Dòng sự kiện:

GS. Ngô Bảo Châu: "Truyền lửa" toán học cho lứa tuổi từ 11 đến 13 là tốt nhất

15:00 25/08/2015
GS Ngô Bảo Châu quan niệm rằng lứa tuổi 11-13 đặc biệt quan trọng việc nuôi dưỡng và định hướng đam mê học tập và nghề nghiệp sau này. Đặc biệt là với toán học.

Tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội tối 24/8, GS Ngô Bảo Châu và GS người Pháp Cédric Villani - người cũng giành giải thưởng Fields năm 2010 – đã có buổi chia sẻ thẳng thắn với hàng trăm bạn trẻ về truyền lửa đam mê học tập và nghiên cứu của bản thân trong lĩnh vực Toán học.

Các bạn trẻ ngồi kín sân khấu nghe GS Ngô Bảo Châu và GS Cédric Villani trò chuyện.

Cuộc tọa đàm  “Phương pháp giáo dục: Làm thế nào để truyển lửa? Toán học là một trường hợp cụ thể. Góc nhìn chéo Việt - Pháp” thu hút hàng trăm học sinh, sinh viên, các bậc phụ huynh, các nhà chuyên môn tham gia.

Đặc biệt chú trọng “truyền lửa” ở lứa tuổi 11 - 13

Cả GS C. Villani và GS Ngô Bảo Châu cùng đồng quan điểm cho rằng lứa tuổi 11-13 đặc biệt quan trọng việc nuôi dưỡng và định hướng đam mê học tập và nghề nghiệp sau này. Đặc biệt là với toán học.

GS. Ngô Bảo Châu nhấn mạnh: “Hãy khuyến khích con theo đuổi sở thích, đam mê của bản thân bởi mỗi người sinh ra đều có năng lực riêng. Yếu tố dẫn dắt, định hướng và phát hiện tài năng là quyết định cho tương lai của trẻ ở lứa tuổi này. Cũng như vậy, từ 11 – 13 tuổi là thời gian quyết định truyền cảm hứng cho trẻ theo đuổi toán học”.

GS C. Villani khẳng định việc “truyền lửa” toán học trong lứa tuổi này bằng một câu chuyện vui. Trong gia đình có bố mẹ đều theo nghiệp văn, GS C. Villani có hiểu biết sâu rộng về toán học hơn bố mẹ của ông từ năm 12 tuổi.

Hai giáo sư cũng tâm sự đã khuyến khích con cái chọn lĩnh vực mà chúng thực sự yêu thích để nuôi dưỡng tài năng. GS Villani cho biết hai con ông đều học chuyên về âm nhạc, trong khi ông bà chuyên văn và bố chuyên toán. GS Ngô Bảo Châu cho biết hiện tại mới chỉ hi vọng cô con gái út sẽ theo đuổi toán học mà thôi.

Nghệ thuật của giáo viên trong việc “truyền lửa” toán học

Một trong những yếu tố quyết định trong vấn đề “truyền lửa” toán học được hai giáo sư nhắc đến trong tọa đàm, đó là người giáo viên.

Một sinh viên Sư phạm toán lắng nghe 2 giáo sư chia sẻ kinh nghiêm "truyền lửa" cho học sinh.

GS. Ngô Bảo Châu đặc biệt quan tâm đến việc: “Giảng viên phải có niềm đam mê thực sự với môn học. Điều này sẽ tạo nên kỹ năng, động lức giảng dạy”. Bên cạnh đó, giáo sư cũng đề cao tính linh hoạt trong của các giảng viên ở từng môi trường cụ thể, phải hiểu được khả năng của học sinh để phát triển môn học cho phù hợp.

Hai là, “Cần đặt ra những bài toán khó hơn so với khả năng của các em nhằm kích thích học sinh vượt lên chính mình. Mặt khác, giúp giáo viên tìm ra tăng năng toán học”, giáo sư tâm niệm. Bên cạnh đó, đức tính chân thành, kiên trì, yêu quý học sinh sẽ là một môi trường tốt giúp giảng viên có nhiều “thần đồng” xuất sắc trong lĩnh vực toán học.

