việt Nam. Ông tân bộ trưởng giáo dục muốn tạo ra dấu ấn của nhiệm kỳ nên nhớ phải vì lợi ích quốc gia và được đa số người dân ủng hộ. Ngành giáo dục có nhiều chuyên gia giỏi ông tân bộ trưởng cần lắng nghe ý kiến của họ và ý kiến của dư luận. Riêng tôi không đồng ý với dự án này".

Một cư dân mạng khác còn bày tỏ lo ngại: "Trước giờ chuyển qua dạy tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ hai được bao nhiêu năm rồi mà anh có thấy được bao nhiêu phần trăm học sinh, sinh viên có thể sử dụng tiếng Anh tốt mà không cần phải học thêm ở chỗ nọ chỗ kia? Bây giờ có thêm tiếng gì thì cũng là thêm một môn trẻ con phải đi học thêm, cha mẹ phải kiếm thêm tiền cho con học thêm. Học ngôn ngữ trên lý thuyết là rất tốt nhưng mà thực hành ở Việt Nam lúc nào cũng chẳng tới đâu biểu sao mọi người không phản đối".

Trước đó, theo thông tin đã đưa, bắt đầu từ năm học 2016 - 2017, Bộ Giáo dục sẽ xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung 10 năm, từ lớp 3 đến lớp 12 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Việc dạy thí điểm này đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.

Chi Chi

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Xem thêm: 

Đề xuất thí điểm dạy tiếng Trung từ lớp 3 gặp nhiều tranh cãi