Cần có trường chuyên toán

GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ ước mơ nên giáo dục nước nhà: “Tôi quan niệm rằng nền giáo dục mà chúng ta cần hướng tới là một nền giáo dục đa dạng. Trong đó mỗi người trẻ đều có tài năng của mình, việc của giáo dục là cho phép tài năng đó được phát triển. Khi lớn lên tài năng của đứa trẻ sẽ được thể hiện bằng một tác phẩm nào đó trong cuộc đời”.

Rất đông các học sinh sinh viên chuyên toán đến tham dự buổi chia sẻ.

GS cũng bày tỏ niềm hi vọng sẽ thành lập trường chuyên toán nhằm tạo điều kiện cho các tài năng thực sự về toán học phát triển phục vụ cho đất nước. Đặc biệt trên hai lĩnh vực then chốt là tài chính và quốc phòng.

Bên cạnh những ý kiến cho rằng, việc thành lập trường chuyên toán sẽ khiến trẻ học lệch và không ứng dụng nhiều trong cuộc sống. GS cho rằng: “Cha mẹ nào cũng muốn con cái có cuộc sống hơn người, nhưng lại chỉ muốn con biết những điều bình thường phục vụ trong cuộc sống. Ở trường học, toán có thể là môn xa vời nhất. Nhưng trong cuộc sống,  toán học ở ngay trong chính vật dụng  hằng ngày của bạn. Và thế giới tương lai sẽ nằm trong tay những người chuyên toán học ”.

GS Villani cũng cho hay, môi trường chuyên giúp tập trung vào những ngành mũi nhọn và nuôi dưỡng đam mê và tài tăng thật sự nhằm cống hiến trong lĩnh vực cụ thể. Ở Mỹ, họ cũng xây dựng mô hình trường chuyên như vậy, và kết quả là có 80 giải Noben được trao tại đây.

GS Ngô Bảo Châu cùng các đồng nghiệp dự định xây dựng một bảo tàng toán học ứng dụng tại Quy Nhơn, nhằm đem lại cách nhìn mới mẻ và giá trị thực tiễn của toán học mang lại cho cuộc sống.

Không thể đánh giá con người bằng chỉ tiêu

GS. Ngô Bảo Châu tâm sự, tại viện toán chúng tôi có hỗ trợ để các bạn sinh viên tổ chức một cuộc thi toán mô hình dành cho các bạn học sinh. Tôi có tham gia buổi chấm điểm cuối cùng và rất thú vị khi một bài toán về trồng cây và tưới cây được đưa ra.

Có nhiều đội dự thi, trong đó có đội tôi biết là rất giỏi toán, thích toán, các bạn ấy tính toán ra cách trồng cây tốt nhất, tưới cây sao cho tiết kiệm nước nhất. Dường như, các bạn này không chú trọng đến cái cây mà chỉ chú ý đến việc chứng minh phương pháp tưới cây ấy logic nhất về mặt toán học.

Nhưng cũng có đội rõ ràng khả năng toán học không bằng những đội còn lại nhưng đầu óc rất thực tế, quan tâm thật sự đến cây được tưới. Nên các bạn đưa ra phương án có thể lời giải không hoàn hảo về mặt toán học nhưng rất thú vị về quan điểm trồng cây và tưới cây.

Qua câu chuyện thú vị này, tôi cho rằng giá trị con người không thể chỉ đánh giá bằng một chỉ tiêu anh có giỏi toán hay viết văn giỏi hay không, anh có giỏi lý thuyết này, có khả năng chứng minh luận điểm kia hay không, mà cuộc sống cần rất nhiều phẩm chất khác nhau. Nên chúng ta không thể đánh giá con người bằng một chỉ tiêu, mà phải dựa tổng quan các phương diện từ lý thuyết đến thực tiễn.

Cũng như vậy mà suy rộng ra, mỗi bạn trẻ hoàn toàn có thể có một cuộc sống, công việc có ý nghĩa, đem lại cho bạn niềm vui, niềm tự hào cho bản thân và gia đình, có ích cho xã hội mà không nhất thiết phải có bằng ĐH. Xã hội cũng không nhất thiết tất cả mọi người đều phải vào ĐH và có bằng ĐH. Tuy vậy, sự tìm tòi, học hỏi và tìm ra những đỉnh cao tri thức mới luôn cần đối với mỗi con người.

 

 

NHƯ Ý

Nguồn: Người đưa tin